Đi chợ nổi Cái Răng ngày Tết

Thứ Tư, 06/02/2019, 13:13
Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng,
Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn.
Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng,
Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ...

Lời mở đầu bài thơ nói về chợ nổi Cái Răng của tác giả Huỳnh Kim (Cần Thơ) phần nào phản ánh nét đặc trưng vốn có của địa điểm du lịch nổi tiếng ở vùng đất Tây Đô.

Ông Sáu Cân (70 tuổi), người dân cố cựu ở chợ nổi Cái Răng cho biết, chợ họp khá sớm, từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8 - 9h thì vãn. Ở chợ nổi, hầu hết hàng hóa đều được bán sỉ (bán buôn). Các giao dịch trên chợ nổi diễn ra nhanh chóng để kịp con nước hoặc trước lúc chợ tan, khi mặt trời đã lên cao. Thuở xưa, đường bộ chưa phát triển, người dân trao đổi hàng hóa bằng cách tụ họp trên sông, từ đó hình thành nên chợ nổi.

Thương lái Huỳnh Trung Tín cho biết, chợ nổi Cái Răng tấp nập và đẹp nhất là vào những ngày cận Tết, từ 15 đến 28 tháng Chạp. “Nhiều ghe, xuồng từ Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng... chở đầy nông sản. Người mua kẻ bán kéo dài cả khúc sông đến 2-3 km”, ông Tín nói. Các loại nông sản được bán nhiều trên chợ nổi như: dưa hấu, bắp cải, dưa leo, bí đao, bí rợ, cà chua, các loại trái cây như xoài, bưởi, khóm…

Gia đình Chị Đỗ Thị Út (ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) có truyền thống buôn bán hoa Tết từ hàng chục năm nay. Chị kể, năm nào cũng vậy, tới rằm tháng Chạp, chị cùng chồng chất hoa từ trong rẫy lên ghe mang đến chợ nổi. Thời điểm này, ghe hoa từ các tỉnh, thành miền Tây cũng tập trung về, hình thành chợ hoa sáng rực một khúc sông. Màu sắc rực rỡ của mai vàng, cúc trắng, vạn thọ... mang sắc Xuân đặc trưng của sông nước miền Tây, làm say đắm lòng người. “Chợ bán đến 28 thì vãn. Lúc đó, mọi người cũng sắp xếp trở về nhà ăn Tết. Các hộ sống trên ghe, thì họ ở lại đến Mùng hai Tết là có khách trở lại”, chị Út nói.

Chị Đỗ Thị Phỉ, một thương hồ ngụ tỉnh Vĩnh Long, buôn bán các loại trái cây tại chợ nổi Cái Răng cả chục năm nay chia sẻ, dưa hấu được bán nhiều nhất trên chợ nổi vào ngày cận Tết. Hàng năm, tầm khoảng 15 tháng Chạp, chị cùng chồng chạy ghe đi Trà Vinh mua dưa hấu của nhà vườn rồi chạy về chợ nổi Cái Răng bán lại. “Không chỉ dưa hấu, mà hầu như giá cả các mặt hàng buôn bán ở chợ nổi, thường rẻ hơn so với các chợ trên bờ”, chị Phỉ bộc bạch.

Ở giữa bốn bề sông nước, hàng trăm ghe, xuồng nằm san sát nhau. Người mua hàng nhìn vào cây sào cắm trên ghe treo thứ gì thì biết ghe đó bán nông sản đó. Người miền Tây gọi thứ này là cây bẹo. Ghe chuyên bán khoai lang, trên cây bẹo sẽ treo lủng lẳng vài củ khoai. Còn nếu ghe bán xoài, trên cây bẹo treo vài quả xoài. Hình ảnh cây bẹo đã gắn liền với sông nước, một phương thức tiếp thị và quảng cáo hàng hóa hết sức thú vị. Cây bẹo vừa có ý nghĩa chào hàng, vừa tạo cho khung cảnh chợ nổi thêm sinh động, đa sắc màu. Thường mỗi ghe chuyên bán một loại mặt hàng được phân loại đồng đều về chất lượng, kích cỡ.

“Nguyên tắc mua bán ở chợ nổi là phải giữ chữ tín, không kỳ kèo, không nói thách về giá cả để người bán và người mua đều có lợi đã trở thành một nét văn hóa chợ nổi”, chị Phỉ nói. Người miền Nam vốn chân chất, dân thương hồ trên sông nước miền Tây còn chân chất và đáng yêu hơn. Bởi họ phải vất vả mưu sinh trên sông nước nên sống với nhau bằng cái tình của sông, của nước mênh mông và rất cởi mở. Họ không cố tranh giành phần thắng, mà nhường nhịn, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau.

Một góc chợ nổi Cái Răng.

Hiện bình quân mỗi ngày, chợ nổi Cái Răng có khoảng 300 - 350 ghe, tàu buôn bán kinh doanh, trong đó có khoảng 150 ghe tàu trọng tải lớn và người dân sinh sống trên ghe và thường xuyên neo đậu dài ngày. Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nơi nhưng chợ nổi Cái Răng vẫn tồn tại. Chợ nổi không chỉ là nơi buôn bán nông sản mà còn có nhiều loại dịch vụ khác: xuồng, ghe bán thức ăn, nước uống, card điện thoại,… Các xuồng dịch vụ len lỏi phục vụ khách đi chợ và cả khách tham quan.

Chợ nổi Cái Răng, nằm ở vị trí giao nhau giữa bốn con sông, liền kề với chợ Cái Răng trên bờ. Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận chợ nổi Cái Răng là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là điểm du lịch hấp dẫn của Cần Thơ, mỗi năm thu hút cả trăm ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo truyền thuyết, tên gọi “Cái Răng” xuất phát từ câu chuyện hồi đầu thời khẩn hoang có con cá sấu rất lớn dạt vào đây. Răng của nó cắm vào miệng đất này. Theo học giả Vương Hồng Sển, Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer “karan” nghĩa là “cà ràng” (ông táo).

Người Khmer ở Xà Tón (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) chuyên làm nồi đất và “karan” chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ chợ Cái Răng ngày nay để bán, năm này qua năm nọ. Lâu dần, mọi người phát âm karan thành “Cái Răng”, rồi trở nên địa danh thiệt của nơi này.

Văn Vĩnh
.
.
.