Nhiều khó khăn trong xã hội hóa văn học nghệ thuật

Thứ Tư, 03/04/2019, 11:18
Sau hơn 21 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa văn học, nghệ thuật (VHNT), bên cạnh những tín hiệu và thành tựu tích cực, trong quá trình triển khai, nhiều lĩnh vực vẫn gặp khó khăn, bất cập chưa thể tháo gỡ.

PGS. TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định, sau 21 năm vận hành dưới tác động của chủ trương xã hội hóa, hoạt động VHNT đã có những thay đổi khá toàn diện, từ phương thức tổ chức hoạt động đến đầu tư, sáng tạo, thẩm định, đánh giá, phát hành và quảng bá sản phẩm.

Dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm giải quyết ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, song không thể phủ nhận được rằng, quá trình xã hội hóa đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu như: Kích thích tinh thần tự chủ, tiềm năng sáng tạo, huy động được các nguồn lực của toàn xã hội vào việc tạo ra các giá trị văn hóa nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần - thẩm mỹ của nhân dân lao động và yêu cầu phát triển đất nước. So với các thời kỳ trước, có thể xem đây là thời kỳ phát triển mới của VHNT với rất nhiều mô hình, phương thức hoạt động đa dạng, gánh nặng Nhà nước được san sẻ, thu hút được mọi nguồn lực xã hội phát triển…

Ngoài những thành tựu đã đạt được, không ít ý kiến của các nhà chuyên môn, nhà khoa học bày tỏ lo lắng về những mặt còn hạn chế của chủ trương xã hội hóa VHNT. Đạo diễn Đặng Nhật Minh, một trong những đạo diễn gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam chia sẻ: “Từ ngày có chủ trương xã hội hóa các hoạt động điện ảnh, việc nhập phim ngoại như được cởi trói, nở rộ chưa từng có. Trước đây công việc này là độc quyền của Fafim Nhà nước. Nay với quy định bất cứ công ty sản xuất phim tư nhân nào cũng có quyền được nhập phim nước ngoài, không hạn chế số lượng, các công ty nhập phim mọc lên như “nấm sau cơn mưa”. Những phim họ nhập về không phải là những phim có giá trị nghệ thuật, bồi dưỡng cho đạo đức nhân cách con người, mà đa số là những phim bạo lực, hoặc tình cảm ủy mị”.

Ảnh minh họa: Lĩnh vực mỹ thuật, triển lãm đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện xã hội hóa.

“Có những phim, hội đồng duyệt bắt cắt bớt những cảnh bạo lực, tình dục nhưng các nhà nhập phim chỉ làm qua loa hình thức rồi đem ra chiếu. Không ai kiểm soát nổi khi số lượng phim nhập có đến hàng trăm phim mỗi năm, mỗi tuần có từ 2 đến 3 phim ra rạp. Tôi đề nghị Ban Tuyên giáo cùng Bộ VH-TT&DL và Cục Điện ảnh làm một cuộc tổng điều tra về việc nhập phim nước ngoài trong 10 năm qua.

Điều tra về nội dung các phim nhập, về số lượng các phim nhập, để có biện pháp cụ thể nhằm hạn chế, ngăn chặn luồng phim ảnh độc hại như một thứ mối gặm nhấm, đục ruỗng nền tảng đạo đức của xã hội. Việc này Nhà nước không thể xã hội hóa để tự nhận làm được mà phải tự nhận lấy trách nhiệm về mình” - Đạo diễn Đặng Nhật Minh kiến nghị.

Ở lĩnh vực sân khấu, NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ: “Nghệ sĩ, diễn viên là một nghề đặc biệt có thời gian đào tạo lâu hơn các ngành nghề khác mà tuổi hoạt động nghề lại ngắn hơn… Trong quá trình thực hiện xã hội hoá đã bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập. Hạn chế lớn nhất là tốc độ xã hội hoá còn chậm so với tiềm năng và chỉ tiêu định hướng của Nghị quyết 90/CP giữa các vùng miền và cả giữa các tỉnh, thành phố chưa đồng bộ, có nơi không dành sự quan tâm đúng mức tới Nghị quyết quan trọng này”.

Bên cạnh đó, NSND Lê Tiến Thọ cũng cho rằng, Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn từ năm 2010 đến năm 2020 định hướng năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, nhưng chưa đi vào được đời sống, nên nghệ thuật sân khấu chưa có cơ sở phát triển. Lộ trình thực hiện chủ trương xã hội hoá ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước rơi vào bế tắc. Các đơn vị nghệ thuật công lập ở tại một số địa phương đã sáp nhập với Trung tâm Văn hóa thành một đơn vị tổng hợp.

Hệ lụy là, nhiều đơn vị nghệ thuật đã không còn giữ được bản sắc nghệ thuật mà chạy theo xây dựng các chương trình tấu hài, kịch sex, kịch ma... để có doanh thu nuôi bộ máy cồng kềnh. Trong khi đó, chế độ nhuận bút nhà nước đã ban hành không thực hiện được vì địa phương không có kinh phí.

Ở lĩnh vực mỹ thuật, họa sĩ Trần Khánh Chương nhìn nhận: “Mặt trái của thị trường mỹ thuật phát triển đó là hiện tượng làm tranh giả, tranh nhái phát triển mạnh, tạo sự lẫn lộn vàng thau và nghi ngờ của những người sưu tập, làm giảm uy tín của mỹ thuật Việt Nam. Những vấn đề này chúng ta đều được biết qua báo chí về những cuộc đấu giá và những cuộc triển lãm. Vấn đề xử lý vi phạm bản quyền tác giả hiện vẫn chưa có lối ra, bởi Hội Mỹ thuật Việt Nam chỉ có thể lên án, bảo vệ tác giả chứ không có chức năng xử lý đối với những vụ tranh giả, tranh nhái”.

Họa sĩ Trần Khánh Chương đánh giá, sáng tác mỹ thuật trong cơ chế thị trường và thị trường mỹ thuật đã thúc đẩy các nghệ sĩ tìm tòi sáng tạo, quá quan tâm đến kỹ thuật, chất liệu và những đề tài mà thị trường cần, do đó các tác phẩm mang tính nghệ thuật hiện đại, các tác phẩm có nội dung về phong cảnh, tĩnh vật, chân dung... được quan tâm sáng tác.

Các đề tài về cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gần như không có thị trường tiêu thụ, nên ngoài một số tác giả đã kinh qua hai cuộc kháng chiến còn tiếp tục sáng tác thì các nghệ sĩ trẻ ít quan tâm, do đó các triển lãm mỹ thuật thiếu vắng đề tài này. Phần lớn các tác phẩm có đề tài đều do các trại sáng tác, đặt hàng hoặc sự tài trợ của Hội.

Vũ Cảnh
.
.
.