“Biệt đội báo đen” của Nhà hát Kịch Việt Nam:

Sự tử tế luôn chiến thắng cái xấu

Thứ Ba, 17/05/2016, 17:13
“Biệt đội báo đen” (tác giả: nhà văn Chu Lai, đạo diễn: NSND Anh Tú) là câu chuyện về cuộc chiến đấu của những người lính trong thời chiến lẫn thời bình  nóng hổi tính thời sự và tính khái quát cao. Với chất văn học đậm đặc của một cây bút tên tuổi viết về chiến tranh, với tay nghề của một đạo diễn đã được khẳng định cùng sự thể hiện của một dàn diễn viên có nghề của Nhà hát “anh cả đỏ”, vở diễn ra mắt tối 16-5 đã lập tức thu hút được sự quan tâm của công chúng. 
Cảnh trong vở "Biệt đội báo đen"

Một thời hào hùng, bi tráng trong lịch sử dân tộc được nhắc lại, cũng để tái hiện một hiện thực của thời chiến mà ít ai được biết đến trong “Biệt đội Báo đen”. Không chỉ có sự khốc liệt của bom đạn, mà còn có cả sự khốc liệt của lòng tham, thói đố kỵ, khi một người lính dày dặn trận mạc không vượt lên được cám dỗ của quyền lực, của lòng si, để rồi, vu cho đồng đội là gián điệp và gán cho họ cái án tử hình nhằm thủ tiêu nhân chứng. Giữa cái sống và cái chết của những người lính, vẫn có những kế hoạch nông nổi, những mệnh lệnh duy ý chí, thay vì lắng nghe từ thực tế để tránh được hao tổn sinh mệnh bộ đội. Những người lính khi trở về thời bình vẫn tiếp tục “cuộc chiến”, có điều, khi xưa họ cầm súng chiến đấu với kẻ thù, hy sinh xương máu để bảo vệ từng tấc đất cho quê hương, còn nay, họ phải đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ đồng đội và bảo vệ chân lý. Cuộc đi tìm nhân cách, bản ngã, lương tri con người kéo dài suốt từ chiến tranh sang hòa bình. Đó là khúc tráng ca của đơn vị đặc nhiệm mang tên Báo đen. Dù ở thời đại nào, thời chiến hay thời bình, quá khứ hay tương lai, thì sự thật và công lý vẫn luôn được bảo vệ, không bao giờ bị bóp méo…

Cảnh trong "Biệt đội Báo đen".

Những người đã mặc định NSƯT Xuân Bắc chỉ “đóng đinh” với những vai hài chắc chắn sẽ bất ngờ khi xem anh vào vai Sáu Thành trong “Biệt đội Báo đen”. Từ đầu đến cuối, Xuân Bắc gần như “cầm chịch” toàn bộ sân khấu, để người xem nín thở dõi theo câu chuyện đầy kịch tính của Sáu Thành. Xuân Bắc đã nhập vai làm một với nhân vật, để lột tả rõ nét một chiến binh ngang tàng, kiên nghị dám sống đúng mình, dám đương đầu với hoàn cảnh, kẻ thù và cả những nhá nhem trong hàng ngũ…Với diễn xuất xuất thần, Xuân Bắc dẫn dắt người xem trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, để có cảm giác như đang ở chiến trường với những diễn biến mà nhân vật phải trải qua: Cùng anh đối đầu với những “mệnh lệnh ngu xuẩn, gây tổn thất cho cách mạng”, hay bất lực trước việc làm của những kẻ ham quyền lực, luôn làm mọi việc vì toan tính cá nhân, rồi căng thẳng khi anh dũng cảm chống lại chủ trương của một nhóm lợi ích và bị đưa ra tòa, thậm chí, rơi nước mắt cùng anh trước những mất mát, hy sinh của đồng đội, để rồi, vỡ òa vui sướng khi nhờ tình cảm của những người lính một thời khói lửa, anh đã thoát khỏi vòng lao lý, như khát vọng cái thiện đã chiến thắng cái ác của bao người.

