Thị trường tranh Việt: Những mảng màu sáng tối
Nỗi oan… tranh chép
Họa sĩ, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, ông Vi Kiến Thành cho biết, dư luận ồ ạt lên án tranh giả nhưng có khi ngay cả người làm truyền thông và bản thân một số họa sĩ cũng không thật rạch ròi khái niệm tranh giả, tranh chép. Việc sao chép tranh và bán tranh chép, thế giới đều làm.
Trong khi tranh nguyên gốc, đặc biệt là tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng có giá thành cao thì tranh chép là hoạt động hoàn toàn hợp pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khi muốn trang trí, thưởng lãm nghệ thuật với mức chi phí thấp. Tất nhiên, tranh chép buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó phải đề rõ là tranh chép, phải được họa sĩ đồng ý hoặc buộc phải sau bao nhiêu năm mới được chép…
Thực tế, trên thị trường tranh Việt hiện nay, những cửa hàng bán tranh chép nhưng không rõ ràng thông tin, không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật tồn tại giữa thanh thiên bạch nhật rất nhiều. Tuy nhiên, việc chủ cửa hàng không đề rõ ràng là tranh chép khiến người mua không am hiểu hội họa có thể nhầm lẫn hoặc sao chép tác phẩm nhưng không xin phép họa sĩ hoặc tuân thủ các quy định khác của pháp luật vẫn diễn ra hàng ngày.
Họa sĩ nếu có phát hiện tranh bị sao chép cũng bức xúc rồi… để đấy vì ngại “đáo tụng đình” cùng nỗi ám ảnh “được vạ má sưng”. Chưa kể việc một số họa sĩ đương đại, khi thấy tác phẩm hút khách đã nhân bản tác phẩm của chính mình đã khiến thị trường tranh Việt vốn bị cho là nhiều lộn xộn càng thêm phức tạp.
Họa sĩ tranh sơn mài Nguyễn Văn Việt cũng chia sẻ rằng, ngoài tác phẩm gốc, tranh trên thị trường có tranh chép, tranh phái sinh. Người bán không rạch ròi, người mua không am tường nên hiện nay tất cả cứ đổ đồng là tranh giả.
Góc phố tranh trên đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội. |
Tranh thật, tranh giả - ranh giới mong manh
Bà Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, tranh giả trên thị trường hiện nay nhiều, thậm chí có bức tranh giả được sao chép tinh vi đến mức người chuyên sưu tập tranh cũng có khi không phân biệt được. Tuy nhiên, bị làm giả chỉ có các tác phẩm của những họa sĩ nổi tiếng, đặc biệt là lớp họa sĩ của các thế hệ trước.
Họa sĩ đương đại, đặc biệt là lớp họa sĩ trẻ có khá nhiều thủ thuật để “đánh dấu” thương hiệu của mình. Với người sưu tập, nếu có lỡ mua phải tranh giả cũng không ai dại gì “vạch áo cho người xem lưng” vì sẽ rất mất uy tín, chưa kể, vốn đầu tư coi như ném xuống sông xuống biển.
Theo nhà sưu tập Nguyễn Minh, hiện nay, họa sĩ cận đại và đương đại nổi tiếng cũng bị làm giả tranh nhiều nhưng tranh bị làm giả nhiều nhất là tác phẩm của các họa sĩ Đông Dương. Đây là lớp họa sĩ đã khẳng định được tên tuổi trên thế giới, đã qua đời, tác phẩm của họ trở thành quý bởi ngoài giá trị nghệ thuật còn vì lý do số lượng.
Chỉ cần ai đó “thò ra bức tranh nào” của lớp họa sĩ này là sẵn sàng có người mua. Độ quý hiếm của các tác phẩm hội họa ấy được định giá bằng những con số “khủng”, có khi lên đến hàng triệu USD.
Trong đó, bức tranh “Thiếu nữ bên hoa phù dung” của danh họa Nguyễn Gia Trí được nhiều người trả từ 1 triệu USD và gần đây là 1,2 triệu USD nhưng nhà sưu tập Bùi Quốc Chí vẫn nhất định không bán. Với chủ sở hữu tác phẩm thì “Thiếu nữ bên hoa phù dung” là tài sản vô giá và chỉ những ai được nhà sưu tập đặc biệt quý mến mới có dịp thưởng lãm tác phẩm.
Với những mức giá cao ngất ngưởng nói trên, không khó hiểu vì sao tranh của lớp họa sĩ mỹ thuật Đông Dương bị làm giả nhiều. Tuy nhiên, theo nhiều người am hiểu về đời sống mỹ thuật Việt hiện nay thì các tác phẩm được làm giả tinh vi thường chỉ được giao dịch trong phạm vi hẹp. Tranh làm nhái bị cho là còn nhiều ngô nghê trên thị trường không ít nhưng với những dạng tranh này, theo nhà sưu tập Nguyễn Minh thì người sành tranh không dễ mắc lừa. Bị mua nhầm thường là người chơi tranh chưa am hiểu nhiều, ham rẻ, không kiểm chứng được nguồn gốc.
Với nhiều nhà sưu tập nước ngoài, để tránh tranh giả, bên cạnh việc tìm mua tác phẩm nguyên gốc từ người thân của các cố họa sĩ, mua trực tiếp của các họa sĩ nổi tiếng đương đại, họ còn có khá nhiều chiêu “độc”. Thậm chí, nhà sưu tập người Anh Dominic Scriven còn mạnh dạn phối hợp với một số cá nhân, đơn vị hoạt động mỹ thuật Việt Nam tổ chức hẳn một cuộc thi “Chân dung tự họa” cho các họa sĩ Việt…