Sách lậu và những chiêu thức tinh vi
Hiện nay, ngoài Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương gồm các Bộ: Công an, Tài chính, Công Thương, Văn hóa – Thể thao và Du lịch do Bộ Thông tin và Truyền thông làm thường trực, còn có 58/63 tỉnh, thành phố thành lập Đội liên ngành ở địa phương.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND ngày 29-6, ông Phạm Trung Thông, Trưởng Phòng Quản lý in, Cục Xuất bản – In và Phát hành, Tổ trưởng Tổ thường trực Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương cho biết, riêng trong năm 2016, Đoàn liên ngành Trung ương đã tiến hành 17 lượt kiểm tra, qua đó phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở với tổng số tiền là 130 triệu đồng, buộc thu hồi, tiêu hủy trên 4.850 xuất bản phẩm các loại.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, Đoàn liên ngành Trung ương đã kiểm tra đột xuất 3 cơ sở in và gia công sau in, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 2,343 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính Công ty TNHH thương mại Hải Anh (ở phố Bạch Mai, Hà Nội) số tiền 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ông Phạm Trung Thông cho biết, trong năm 2016, các Đội liên ngành và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã tiến hành 1.583 lượt thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy, xử phạt vi phạm hành chính 153 cơ sở với tổng số tiền 1.655.500.000 đồng, thu giữ và xử lý trên 53.000 xuất bản phẩm vi phạm, trong đó địa phương xử phạt nhiều nhất là Hà Nội với 476.000.000 đồng, đứng thứ hai là thành phố Hồ Chí Minh với 470.000.000 đồng.
Sách in lậu rất dễ được trà trộn để đến tay bạn đọc. Ảnh minh họa. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ tình trạng in lậu phát triển phức tạp là do lợi nhuận của nó mang lại rất lớn. Khi đối tượng in lậu nắm được nhu cầu của thị trường, bạn đọc với một cuốn sách cụ thể, liền móc ngoặc với cơ sở in để in lậu. Những máy in với công suất lớn hoạt động suốt đêm, sáng hôm sau các nhà sách đã được chào hàng các cuốn sách đang thuộc dạng bán chạy với giá thấp hơn hẳn giá của Nhà xuất bản đưa ra. Nếu số sách in lậu bị tịch thu, đối tượng in lậu chỉ trả cho cơ sở in tiền mực in, giấy in; cơ sở in chỉ mất một phần tiền giấy in và mất công in.
Nếu trót lọt, đối tượng in lậu và cơ sở in chia lợi nhuận theo tỷ lệ đã thỏa thuận. Không quản lý phí, không thuế, không tiền bản quyền, không nhuận bút… “một vốn bốn lời” là mức lãi quá lớn của in lậu sách. Đáng lo ngại nhất là tâm lý ăn xổi của không ít cơ sở in nên họ sẵn sàng vi phạm. Dù không có giấy phép in xuất bản phẩm do các cơ quan có thẩm quyền cấp, nhưng một số cơ sở in vẫn tham gia in nhiều đầu sách theo sự móc ngoặc với đối tượng in lậu.
Các lực lượng chức năng thu hàng tấn sách lậu, nhưng để phát hiện ra nơi in sách lậu lại là một ky âcông lớn, bởi có sự móc ngoặc khả chặt chẽ và tinh vi giữa đối tượng chủ mưu, cấm đầu với cơ sở in.
Ông Phạm Trung Thông cho biết, không ít trường hợp, lợi dụng kẽ hở trong việc liên doanh, liên kết xuất bản giữa các tổ chức, cá nhân với nhà xuất bản, nhiều đối tượng cầm đầu, chủ mưu thực hiện hoặc móc nối với cán bộ của nhà xuất bản trong việc tiến hành các phi vụ in và phát hành sách lậu như: Quyết định xuất bản ghi số lượng ít nhưng in số lượng nhiều; in lại toàn bộ hình thức, nội dung sách thật nhưng không xin phép; in những cuốn sách vi phạm bản quyền của đơn vị đã có giấy phép; in lại những cuốn sách đã được xuất bản; thuê biên tập lại cuốn sách đang bán chạy trên thị trường một cách sơ sài, thay đổi hoặc đổi đầu cuối nội dung rồi in dưới một cái tên khác…
Thậm chí có những cuốn sách được đối tượng cầm đầu, chủ mưu tổ chức in lậu bằng phương pháp photocopy, ruột sách là những trang photocopy, chỉ có bìa sách là được in offset. Với những máy photocopy hiện đại, có tốc độ từ 130 đến 160 tờ/phút (khoảng gần 10.000 tờ/giờ) tương đương công suất máy in offset. Với một cuốn sách vài trăm trang, máy có thể in được một số lượng lớn sách lậu trong một đêm. Có khi ruột sách được in một nơi, bìa sách một nơi và gia công hoàn thiện lại ở một nơi khác…
Một trong những phương thức của các đối tượng in lậu sách hay sử dụng là dùng mạng internet làm nơi để kinh doanh sách lậu, hình thức quảng cáo công khai kèm theo chế độ phục vụ hấp dẫn, giao hàng tận nơi để tránh phải bày bán và sự kiểm soát của các cơ quan quản lý thị trường.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND ngày 29-6, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản – In và Phát hành, Trưởng đoàn phòng, chống in lậu Trung ương khẳng định, trong thời gian tới, Cục Xuất bản – In và Phát hành sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CP; qui định cụ thể việc sử dụng hóa đơn, chứng từ liên quan đến xuất bản phẩm thể hiện nguồn gốc hợp pháp và phòng, chống gian lận thương mại; tăng cường các khóa tập huấn cho Đội liên ngành các địa phương để trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ, chuyên môn; đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực in lậu…