Giải thưởng 2015 của Hội Nhà văn Hà Nội:

Nhiều tác phẩm mới mẻ trong tư duy và nghệ thuật

Thứ Năm, 08/10/2015, 19:11
Năm nay, văn chương Hà Nội “được mùa”. Bằng chứng là các tác phẩm dự giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội có đầy đủ ở cả 4 lĩnh vực: văn, thơ, dịch thuật và lý luận-phê bình với các ý kiến đồng thuận cao của Hội đồng xét giải.

Đây là trao đổi chính thức của đại diện Hội Nhà văn Hà Nội với PV Báo CAND vào ngày 8/10 về Giải thưởng văn học 2015 sẽ được trao vào ngày 10/10 tại Thư viện Hà Nội.

Việc xét Giải được tiến hành nghiêm túc với việc các Chủ tịch Hội đồng chuyên môn đưa ra các đề cử tác phẩm thuộc bộ môn của mình để Hội đồng xét giải thảo luận từng tác phẩm trước khi bỏ phiếu kín để chọn ra những tác phẩm trao Giải thưởng 2015.

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, năm nay số lượng trúng giải có đủ các hạng mục với sự đồng thuận cao: ngoài “Những người vũ công memphis” đạt 8/9 phiếu, còn lại, đều đạt 100% số phiếu. Đây là điểm ghi nhận của mùa giải năm nay, nếu so với trước đó, đã không phải một lần Hội Nhà văn Hà Nội chỉ chọn để trao giải cho 2 bộ môn, vì Hội đồng xét giải không thống nhất cao về chất lượng các tác phẩm. Kết quả này cũng chứng tỏ các Hội đồng chuyên môn đã có sự lựa chọn tác phẩm vào vòng Chung khảo khá chặt chẽ.

Ở mảng văn xuôi, ngoài “Mình và Họ” của nhà văn Nguyễn Bình Phương, còn có “Phố vẫn gió” của Lê Minh Hà cũng được đánh giá cao. Tuy nhiên, qui định của Hội Nhà văn Hà Nội mỗi bộ môn chỉ chọn một tác phẩm, nên “Phố vẫn gió” không được trao giải.

Các tác phẩm được giải năm nay đều là những cuốn sách đang gây chú ý trên văn đàn. “Mình và Họ” của nhà văn Nguyễn Bình Phương thuyết phục được toàn bộ các thành viên Hội đồng xét giải, vì sự xuất sắc của tác phẩm. Cuốn sách vừa tiếp tục khai triển lối viết phức tạp đa tuyến đa chiều của anh, vừa đẩy nghệ thuật viết tiểu thuyết mang đặc hiệu của tác giả lên một mức độ cao. Tiểu thuyết đan xen nhiều thế giới, nhiều nhân vật, song trùng cả quá khứ và hiện tại, bên này và bên kia, thực và ảo, chiến tranh và hòa bình. Vốn là một nhà văn có tài kết cấu và sử dụng ngôn ngữ, Nguyễn Bình Phương tiếp tục dẫn dắt người đọc đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm với sức mạnh khó cưỡng.  

Các tác phẩm đoạt giải.

Hội đồng xét giải cho rằng, “Sẹo độc lập” của nhà thơ Phan Huyền Thư giành giải vì sự mới lạ và mới mẻ trong tư duy thơ về cá nhân con người. Tác giả viết thơ xoáy vào tâm trí người đọc hơn là nương nhờ cảm xúc, lấy chất nghĩ làm nền cho câu thơ, bài thơ hơn là chất cảm. Thơ nhờ đó hiện đại và thiết thực hơn. Tập thơ đầy khắc khoải suy tư trên hành trình tìm về và tìm lại bản thể mình, con người mình, không để bị chìm lấp trong im lặng đám đông.

