“Khủng hoảng” biên kịch sân khấu:

Thiếu "bột" khó gột nên "hồ"

Thứ Bảy, 09/06/2018, 09:14
Nhà hát, nhà sản xuất và cả nhà quản lý văn hóa đều than phiền việc thiếu vắng những tài năng nổi bật, ít có những kịch bản sân khấu hấp dẫn khán giả hoặc có nhưng kịch bản chưa đáp ứng được yêu cầu…

Thế nhưng, nhiều trại sáng tác, đợt sáng tác kịch bản vẫn đều đặn mỗi năm. Dù được ban tổ chức đánh giá có những kịch bản chất lượng song phần lớn số phận các kịch bản này đều khó được đưa lên sàn diễn.

Lý giải về vấn đề trên, NSƯT Nguyễn Đăng Tiến, nguyên Trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Múa rối Thăng Long cho rằng, rõ ràng muốn có một vở diễn hay thì phải có kịch bản tốt. 

Nhưng, một tác giả sau bao ngày tháng lao tâm khổ tứ, cặm cụi viết viết xóa xóa để hoàn thiện tác phẩm, còn tác phẩm ấy có được đến với đời hay không phải phụ thuộc vào nhà hát. 

Mối quan hệ giữa nhà hát và tác giả theo lý thuyết là quan hệ cung – cầu, song hiện nay thì không hẳn như thế. Vì cung không gặp cầu nên kịch bản vẫn thường xuyên trong tình trạng phải kêu gọi “giải cứu” không khác nào cộng đồng kêu gọi “giải cứu” dưa hấu, thanh long, thịt lợn… của nhà nông.  

Khổ nỗi, tác giả lại lãng tử, đã thích ý tưởng, đề tài nào đó là cứ như bị ma ám, toàn tâm toàn ý sáng tác. Khi hoàn thành thì nhà hát từ chối vì kịch bản không trúng nhu cầu của nhà hát trong hiện tại... 

Bản thân ông là người chuyên viết cho múa rối và là thành viên của Hội đồng Nghệ thuật Nhà hát rối nên rất hiểu sự khó khăn từ các “cửa ải” như thế. 

Nếu những năm 1980 - 1990, múa rối có nhiều tác giả tên tuổi như Lộng Chương, Trần Huyền Trân, Tô Hoài, Trần Hoạt, Tất Đạt… thì hiện nay, công việc viết kịch bản cho rối gần như bị lãng quên. 

Kịch bản viết cho rối vốn kiệm lời, chú trọng xây dựng trò của các con rối hoạt động như con cáo từ nước leo tót lên cây, con rồng ngụp lặn trong nước mà vẫn phun lửa, phun khói… 

Những cảnh diễn ở sân khấu người ta không làm được nhưng sân khấu rối xử lý kỳ ảo, hấp dẫn chính là trò mà kịch bản rối rất cần. Nếu là tác giả ngoài ngành, chưa hiểu các ngón nghề của rối thì sẽ rất khó khăn. Mặt khác, tâm lý cho sân khấu rối là trò trẻ con, tiền nhuận bút không nhiều nên càng ít người mặn mà với công việc này.

Những thay đổi tích cực từ sân khấu biểu diễn xiếc đã, đang hấp dẫn đông đảo khán giả.

PGS.TS Trần Trí Trắc cũng cho rằng, không có kịch bản sẽ không có nghệ thuật sân khấu, ngược lại, tác giả không thể vang danh nếu tác phẩm không được nhà hát, đoàn kịch dàn dựng. 

Nhưng thời gian qua, tác giả bị ràng buộc trong mối quan hệ với bốn đối tượng khác nhau: tác giả với nhà quản lý, tác giả với Hội đồng Nghệ thuật, tác giả với khán giả và tác giả với chính mình. 

Ở phía Bắc, trong bốn đối tượng trên thì nhà quản lý giữ vai trò quyết định vì họ là chủ thể bao cấp. Tác giả sáng tạo thỏa mãn yêu cầu của nhà quản lý luôn gặt hái được thành công với nhiều giải thưởng của liên hoan, hội diễn. 

Chỉ có điều, “tuổi thọ” của các vở diễn này rất thấp, gần như sau tổng kết liên hoan là “cất kho”. Mối quan hệ giữa tác giả và nhà hát lẽ ra là quan hệ chính thống, chủ lưu nhưng thực tế bị chi phối bởi Hội đồng Nghệ thuật – hiện thân của nhà quản lý, nên sân khấu lâu nay như là… giảng đường. 

Những bài học kinh điển của tác giả thế giới như am hiểu sâu sắc phong cách, tường tận từng phong cách nhà hát, tài năng nghệ sĩ để sáng tác theo tinh thần “đo ni đóng giày” không vận dụng được. 

Điều này dẫn đến hệ lụy là tất cả vở diễn na ná như nhau, máy móc kiểu ta thắng – địch thua, tiên tiến thắng lạc hậu, cái ác phải đền tội… Mối quan hệ giữa tác giả với khán giả là mối quan hệ của bản chất nghệ thuật sân khấu, đáng lẽ phải được chăm lo thì lại ít được quan tâm. 

Tại Thủ đô Hà Nội, đã có thời gian, nhiều nhà hát mở chiến dịch đi tìm khán giả nhưng rất tiếc, các chiến dịch ấy không bắt nguồn từ nhu cầu khán giả, không được thực hiện bằng tác giả mà chủ yếu do ý định từ nhà quản lý, phục vụ nhu cầu tuyên truyền hơn là tìm giải pháp theo quy luật khách quan. Kết quả tất yếu là tình trạng “thừa vở yếu, thiếu vở hay, loay hoay mãi mà đèn không đỏ”.

Để cải thiện mối quan hệ giữa tác giả và nhà hát, xây dựng tác phẩm sân khấu có chất lượng tốt, theo NSƯT Nguyễn Đăng Tiến, nhà hát cần có đội ngũ tác giả cho riêng mình từ nguồn cơ sở và các cộng tác viên. 

Các tác giả, khi xây dựng ý tưởng cần hướng tới nhu cầu của nhà hát, của khán giả, nghiên cứu sâu sắc các đặc trưng, sở trường, sở đoản của ngành nghề, nhất là các loại hình rối - xiếc. 

NSND Hoàng Tuấn, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng cho rằng để có một tác phẩm hay, hấp dẫn, cần có sự quyết tâm, phối hợp ăn ý của cả ê kip sáng tạo, trong đó có tác giả. 

Việc cùng ngồi lại bàn bạc, chỉnh lý trong quá trình sáng tạo là vô cùng cần thiết, nhất là trong điều kiện đời sống sân khấu đang buộc phải chuyển mình, không còn có thể bám víu mãi vào “bầu sữa” bao cấp như hiện nay.

N.Nguyễn
.
.
.