Nhiếp ảnh Việt thời 4.0: Vẫn chưa có thị trường đúng nghĩa?!

Thứ Hai, 02/09/2019, 08:16
Cùng với việc dễ dàng sở hữu những chiếc máy ảnh hiện đại, dễ sử dụng, số lượng người tham gia sáng tác nhiếp ảnh ngày càng nhiều, số lượng tác phẩm nhiếp ảnh mỗi năm ngày càng lớn. Tuy nhiên, hầu hết các nhiếp ảnh gia đều cho rằng, nghệ sĩ khó sống được bằng nghề và chụp ảnh để thỏa mãn đam mê là chính. Hầu hết các gallery, sàn đấu giá chỉ tập trung cho tác phẩm hội họa. Nhiếp ảnh Việt chưa có thị trường đúng nghĩa…


Theo Nhiếp ảnh gia Mai Vinh, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam có hơn 1.000 hội viên. Ngoài ra, “làng” nhiếp ảnh còn có hàng ngàn nhiếp ảnh gia tự do khác. Số lượng ảnh hàng năm các nhà nhiếp ảnh thực hiện rất lớn. Các cuộc thi do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì có khoảng 5.000 đến 15.000 ảnh. Cuộc thi do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức thường nhận từ 15.000 ảnh đến 30.000 ảnh. Cuộc thi ở các tỉnh và đơn vị khác khoảng 10.000 đến 20.000 ảnh.

Tuy nhiên, hầu hết tác giả, kể cả các nhiếp ảnh gia nổi tiếng vẫn chủ yếu chụp ảnh để thỏa mãn đam mê nghệ thuật, đăng tải trên mạng xã hội. Một số rất ít tác giả là những nhiếp ảnh gia có thương mại ảnh thành công và chủ yếu là thụ động chờ đợi khách hàng. Vì vậy, các cuộc thi ảnh vừa là hình thức tạo động lực, sân chơi cho các tác giả thể hiện tài năng, vừa là nơi để các tác giả có thêm cơ hội thương mại tác phẩm của mình.

Nhưng,  đa phần các cuộc thi mới chỉ sử dụng ảnh đạt giải, triển lãm vào mục đích phát động phong trào xã hội hoặc mục đích chuyên dụng khác, chưa có hình thức cầu nối thương mại cho tác giả và khách hàng.

Nhiếp ảnh Việt vẫn chưa có thị trường đúng nghĩa.

Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Việt Văn, một trong số các nghệ sĩ thường xuyên có nhiều tác phẩm đạt giải nhiều cuộc thi cấp khu vực và quốc tế cho rằng, thị trường ảnh của nhiều quốc gia trên thế giới rất náo nhiệt còn  nhiếp ảnh Việt chưa có thị trường đích thực. Mua bán ảnh chủ yếu là giao dịch mang tính cá nhân, trực tiếp. Rất nhiều trường hợp chỉ mua bán theo kiểu thỏa thuận miệng. Người bán và người mua đều không có giấy tờ gì để chứng thực họ là chủ sở hữu bản quyền bức ảnh. Trước đây, một số nghệ sỹ mở trang web riêng, túc tắc bán ảnh trên mạng, sau này là bán ảnh trên mạng xã hội.

Dù vậy, tác phẩm bán được không nhiều như một số họa sỹ bán tranh. Việc một bức ảnh được bán ra file gốc, là hình độc bản hay bao nhiêu bản, sử dụng ảnh một lần hay nhiều lần, trong những trường hợp cụ thể nào… chưa được đề cập đến một cách chuyên nghiệp. Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam từng thử nghiệm bán giúp ảnh của hội viên trông qua trang Web của Hội nhưng cũng không thành công…Vài tổ chức tư nhân ở Việt Nam từng mở ngân hàng ảnh rồi cũng thất bại.

Nguyên nhân có nhiều như không thống nhất tỷ lệ ăn chia, không giữ được bản quyền ảnh khi nghệ sỹ gửi file ảnh gốc, công tác quảng bá chưa hiệu quả. Hiện nay lại không có tiêu chí để đánh giá giá trị ảnh. Việc định giá hầu như vào cảm tính của người bán người mua. Không hẳn tác giả có nhiều giải thưởng quốc tế, có danh hiệu là tác phẩm được nhiều người tìm mua. Thông thường, mỗi tác phẩm tham gia vào thị trường phải có đầy đủ thông tin về tác giả, tên ảnh, thời gian, địa điểm chụp… và  phải được cơ quan công quyền xác nhận về mặt bản quyền.

Nhưng, hầu hết các khâu này tại Việt Nam ít được các tác giả quan tâm… Không có thị trường ảnh thật sự sẽ không kích thích các nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tạo. Công chúng gần như không biết hiện tại những bộ ảnh hay bức ảnh nào của Việt Nam nổi tiếng, có giá trị về nghệ thuật, giá trị văn hóa hay giá trị lịch sử...

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng tiết lộ, sau một năm vận hành Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, không có trường hợp nào đến đăng ký thẩm định tác phẩm nhiếp ảnh. Trong thời gian tới, công tác này cũng cần có những điều chỉnh cho phù hợp. Bởi lẽ, phí thẩm định mỗi tác phẩm hàng chục triệu đồng nhưng giá trị giao dịch tác phẩm chỉ vài triệu đồng nên tác giả không “mặn mà” với giám định là tất nhiên.

Nhà phê bình Nguyễn Thành thì cho rằng, giám định nhiếp ảnh hiện nay rất khó. Một trong số các lý do nhà các nhiếp ảnh gia hiện nay tổ chức chụp ảnh nhóm, sáng tạo tập thể rất nhiều. Trong cùng một cuộc chụp ảnh, nhiếp ảnh gia có cùng góc chụp, cùng thời điểm, địa điểm, cùng cự li, có khi còn giống nhau cả về máy ảnh, ống kính nên càng khó nói tác phẩm sẽ không giống nhau. Bản thân nghệ sĩ chưa thực sự quan tâm đến bản quyền tác phẩm cũng là lý do khiến nhiếp ảnh khó có thị trường đúng nghĩa…

“Để có thị trường ảnh phát triển, minh bạch, cần tổ chức được ngân hàng ảnh làm dữ liệu cho nền nhiếp ảnh quốc gia,vừa khai thác phục vụ cộng đồng, vừa là cầu nối với người mua. Đơn vị đứng ra tổ chức phải thật chuyên nghiệp về mọi mặt, kể cả uy tín về thẩm định, đánh giá giá trị thực của bức ảnh.

Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam nên kết hợp với Thông tấn xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Cục Mỹ thuật- Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch kêu gọi các tổ chức khác hỗ trợ hoạt động tư vấn, thẩm định, xây dựng ngân hàng ảnh, dữ liệu cho thị trường ảnh, làm cầu nối nghệ sĩ-tác phẩm. Bộ Tài chính nên thiết lập thể chế cho thị trường này, kể cả việc định giá tác phẩm cho đến đánh thuế thu nhập…”, nhiếp ảnh gia Việt Văn kiến nghị.

N.Nguyễn
.
.
.