Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải: Nặng lòng với chuyện giáo dục giới tính

Thứ Hai, 08/08/2016, 09:46
Chuyên môn là ngành y nhưng thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải là tác giả khá nhiều đầu sách. Ngoài hai tập sách “Long lanh như những giọt sương”, chị là đồng tác giả của cuốn “Thai giáo - Hành trình yêu thương”, “Vì đó là người cha”, “Để khỏe trong mùa thi”.

Với công chúng, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải nổi tiếng bởi hàng loạt chuyên mục về giới tính trên rất nhiều tờ báo, kênh truyền hình. Chị cũng là tác giả tập sách “Cẩm nang giáo dục giới tính” do Nhà xuất bản Phụ Nữ vừa ấn hành. Nhưng, dường như với người bác sĩ yêu công việc viết lách này, chủ đề và những câu chuyện về giới tính, giáo dục giới tính của người Việt vẫn còn… vô cùng vô tận.

Theo bác sĩ Nguyễn Lan Hải, thực tế nhiều năm gắn bó với nghề cho thấy, tại Việt Nam hiện nay, giáo dục giới tính là một trong những nội dung nhạy cảm nhất trong quan niệm nuôi dạy con của các bậc làm cha mẹ truyền thống.

Một trong những lý do lớn nhất khiến giáo dục giới tính trở thành chủ đề khiến nhiều người làm cha mẹ tránh né là vì bản thân họ vốn được nuôi dạy theo cách truyền thống, không tự tin với những hiểu biết của mình về giáo dục giới tính, e ngại về vấn đề này vì "hồi trẻ không được dạy" hoặc "chưa được học chính thức ở đâu cả".

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải.

Với nhiều cha mẹ, việc giáo dục giới tính cho con vẫn rất khó vì không biết nên bắt đầu từ đâu, dạy con từ khi nào, dạy bao nhiêu là đủ và dạy thế nào cho đúng cách. Đặc biệt là trẻ độ tuổi dậy thì, độ tuổi mà những thay đổi về tâm sinh lý làm cho giới trẻ tò mò về mọi thứ. Khi không được giải đáp thỏa đáng từ gia đình và nhà trường, phần lớn trẻ phải tự loay hoay mày mò tìm hiểu.

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã giúp cho trẻ tiếp xúc được với nhiều luồng thông tin hơn. Tuy nhiên bên cạnh những kiến thức thu được thì Internet cũng tiềm ẩn vô số hiểm họa bởi các trang web sex, blog đen, băng đĩa sex, truyện sex...

Làm thế nào để nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, cởi mở, thẳng thắn và thận trọng trong việc đề cập cũng như định hướng kiến thức về giới tính luôn là việc làm cần thiết từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Vì vậy, giáo dục giới tính càng sớm càng tốt.

Ngay từ khi trẻ bắt đầu có nhận thức về thế giới xung quanh, nhận thức về cơ thể mình là khi cha mẹ bắt đầu lồng ghép giáo dục giới tính cho con. Giáo dục giới tính không chỉ đơn thuần là sự bảo vệ về thân thể mà còn là sự hiểu biết về phát triển cơ thể của bản thân, và trên hết là sự phát triển cảm xúc cá nhân. Hiểu và làm chủ được cảm xúc cá nhân, trẻ sẽ có cơ hội phát triển hoàn thiện và có sự nhận thức đúng đắn về giới tính.

Tiếp tục đồng hành cùng với các bậc cha mẹ trong hành trình này, ngoài các chuyên mục trên các báo, truyền hình, bác sĩ Nguyễn Lan Hải có một buổi giao lưu với công chúng tại đường sách TP Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) vào sáng 6-8. Đây là chương trình do Nhà xuất bản Phụ Nữ phối hợp với Hội quán Các bà mẹ tổ chức.

Với chủ đề “Giới tính – Tặng vật hay nguy cơ”, tại chương trình, nữ bác sĩ tiếp tục chia sẻ đến công chúng về chủ đề chị đã dành nhiều tâm huyết: giáo dục giới tính. Song song với hoạt động giao lưu, Ban tổ chức còn có hội chợ yêu thương – giúp trẻ đến trường, bày bán các sản phẩm do học sinh thực hiện nhằm kêu gọi bảo vệ môi trường và gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.

N.H- N.L
.
.
.