Sân khấu kịch nói: Vẫn khắc khoải chờ thêm nhiều làn gió mới

Thứ Sáu, 20/04/2018, 09:04
Lần đầu tiên trong “lịch sử” Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, Ban tổ chức đã phải nhấn mạnh nội dung đổi mới như một tiêu chí và cách để định hướng các đơn vị trong nỗ lực chọn lựa, đưa tác phẩm đến tham dự.

Đó là khẳng định của Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Việt Nam từ trước thềm liên hoan. Nhưng, đến nay, đã qua 2/3 chặng đường những kỳ vọng về những làn gió mới lạ hơn để sân khấu “ghi điểm” và thu hút sự quan tâm nhiều hơn với khán giả vẫn chỉ là… hy vọng.

Theo kế hoạch dự kiến, Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018 sẽ khép lại vào đêm 25-4. Với 27 vở diễn của 22 đơn vị sân khấu công lập và ngoài công lập dự thi, ít nhất, liên hoan năm nay đã ít nhiều thoát cảnh “chợ chiều”. Bên cạnh “anh cả đỏ” của sân khấu Kịch nói – Nhà hát Kịch Việt Nam, liên hoan có sự trở lại của “cánh chim đầu đàn” sân khấu xã hội hóa một thời – Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Một số đơn vị sân khấu xã hội hóa mới cũng tích cực hưởng ứng hơn.

Sân khấu của ông bầu Phước Sang – một trong số các “thương hiệu” kịch nói tại TP Hồ Chí Minh cũng tái xuất với bản dựng mới cho vở “Oan hồn”… Tuy nhiên, điểm lại toàn bộ các vở diễn tham gia liên hoan lần này thì người yêu mến sân khấu không hẳn quá lạc quan. Ngoài việc làm lại những vở đã từng được chính đơn vị sân khấu này dàn dựng, biểu diễn phục vụ khán giả trước đó một vài năm, nhiều vở diễn được cho là có sự đầu tư công phu cũng chưa tạo được hiệu ứng tốt.

Sự thiếu vắng của những thương hiệu kịch đã, đang được yêu mến của cả miền Bắc và miền Nam: sân khấu Hoàng Thái Thanh, Idecaf, sân khấu Trần Lực… khiến người yêu mến sân khấu tiếc nuối.

Thực tế, ngay trước Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2017 không lâu, một cuộc “tập hợp lực lượng” nhằm nâng cao chất lượng hoạt động sân khấu mà ở đó, trọng tâm là bàn thảo, kêu gọi người làm sân khấu tích cực đổi mới để hấp dẫn khán giả do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chủ trì đã được triển khai.

Cảnh trong vở “Gặp lại người đã chết” của Đoàn Kịch nói CAND.

Người làm nghề đều thừa nhận sân khấu rơi vào khủng hoảng đã lâu, trầy trật lắm mới cạnh tranh được các loại hình giải trí khác. Nếu không đổi mới, sân khấu khó có thể tồn tại. Nhưng, đổi mới như thế nào cho hiệu quả thì lại không cho nhiều kết quả rõ ràng.

NSND Lan Hương, người từng được kỳ vọng sẽ mang được hơi thở mới đến với sân khấu nhờ kịch hình thể vài năm trước bày tỏ sự “ấm ức” vì “chúng ta cứ kêu gọi đổi mới nhưng những sáng tạo, đổi mới của nghệ sĩ có được công chúng tiếp nhận hay không mới quan trọng”. Băn khoăn của người nghệ sĩ đã, đang dành nhiều tâm huyết cho sân khấu này cũng là vấn đề nhiều trăn trở của người làm nghề.

Giới sân khấu từng thấy một Lan Hương đầy nhiệt huyết với kịch hình thể của thời gian trước nhưng nay đành thúc thủ chờ thời. Lý do là sau một thời gian không hẳn dài, khán giả đã ít quan tâm hơn đến các kịch mục này.

Sự xuất hiện sân khấu Lực Team của đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Trần Lực với “Quẫn”, “Cơn ghen của Lọ Lem”… tiếp tục được hy vọng sẽ mang đến nhiều mới mẻ cho sân khấu kịch, dù rằng, những thành công này vẫn chỉ như đốm lửa nhỏ trong bức tranh chung còn rất ảm đạm. Nói theo cách của chính Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức là “sân khấu hiện nay đang như người nằm trong phòng cấp cứu”.

 Để tự “trị bệnh” cho mình, nhiều sân khấu đã, đang mày mò “tìm thuốc”. Tuy nhiên, như nghệ sĩ ưu tú Chí Trung, quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam chia sẻ thì đây mới chỉ là những thử nghiệm bước đầu. Ở đó, người làm nghề vừa duy trì song song các kịch mục: kịch mục mà nghệ sĩ thích và kịch mục mà khán giả thích. “Đã đến lúc, nghệ sĩ phải bán cái mà khán giả thích chứ không phải bán cái mà mình có” – Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung khẳng định.

Nhà phê bình, biên kịch Lê Quý Hiền – một trong số các gương mặt được “chọn mặt gửi vàng” để làm giám khảo Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 cũng cho rằng, khán giả là một thành phần không thể thiếu của sân khấu, của vở diễn. Nhưng, lâu nay, sân khấu công lập mới chỉ chỉ đầu tư cho tác phẩm, “quên” đầu tư cho khâu quảng bá tác phẩm, đầu tư cho khán giả.

Việc đầu tư cho vở diễn chỉ dừng ở những chi phí như nhuận bút kịch bản, đạo diễn, họa sĩ, diễn viên, nhạc sĩ, phông màn đạo cụ không khác nào cách đầu tư nửa vời, giống như hình thành khu chợ mà chỉ có người bán, không thu hút người mua. Vì vậy, để sân khấu đến với khán giả thì cần có những đột phá trong việc quảng bá tác phẩm. Với tác phẩm do nhà nước đặt hàng, cần có 20% đến 30% đầu tư cho công tác quảng bá. Các đơn vị sân khấu cũng nên tránh tình trạng dàn dựng theo kiểu “ăn đong”.

Thay vì  trước các kỳ liên hoan, hội diễn mới nháo nhác đi tìm kịch bản thì cần có kế hoạch dựng vở diễn dài hơi, có kịch mục ổn định để lập kế hoạch quảng bá, tránh tình trạng diễn một đợt rồi “cất kho”… Sân khấu muốn tiếp tục tồn tại, phát triển, không có cách nào khác là phải đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động về mọi mặt, dù rằng, làm được điều này thì không thể một sớm một chiều.

Hoa Nguyễn
.
.
.