Vở diễn "Biệt đội Báo đen"

Phải nói rằng, Xuân Bắc đã có một vai diễn rất thành công. Từng cử chỉ, từng hành động đều đúng chất một người lính cương trực, nghĩa hiệp, luôn vì mọi người và không màng danh lợi. Hoàn toàn không thấy đâu bóng dáng một danh hài trong nhân vật Sáu Thành góc cạnh, lúc căng như quả bóng và lúc trầm lại trong những giọt nước mắt với những xao động làm mềm lòng người xem. NSND Anh Tú đã đúng khi trao vai diễn Sáu Thành cho Xuân Bắc và tạo đất diễn để Xuân Bắc thêm một lần khẳng định tài năng của mình.

Nói không ngoa rằng, Xuân Bắc đã hoàn toàn làm chủ sân khấu, để người xem phải khóc cười theo sự “sắp đặt” cảm xúc của anh, để có cảm giác như, ngoài Xuân Bắc, thật khó ai thể hiện được vai diễn nặng cân này sâu sắc đến thế.

Dũng Nam cũng thành công với vai Bảy Tân, khi khiến khán giả căm ghét tay chỉ huy nhưng hám quyền lực và độc ác với chính đồng đội mình. Nhưng trong suốt diễn tiến tâm lý nhân vật, Bảy Tân vẫn có chút đáng thương khi quỳ xuống trước mặt Diệu Hương mà thành thật thú nhận việc sàm sỡ cô là vì 10 năm ở rừng không được đụng đến phụ nữ và anh ta cũng chỉ là con người mà thôi. Xử lý được chi tiết này, đạo diễn không chỉ giải thích được nguyên nhân hư hỏng của một người chỉ huy, mà còn chỉ ra được những hy sinh trong cuộc chiến, đồng thời, cũng cho thấy, đằng sau một Bảy Tân đầy toan tính và tham quyền, đố kỵ, vẫn là một con người.   

Quỳnh Hoa cũng có một vai diễn ăn ý với Xuân Bắc qua vai Út Vân, khi thể hiện tốt tâm lý nhân vật, lúc nhí nhảnh ở tuổi 17, khi chững chạc của một vị Phó Ban Kiểm tra Trung ương, hay tràn đầy tình cảm dành cho Sáu Thành và cũng có thái độ đúng mực với người chỉ huy Bảy Tân.

Xuân Bắc thể hiện thành công vai Sáu Thành.

 Chọn diễn viên đúng, NSND Anh Tú đã phát huy được lợi thế cho các diễn viên thể hiện nhân vật. Anh Tú còn sử dụng các đạo cụ, thiết kế sân khấu rất hiệu quả: khi thể hiện một cuộc tranh cãi, mâu thuẫn giữa những người lính, khi thành những cánh cửa che đậy “bí mật” hối lộ, lúc trở thành “xe đẩy” đưa diễn viên vào hậu trường và chỉ cần thay màu sắc, đã mang một ý nghĩa khác cho lớp diễn.  

Sau thành công với hàng loạt vở diễn như Hamket, Trong mưa dông thấy nắng, Cạm bẫy, Tai biến vv… NSND Anh Tú và Nhà hát Kịch Việt Nam lại mang đến cho công chúng một câu chuyện nhiều ý nghĩa qua “Biệt đội Báo đen”, khi khai thác tận cùng những vấn đề vốn được coi là nhạy cảm: Trong góc khuất tâm hồn của một số người tình nguyện ra chiến trường, vẫn lẩn khuất những toan tính, tham vọng quyền lực, cơ hội, thậm chí, bất chấp tình đồng chí, đồng đội. Nhưng giữa sự khốc liệt ấy, phẩm chất cao quý của những người lính đích thực càng được khẳng định. Và sự tử tế, cương trực, dũng cảm sẽ luôn chiến thắng cái xấu, cái ác.

Thanh Hằng
.
.
.