Phim hoạt hình Việt: Đỏ mắt tìm người tài

Thứ Hai, 24/06/2019, 07:54
Tiến vào thời công nghệ 4.0, phim hoạt hình được xem là “miền đất hứa” đầy tiềm năng. Thế nhưng, miền đất ấy vẫn thưa vắng người “gieo trồng” bởi khó khăn bủa vây, trong đó, nguồn nhân lực là bài toán hóc búa nhất mà nhiều nhà sản xuất vẫn loay hoay tìm lời giải.

Nhắc đến phim hoạt hình, trẻ con chỉ nhớ ngay các siêu phẩm đình đám của Mỹ, Nhật Bản, Pháp… Phim hoạt hình Việt vẫn chỉ là một khái niệm mờ nhạt chứ đừng nói tới phim hoạt hình Việt chiếu rạp. Dù thể loại này xuất hiện khá sớm ở nước ta với các bộ phim như “Xe đạp”, “Mèo con”, “Chuyện ông Gióng”… nhưng nó nhanh chóng tụt hậu và lép vế hoàn toàn so với thể loại phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim ngắn… 

Về sau, các bộ phim như “Cuộc phiêu lưu của Ong Vàng”, “Tít và Mít” hoặc thử nghiệm tạo hình 3D như “Dưới bóng cây”, “Cuộc phiêu lưu của trứng, chanh và ớt”… gây chú ý, nhưng do xuất hiện với tần suất mỏng, không đi được dài hơi khiến mong ước vực dậy nền hoạt hình nội địa rơi vào bế tắc.

Khán giả nhí không mấy ưa thích phim hoạt hình Việt vì tạo hình nhân vật khá sơ sài, cách làm phim kiểu cũ, phim nào cũng nhang nhác nhau mà không để lại dấu ấn riêng. Đa phần phim đều có nội dung giáo lý nặng nề chứ không hồn nhiên, hóm hỉnh, phù hợp với tâm lý trẻ em. 

Do vậy, không khó hiểu khi thống trị phòng vé vẫn là “Bí kíp luyện rồng”, “Truy tìm Nemo”, “Frozen”, “Pokemon”, “Coco”, “Up”… Không ngoa khi nói rằng, phim hoạt hình Việt thua ngay trên sân nhà!

Để làm nên những phim hoạt hình Việt chiếu rạp như “Monta trong dải ngân hà kỳ cục”, các nhà sản xuất rất cần nguồn nhân lực cao trong nước.

Năm 2018, nhiều người kinh ngạc khi mộng ước đưa phim hoạt hình Việt ra rạp chiếu bỗng chốc thành hiện thực với sự xuất hiện của series 3 tập “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” của đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh. 

Nếu không có sự giới thiệu từ trước, hẳn nhiều người nhầm series này với các tác phẩm đình đám của hãng Walt Disney (Mỹ). Tạo hình nhân vật phá cách, phóng khoáng nhưng rất dễ thương. 

Nội dung hóm hỉnh, nhân văn nhưng không nặng tính giáo điều, răn dạy khô khan mà phim hoạt hình Việt thường vấp phải. Bộ phim được khán giả đón nhận nhiệt tình, thậm chí “cháy vé”. Đây là minh chứng cho việc khán giả chưa bao giờ quay lưng lại với các tác phẩm “ao nhà” chất lượng.

Sự rục rịch trỗi dậy của miền đất hứa này đặt ra nhiều câu hỏi cho phim hoạt hình nội địa bấy lâu nay. Theo ông Nguyễn Thanh Huệ, Giám đốc Trung tâm CG Training, sở dĩ phim hoạt hình trong nước vẫn lẹt đẹt theo sau các thể loại khác là bởi kịch bản tốt rất khan hiếm, nguồn kinh phí lại ngất ngưởng, công nghệ cũ kỹ lạc hậu. 

