Nhà thơ Phan Vũ: Ra đi, vẫn đau đáu... “em ơi, Hà Nội phố”

Thứ Năm, 18/07/2019, 08:55
Sau một thời gian dài hôn mê do tuổi cao, sức khỏe suy kiệt, nhà thơ Phan Vũ đã qua đời rạng sáng 17-7 tại TP Hồ Chí Minh. 


Ra đi ở tuổi 93, ông để lại thế gian gia tài là những bài thơ, vở kịch, tác phẩm hội họa. Ở đó, khúc trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” vẫn ngân vọng, khắc sâu một tình yêu say đắm cho xứ kinh kỳ cổ kính, trầm mặc…

Không chỉ nổi tiếng là một nhà thơ, Phan Vũ còn thành công ở vai trò đạo diễn sân khấu – điện ảnh, nhà biên kịch kiêm họa sĩ. Tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn như đứa trẻ hồn nhiên rong chơi qua hai miền thi – họa, đầy nhiệt thành và sung sức. Mỗi năm, những đứa con tinh thần sòn sòn ra đời. 

Ông thường hay nói: "Chẳng mấy chốc trời bắt tôi về tiền kiếp nhưng trời cho tôi sống đến từng này tuổi và còn đam mê đủ thứ là tôi mãn nguyện lắm rồi".

Càng về già, ông càng dành nhiều đam mê cho hội họa. Vẽ cho vơi đi nỗi buồn, vẽ cho lắng lại nỗi cô đơn xế chiều. Và ông gọi những sắc màu họa lòng mình trên toàn là những nỗi buồn rực rỡ.

Nói về các tác phẩm của mình, ông tâm sự: “Một chút bi tráng tự sự với những màu sắc rực rỡ, đối lập nhưng lại có độ trầm tạo thành nỗi buồn dịu êm”.

Nhà phê bình Nguyễn Trọng Chức nhận xét: “Có gì đó thật trẻ trung trong cách ông bày tỏ bằng màu sắc những ngẫm ngợi và cảm xúc của mình. Có những chuyện thế sự và triết lý về cuộc đời, về cả những năm tháng chất chồng lên đôi vai ông như Phan Vũ từng tâm tình: "Cái gốc si già này là tôi vẽ tôi đấy - năm tháng qua đi, gốc si già vẫn còn đó nhưng những chùm rễ nó buông xuống là những nỗi buồn và cả sự cô đơn của kiếp người…". Nhưng dù đó là nỗi buồn bã, cô đơn chăng nữa thì nó vẫn được thể hiện bằng một bảng màu nguyên, mạnh mẽ và đầy mê đắm”. Những gam màu xanh, đỏ, đen… không pha trộn, không nhòa lẫn mà đối chọi nhau, bổ sung nhau để gọi tên tâm tư dữ dội, cuồng si của nhà thơ.

Nhà thơ Phan Vũ trong triển lãm tranh “Em ơi, Hà Nội phố” tháng 7-2018.

Ông từng tuyên bố: “Tôi muốn kéo những bức tranh của tôi đến gần các bài thơ". Nhà phê bình Nguyễn Quân cho rằng có lẽ ở Phan Vũ là con người của lý tưởng văn nhân cổ điển với mực thước toàn diện "cầm kỳ thi họa" và quan niệm thẩm mỹ "thi trung hữu họa, họa trung hữu thi".

Cách đây đúng một năm, ông tổ chức triển lãm tranh tại TP Hồ Chí Minh với 26 bức sơn dầu như bước ra từ trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” nổi tiếng. Đó là hoài niệm về một Hà Nội mùa đông năm 1972, lãng đãng sương khói, nhuộm màu xanh thời gian, trầm mặc con đường, góc phố, là bóng hình thiếu phụ, là cây bàng mồ côi mùa đông, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ…

Trong tranh, màu xanh với đủ cấp độ nổi trội trên tất thảy, như những câu thơ: "Ta còn em một màu xanh thật đêm/… Nụ hôn còn xanh mãi trên môi.../ Đêm kinh kỳ/ Thuở ấy/ Xanh lơ...".

