Ra mắt tập hai bộ tiểu thuyết “Kiếp người” của Trung tướng - nhà văn Hữu Ước
Đông đảo các bậc trí thức, nhà văn, nhà báo đã đến dự, chúc mừng nhà văn Hữu Ước: PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; TS Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Học viện Chính trị CAND; GS.TS Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch hội đồng lý luận, phê duyệt văn học nghệ thuật TƯ; Thiếu tướng, TS Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân; Thiếu tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Phạm Khải, Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân; nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha; họa sĩ Lê Thiết Cương...
Tổng Biên tập Phạm Văn Miên và cán bộ Báo CAND chúc mừng nhà văn Hữu Ước tại buổi ra mắt sách. |
Buổi ra mắt sách đã trở thành một sinh hoạt văn nghệ đặc sắc khi độc giả là những người bạn thân thiết của nhà văn Hữu Ước đã được đọc tác phẩm của ông từ những trang bản thảo đầu tiên, tụ họp bên nhau để bàn luận với tác giả về cuốn sách.
Gây được tiếng vang trong dư luận từ tập 1 của cuốn tiểu thuyết "Kiếp người" có tên "Sống", tập 2 của "Kiếp người" có tên là "Lửa" vẫn tiếp tục với hành trình "Sống" ở tập 1 của nhân vật “hắn” trong một hoàn cảnh mới phải đối mặt với nhiều gian lao, thử thách.
Cái tài của Hữu Ước là ông đã khai thác câu chuyện đời sống thực làm nền để cho văn chương tha hồ tung tẩy.
Hữu Ước khai thác đời mình ở khía cạnh văn chương, và trong đó có không ít những nhân vật được ông nửa đùa nửa thật là “từ nguyên mẫu bước vào tiểu thuyết”, nên "Lửa" có sức thu hút đặc biệt ở những chi tiết và tư liệu sống.
Ở tập 2 "Lửa", độc giả được chia sẻ và sống cùng với nhà văn Hữu Ước qua những thăng trầm đời người, qua những câu chuyện đời đắng đót nhưng cũng thật nhân hậu chứa chan. Đọc sách của ông mới thấy hết được cái đời sống nhiều ghềnh thác ông đã trải qua với một tâm thế an nhiên, tự tại.
Dù cuộc sống có khi phải đối mặt với hiểm họa, bi kịch, song tác giả đã giải quyết và đi qua lò lửa cuộc đời bằng một trái tim nhân văn và chan chứa niềm lạc quan, tình yêu cuộc sống.
Nhiều nhà văn, nhà thơ đã bày tỏ sự ngạc nhiên, thán phục đối với nhà văn Hữu Ước khi trong một thời gian ngắn với nhiều trăn trở dồn nén đã hoàn thiện 400 trang viết ngồn ngộn chất liệu sống, đồng thời chứa đựng nhiều nỗi niềm tâm cảm.