Thiếu nhi TP.HCM lần đầu tiên vui Trung thu phong vị Bắc Bộ

Thứ Ba, 30/08/2016, 10:14

Lần đầu tiên, trẻ em TP.HCM sẽ có cơ hội trải nghiệm phong vị trung thu Bắc Bộ với những chiếc mặt nạ giấy bồi tại sự kiện Lễ hội mặt nạ, được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vào ngày 10-9 tới. Sự kiện do nhóm Cùng bé sáng tạo và Dragon Capital phối hợp tổ chức. 

 

Những năm trước đây, cứ vào dịp Trăng Rằm, trẻ em TP.HCM thường “quẩn quanh” khu phố lồng đèn Lương Nhữ Học (Quận 5), vui Trung thu  với các chương trình “có vẻ tạp kỹ” được tổ chức tại các khu phố gần nhà, công viên, Nhà thiếu nhi… hoặc những đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc.  Năm nay, trẻ từ 5 tuổi trở lên ở đây sẽ có cơ hội tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống, một trong những “đặc sản” Trung thu đất Bắc để phá cỗ đêm Rằm.

Đây là đồ chơi người lớn làm cho trẻ con vui trông trăng nhưng thực chất là một trong những đồ vật góp mặt một cách đặc biệt vào “nghi lễ” cúng trăng – cúng trời đất – cầu mùa mà con trẻ như một thành tố tham dự vào để không khí đêm Rằm tháng Tám trở nên sôi động.

Hình ảnh bé tham gia trải nghiệm và sáng tạo mặt nạ giấy bồi truyền thống.

Các em nhỏ TP.HCM tham gia chương trình Lễ hội mặt nạ sẽ có cơ hội tìm hiểu cách bồi mặt nạ truyền thống, tự tay sáng tạo nên chiếc mặt nạ cho riêng mình và có những trải nghiệm nghệ thuật cùng với bột màu trên quạt giấy. Mục đích của Ban Tổ chức là giúp các em nhỏ phát triển tư duy khác về sáng tạo nghệ thuật từ những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày.

Đây cũng là lần đầu tiên, những chiếc mặt nạ châu Phi sẽ được giới thiệu trong  dịp Tết Trung thu TP.HCM. Qua đó, nới rộng sự liên tưởng, thế giới quan, kết nối các em nhỏ vào một hình ảnh mang tính biểu tượng văn hóa là chiếc mặt nạ Việt Nam và thế giới.

Một trong nhữn sản phẩm sáng tạo của các bé.

Ngoài ra, sẽ có một triển lãm mặt nạ do các họa sỹ trẻ của TP.HCM sáng tạo, được trưng bày trong không gian sự kiện. Những chiếc mặt nạ này sẽ được bán đấu giá, gây quỹ cho các hoạt động cộng đồng của Cùng Bé Sáng Tạo sau sự kiện.

Lễ hội mặt nạ tại TP.HCM được tổ chức ngay sau chương trình tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đúng một tuần và trước  Tết Trông Trăng 5 ngày. Chương trình là sự nối tiếp thành công của các dự án khơi dậy mạch nguồn di sản văn hóa truyền thống của nhóm Cùng Bé Sáng Tạo vào năm 2015 như “Cùng vẽ mặt nạ, vui Tết Trung thu”, “Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết”. Thông qua các hoạt động giáo dục và trải nghiệm mỹ thuật dân gian, nhóm muốn tạo ra một sân chơi bổ ích cho các em nhỏ nhân dịp đêm Rằm, hướng các em đến ý thức người Việt yêu văn hóa Việt, sản phẩm Việt.

Dragon Capital  là đơn vị tài trợ và đồng hành cùng Nhóm Cùng bé sáng tạo trong sự kiện văn hóa – giáo dục di sản lần này. Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển Kinh doanh, Dragon Capital cho biết: “Đây không chỉ là một sân chơi thú vị cho các em nhỏ TP.HCM mà còn là dịp để chính các bậc phụ huynh có được những trải nghiệm thực tế với nghề làm mặt nạ, một trong những nét văn hóa truyền thống lâu đời của Việt Nam. Thông qua sự kiện mang màu sắc văn hóa đặc biệt này,  mong rằng thông điệp chung tay bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống sẽ có sức lan toả rộng khắp đến nhiều thế hệ hơn”.

Được biết, đây là năm thứ hai, nhóm Cùng bé sáng tạo khởi lại hình ảnh chiếc mặt nạ, một trong những đồ chơi quen thuộc Trung thu Việt Nam. Trước câu hỏi vì sao lại “xới” lại hình ảnh này trong khi mỹ thuật dân gian còn rất nhiều điều để kể với các bé, TS Trang Thanh Hiền, Giảng viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm nhóm cho rằng: “Trên thực tế cho thấy, sau sự kiện năm 2015, dường như những bạn nhỏ được tiếp cận với văn hóa truyền thống hay những chiếc mặt nạ truyền thống vẫn chỉ là một con số rất nhỏ. Do vậy, chúng tôi muốn rằng chương trình này sẽ trở thành chương trình thường niên để việc trải nghiệm văn hóa truyền thống của các bé sẽ liên tục được duy trì như một mạch nguồn. Để đến hẹn lại lên, các bạn nhỏ dịp này lại có thể tự làm cho mình những chiếc mặt nạ của riêng mình”.

Chủ nhiệm nhóm Cùng Bé Sáng Tạo cũng nói thêm, khi dòng văn hóa ngoại lai không ngừng đổ vào Việt Nam như những cơn lốc và nó cũng liên tục thay đổi để bắt kịp với đời sống cũng như thẩm mỹ xã hội chúng ta thì việc Cùng Bé Sáng Tạo (hay một dự án khác có tính chất tương tự) nếu chỉ khởi lên một năm rồi ngừng, thì mọi chuyện lại đâu vào đó. Việc khơi dậy văn hóa truyền thống dưới hình thức trò chơi cho con trẻ là cách ta có thể đi dài hơi hơn trong quá trình hội nhập. Đó cũng là một câu chuyện dài, ta cần duy trì một các đều đặn và liên tục, như vậy mới có thể khơi gợi lại nguồn cội, khắc ghi vào tuổi thơ các em những thói quen văn hóa, ý thức văn hóa.

Hình ảnh tại sự kiện Cùng bé sáng tạo.

Sau ngày tổ chức sự kiện chính ở 2 đầu cầu Hà Nội và TP.HCM, dự án sẽ kết hợp với một số các đơn vị khác như trường học, trung tâm văn hóa, công ty khác, nhà xuất bản… để thu hút được sự quan tâm của cộng đồng vào câu chuyện giáo dục di sản này.

 Đây là chương trình phi lợi nhuận, được thực hiện với nguồn vốn xã hội hóa hoàn toàn, từ sự đóng góp của các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, do nhóm Cùng Bé Sáng Tạo bao gồm giảng viên, sinh viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, các CLB mỹ thuật thiếu nhi, CLB Thiết kế trẻ và bạn bè của mình thực hiện.

PV
.
.
.