Phan Vũ không phải là người Hà Nội. Nhưng dù chỉ sống và làm việc ở nơi đây một thời gian ngắn cũng đủ cho ông mê đắm mảnh đất này. Bởi chỉ có tình yêu si dại, ăn sâu vào máu thịt, ông mới dệt nên những câu thơ nồng nàn, bi tráng và ngất ngư đến thế: “Em ơi, Hà Nội phố/ Ta còn em cơn mưa rào qua nhanh/ Sũng ướt bậc thềm/ Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ/ Cô gái băng qua đường bỗng hồng đôi má/ Một chút xanh hơn/ Trời Hà Nội/ Hôm qua…”.

21 câu trong trường ca được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát cùng tên và nhanh chóng trở thành một trong những bài hát nổi tiếng về thủ đô, đưa tên tuổi Phan Vũ đi xa. Về phương Nam sinh sống, nhưng trong ông vẫn trăn đi trở lại một nỗi nhớ Hà Nội.

Ngày triển lãm tranh, lão thi sĩ dù chống gậy, bước đi khó nhọc nhưng vẫn sảng khoái nói cười, bắt tay, thậm chí còn vui miệng hát tặng bạn bè đến dự. Giọng ông khàn đục, nhưng cất lên bài hát đầy hùng hồn, bi tráng của ngày thanh niên cả nước đứng lên đánh giặc. Hát xong, ông kể đủ chuyện tếu táo, hài hước. Nhìn nét vẽ của Phan Vũ, có người tưởng ông học mỹ thuật bài bản. Các bức tranh theo trường phái trừu tượng, nửa trừu tượng, biểu hiện, chân dung tự họa, phong cảnh nửa hiện thực nửa ước lệ… 

Nghe thế, lão thi sĩ cười lớn: “Tôi chẳng học hành chi cả, nói cho nhanh là vô học”. Không chỉ mỹ thuật mà cả lĩnh vực sân khấu, điện ảnh cũng thế, Phan Vũ toàn mày mò “tự nghịch” (chữ của Phan Vũ).

Có lẽ nhờ "vô học" và “tự nghịch” nên thơ và tranh Phan Vũ không đi theo nguyên tắc kỹ thuật khuôn thước nào mà ngồn ngộn chất tự sự, rung cảm phóng khoáng. Nhìn cảnh ông cụ đeo kính lão, cái cằm lởm chởm râu, miệng ngậm tẩu thuốc, tay say sưa múa cọ, họa sĩ Lưu Công Nhân phải thốt lên: "Đúng là một nghệ sĩ vừa uyên bác, vừa ngây thơ… tươi roi rói!!!

Lâu nay, bản trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” dài hơn 400 câu vẫn có khá nhiều dị bản. Phải đến tháng 4-2018, tác phẩm mới chính thức ra mắt với bản in đầy đủ trong tập thơ “Ta còn em” in cùng 30 bài thơ khác ông viết từ năm 1956 đến nay.

Tác phẩm “Ly rượu trần gian” vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Sách tập hợp những ghi chép đời thường, những chân dung và câu chuyện buồn vui mà ở đó hiển nhiên không thể thiếu bóng dáng Hà Nội – thành phố mà Phan Vũ trót nặng nợ. Tuy nhiên, sách vừa in chưa kịp đến tay thì tác giả đã giã từ cõi thế.

Nhà thơ Phan Vũ tên thật là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Ông là nhà thơ, nhà soạn kịch, đạo diễn sân khấu – điện ảnh, họa sĩ. Năm 1954, ông làm việc tại Hà Nội. Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Vũ sinh sống tại TP Hồ Chí Minh.

Các tác phẩm nổi tiếng của ông: kịch “Lửa cháy lên rồi”, “Dòng sông âm vang”, “Hà Nội”, “Bà mẹ và thanh gươm”, “Ngọn lửa thành đồng”; tuyển tập thơ “Phan Vũ thơ” (2008), “Ta còn em” (2018); đạo diễn phim“Bí mật thành phố cấm”,“Như một huyền thoại”.

Quỳnh Nga
.
.
.