Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: “Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ...”

Thứ Sáu, 08/05/2020, 08:17
Sau hai năm chống chọi với bệnh tật, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã trút hơi thở cuối cùng vào khuya 6/5 tại nhà riêng ở TP HCM.

Cả một đời yêu màu sim tím quê nhà xứ Quảng, người nhạc sĩ tài hoa ra đi để lại cho cõi tạm “Thu, hát cho người” với những câu ca da diết, lãng đãng sương chiều: “Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ…”.

Sinh năm 1947 ở một làng quê nghèo tỉnh Quảng Nam, cậu bé Vũ Hợi (tên thật của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển) sớm say mê âm nhạc. Nhờ anh Trịnh Mẹo cùng làng chỉ bày những nốt nhạc đầu tiên trên cây đàn mandoline, Hợi tập tành chơi các bản giản đơn. 

Lên trung học ở Hội An, ông được nhạc sĩ Lê Chấn Quang dạy nhạc lý một cách bài bản. Ngày ngày đi học qua sông Thu Bồn, nghe người lái đò ngân nga tình khúc của nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy, Hoàng Giác, Lê Thương…, cậu học trò mơ mộng trở thành nhạc sĩ, viết được những ca khúc bay bướm, hay tuyệt như các vị tiền bối.

Tự mày mò sáng tác, năm 21 tuổi, Vũ Đức Sao Biển viết bài ca đầu tiên mang tên “Thu, hát cho người” trong nỗi nhớ thương da diết người bạn gái cắp sách đến trường năm xưa. “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/ Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa…”. Bài hát ấy cất lên giữa mênh mông đồi núi trập trùng, giữa tháp cổ, đồi sim, bên dòng sông Thu êm đềm – nơi hạ nguồn có người con gái ông thương đã ra đi không hẹn ngày về. 

Giới chuyên môn nhận định: chỉ với “Thu, hát cho người”, bao nhiêu tinh hoa, tài năng củaVũ Đức Sao Biển đã phát tiết và gói gọn. Và chỉ cần một và chỉ một “Thu, hát cho người”, Vũ Đức Sao Biển đã có thể để đời với thế nhân bằng tác phẩm độc nhất như nhà thơ Hữu Loan nổi tiếng với “Màu tím hoa sim”, như nhạc sĩ Đinh Trầm Ca với “Ru con tình cũ”, như Nguyễn Thiện Tơ với “Giáo đường im bóng”… Sau này, chính ông cũng thừa nhận trong rất nhiều tác phẩm, ca khúc mình yêu nhất vẫn là “Thu, hát cho người”.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.

Mang cung đàn đi theo tiếng hò phương Nam ngọt lành, chàng nhạc sĩ đa tình đã cho ra đời rất nhiều ca khúc về mảnh đất “chín rồng”. Trong đó, nhiều bài hát được đông đảo công chúng yêu mến như: “Điệu buồn phương Nam”, “Đau xót lý chim quyên”, “Tiếng quốc đêm trăng”, “Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang”, “Trở lại Bạc Liêu”… 

Gia tài âm nhạc của ông lên đến hơn 300 ca khúc. Vũ Đức Sao Biển còn nổi tiếng là một nhà “Kim Dung học” với tác phẩm nghiên cứu đồ sộ “Kim Dung giữa đời tôi”. Ông còn là nhà báo, nhà văn lão làng, nổi danh bởi ngòi bút mộc mạc, giàu tính trào phúng mà sắc bén, sâu cay.

Chênh chếch bên con dốc cuộc đời, bệnh tật bủa vây nhưng nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển vẫn cần mẫn trên cung đàn, phím chữ. Năm 2017, sức khỏe ông xuống dốc nhanh chóng sau lần mổ khối u bạch sản trong cổ họng. Năm sau thì ông mất hẳn tiếng nói do chứng nhồi máu não làm tắt dây thanh. 

Ông tâm sự: “Tôi đau khổ vô cùng vô kể bởi mất tiếng nói là không còn có thể đi giao lưu, không thuyết trình, làm talkshow được nữa. Đó là căn bệnh nghề nghiệp dễ gặp của một người chuyên nói và nói nhiều. Tôi trở thành một người câm bất đắc dĩ, chỉ có thể giao tiếp với mọi người qua chữ viết. Thế nhưng, tôi vẫn làm việc, cố gắng mà làm việc”. 

Ngày nằm trong bệnh viện, ông vẫn nằng nặc bắt con cháu mang máy tính vào. Hỏi làm gì thì ông bảo phải viết để khỏi ngột ngạt, ngứa ngáy chân tay. Không nói, không hát được nữa thì ông vin vào con chữ tìm vui. Ghé nhà thăm, lúc nào cũng thấy ông lọ mọ làm việc. 

Nhìn về bệnh tật, ông cười mà tự trào: “Nhiều khi tôi nghĩ mình đã nói và hát hơn 70 năm rồi, bây giờ tắt dây thanh không nói và hát được hình như cũng là một quy luật. Tôi sống và lòng rất thanh thản, không có điều gì buộc mình bận tâm suy nghĩ. Tiền nhuận bút  và tiền tác quyền âm nhạc, tôi đều đưa hết cho vợ để bà nuôi các cháu nội”.

Sức làm việc của nhạc sĩ thật đáng nể. Hồi cuối năm ngoái, ông ra mắt liền tù tì loạt tác phẩm gồm: tạp bút “Phượng ca”, “Miền Nam sống đẹp”, “Lắng nghe giai điệu bolero”…  Những cuốn sách ăm ắp kỷ niệm thanh xuân như một cách để ông tìm về tuổi trẻ mộng mơ của mình. Và ông nhớ, chao ôi là nhớ những đồi sim tím quê nhà. 

Bao giờ về lại quê hương, ông cũng lên đồi sim ấy để nhìn những cánh hoa tim tím ngủ yên trong lòng bàn tay. Ở đó, hơn 50 năm trước đưa ông trở thành nhạc sĩ. Ở đó, ghi dấu mối tình đầu thiêng liêng mà ông bảo: “Tôi không gọi đó là tình yêu. Tôi cũng không gọi đó là tình bạn thuần túy. Nó kết tinh lóng lánh, vượt lên trên cả tình yêu và tình bạn. Nó là chất ngọc của đời người. Nó thoáng qua ngắn ngủi, như có như không giữa đời người nhưng thật cao đẹp và thuần khiết. Nó làm nên tâm hồn tôi, dĩ vãng tôi”.

Dự cảm ngày “bay mãi về cõi mơ” giữa phố thị phương Nam, ông chỉ mong cõi hồn mình trở lại quê xưa, để mãi mãi trở thành gã tình si thơ thẩn dưới gốc sim già mà nhớ một người…

Quỳnh Nga
.
.
.