“Đặc biệt, một trong những nguyên nhân trọng yếu chính là nguồn nhân lực nước ta ở lĩnh vực này vô cùng hiếm hoi. Thử nhìn sang các nước có nền hoạt hình phát triển, để làm được một bộ phim, họ mất nhiều năm liền với đội ngũ hàng trăm người gồm chuyên viên kỹ xảo, họa sĩ hình họa, chuyên viên chuyển động... Trong khi ở nước ta, các chuyên viên, họa sĩ rất ít ỏi, như vậy thì làm sao tạo ra các bộ phim thu hút” - ông Nguyễn Thanh Huệ phân tích.

Họa sĩ, chuyên viên kỹ xảo Trần Vinh Tuyên cho hay, hiện lĩnh vực phim hoạt hình, thiết kế nội dung game lẫn kỹ xảo điện ảnh vẫn chưa có nơi đào tạo chính quy. Một số trường đại học, cao đẳng có ngành thiết kế đồ họa, mỹ thuật đa phương tiện,... nhưng vẫn chỉ là đào tạo chung chung chứ không đi sâu vào các kỹ năng cần có của người làm phim hoạt hình như xây dựng cốt truyện, tư duy mỹ thuật, diễn hoạt… Khi ra trường, nếu đầu quân cho các công ty chuyên về hoạt hình, game và kỹ xảo điện ảnh, họ sẽ bị từ chối hoặc phải đào tạo lại từ đầu. 

Bản thân họa sĩ Trần Vinh Tuyên và rất nhiều chuyên viên có trình độ cao đa phần đều theo học tại các trung tâm tư nhân trong nước rồi tự học thêm là chính. Anh cho biết, học viên tại các trung tâm cũng không nhiều vì ngay cả những người có năng khiếu thường không biết theo học tại đâu. 

Họ chỉ biết đến các trung tâm nhờ tự tìm kiếm, tình cờ thấy trên mạng. Tại nhiều trung tâm, trung bình chỉ có khoảng 10 học viên, nhưng hễ học viên nào tốt nghiệp là các công ty nước ngoài nhanh chóng chiêu dụ với mức lương cao. Nhà sản xuất trong nước chậm chân thì chỉ biết... khóc.

Đạo diễn, NSND Hà Bắc cho rằng, những dấu hiệu tích cực của nền hoạt hình trong nước vừa qua đáng để chúng ta lưu tâm đến vấn đề xã hội hóa phim hoạt hình. Bởi phải thừa nhận rằng, từ khi nhà sản xuất tư nhân nhảy vào khai thác lĩnh vực này, hoạt hình Việt ngày càng đến gần công chúng chứ không phải chỉ để thi thố rồi cất kho như kiểu nhà nước “độc quyền”. Họ biết cách đưa ra các chiến lược, chính sách đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nhân tài, thúc đẩy nguồn nhân lực ngành này phát triển trong tương lai. 

“Hẳn nhiều người ngạc nhiên khi biết các bộ phim hoạt hình nổi tiếng “Mèo Oggy và những chú gián tinh nghịch”, “Igor”, “Madagascar”, “Kỷ băng hà”… đều có sự đóng góp quan trọng của những nghệ sĩ hoạt hình, chuyên gia diễn hoạt người Việt. Rõ ràng Việt Nam không thiếu nguồn nhân lực trẻ năng động, sáng tạo, tiệm cận với trình độ thế giới. 

Tuy nhiên, lâu nay ngành này chưa được các nhà sản xuất trong nước chú trọng, quan tâm đúng mức nên họ thường làm “lính đánh thuê” cho các dự án quốc tế. Hy vọng với bước đi đổi mới của hoạt hình Việt, thời gian tới họ sẽ trở về “tắm ao ta”, góp phần làm nên diện mạo đột phá của hoạt hình “made in Việt Nam” – đạo diễn trẻ Nguyễn Thanh Tuyển nhận định.

Quỳnh Nga
.
.
.