Tái hiện hình ảnh Vua đi cày trong lễ hội Tịch điền

Thứ Năm, 22/02/2018, 14:55
Sáng 22-2 (tức mùng 7 tháng Giêng âm lịch), lễ Tịch Điền Đọi Sơn (Hà Nam) diễn ra với nghi thức xuống đồng đi cày đầu năm, mong mùa màng bội thu, người dân luôn ấm no hạnh phúc.


Được khôi phục 10 năm nay, Lễ hội Tịch điền diễn ra tại xã Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) nhằm cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Đội trống làng Đọi Tam trình diễn chào mừng lễ hội Tịch điền.
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cùng các lãnh đạo bộ, ban, ngành, địa phương dâng hương linh vị vua Lê Đại Hành và Thần Nông
Theo các tài liệu lịch sử, mùa xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền, cày ruộng để khuyến khích dân chúng trồng trọt sản xuất. Nghi lễ này được được các triều đại về sau thực hiện dù hình thức có đôi chút khác nhau.
Lễ Tịch điền có các nghi thức như: Rước trống, rước linh vị vua Lê Đại Hành từ chùa Long Đọi Sơn xuống chân núi và nhập với đoàn rước Thành Hoàng Làng cùng tổ nghề trống Đọi Tam dưới chân núi Đọi. 
Năm nay, người được chọn hóa trang thành vua Lê Đại Hành cày ruộng khai xuân vẫn là cụ Đinh Công Tế (89 tuổi) ở thôn Đọi Nhất, xã Đọi Sơn. Đã nhiều năm nay, cụ Tết được chọn để hóa trang thành vua Lê Đại Hành cày ruộng nên cụ có rất nhiều kinh nghiệm khi điều khiển trâu cày.
Sau khi những luống cày nâu tươi màu được nhà vua bật lên, hạt ngũ cốc đủ sắc màu sẽ được các cô thôn nữ gieo xuống, hứa hẹn một năm mùa màng bội thu, no đủ.
Hạt giống được chuẩn bị cho lễ Tịch Điền Đọi Sơn.
Du khách thập phương về tham dự lễ hội xuống đồng năm nay. Đây cũng là dịp để nhân dân trong vùng, du khách thập phương tưởng nhớ về cội nguồn, giáo dục các thế hệ trẻ truyền thống yêu lao động của cha ông.
Ngoài các nghi lễ được tổ chức thành kính, trang trọng, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn còn tổ chức nhiều hoạt động như: biểu diễn trống của đội trống thôn Đọi Tam, vẽ trang trí trâu...
M.Thắng - C.Thắng (Ảnh)
.
.
.