Trước đòi hỏi của lý thuyết và thực tiễn đời sống văn học mang tính toàn cầu hiện nay, nhất là văn học trong nước với nhiều vấn đề mới cần được nhận thức và soi chiếu từ cái nhìn lý thuyết, thì sự ra đời của “Trên đường biên của lý luận văn học” của Trần Đình Sử là hết sức cần thiết, vì là một công trình khoa học về văn học nghiêm túc của một nhà lý luận văn học mác-xít. 

Cuốn sách mang cho người đọc một cái nhìn hệ thống, có tính khai phá về lý thuyết văn học mác-xít hiện đại trong sự tương tác với nhiều lý thuyết văn học khác, từ đó bổ sung và mở rộng nhiều khái niệm, quan niệm cũ cho theo kịp sự biến đổi của bản thân văn học. Trên đường biên lý thuyết, nhà nghiên cứu vừa thực hành vừa đối thoại với sự giao thoa kết dính.

Bản dịch “Kiên ngạnh như thủy” từ nguyên tác của dịch giả Minh Thương được Hội đồng xét giải đánh giá là một nỗ lực lớn, một công lao trong việc tìm cách chuyển tải chính xác, đầy đủ các sắc thái văn chương thâm thúy của nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa- một tác phẩm mang tính hài hước, giễu nhại, về một thực tại thảm họa đau thương mà đất nước ông đã trải qua nhưng đến nay vẫn rất cần và vẫn được các nhà văn thể hiện trong các tác phẩm văn chương. 

Nghệ thuật viết truyện của tác giả ở cuốn tiểu thuyết này khiến cười mà đau, làm hài mà xót. Diêm Liên Khoa là một nhà văn nổi tiếng ở Trung Quốc hiện nay với nhiều giải thưởng trong nước và được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới, tronng đó có Việt Nam.

Nhà thơ Trúc Thông từ lâu đã nổi tiếng là nhà thơ tìm tòi, cách tân một cách quyết liệt, có khi đến cực đoan, để giữ được cho thơ tinh chất của thơ và vẻ đẹp của từ ngữ. Thơ ông cô đúc và tinh tế, giản dị và sâu sắc, để lại ấn tượng ngấm và ngẫm. Tuyển thơ của ông khẳng định sự đóng góp của Trúc Thông cho nền thơ Việt Nam hiện đại. Đó là lý do để “Trúc Thông thơ” được trao giải Thành tựu của Hội Nhà văn Hà Nội năm nay.

Một phát hiện của Hội Nhà văn Hà Nội lần này là cây bút trẻ Đào Quốc Minh (sinh 1986), người vừa dự Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội, qua “Những người vũ công memphis”. Những câu thơ, bài thơ như những xung động vọng ra từ một cõi khác, từ một con mắt thấu thị khác. Thơ Đào Quốc Minh khác lạ với một thi pháp như của riêng anh, ám ảnh và khơi gợi, độc đáo và gây nhiều bất ngờ cho người đọc, được dự báo là một sức thơ có thể bung phá và vượt thoát nhiều hơn.

Các tác phẩm đoạt giải gồm: “Mình và Họ” tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Bình Phương (NXB Trẻ), “Sẹo độc lập” tập thơ của nhà thơ Phan Huyền Thư (Công ty Nhã Nam & NXB Lao Động), “Trên đường biên của lý luận văn học, phê bình” của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử (NXB Văn học), “Kiên ngạnh như thủy” tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa (Trung Quốc), do Minh Thương dịch từ tiếng Trung (Nhà sách Đông Tây & NXB Hội Nhà văn), “Trúc Thông thơ” (NXB Hội Nhà văn) được trao giải thưởng Thành tựu về thơ và Giải thưởng tác giả trẻ thuộc về “Những người vũ công memphis”, tập thơ của Đào Quốc Minh (NXB Hội Nhà văn).
Hội đồng xét giải do nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên làm Chủ tịch, gồm 9 người: Nguyễn Sĩ Đại, Bằng Việt, Nguyễn Việt Chiến, Bùi Việt Mỹ, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Đăng Điệp, Đoàn Tử Huyến.
Thanh Hằng
.
.
.