Ngôn ngữ học Việt Nam trong giao lưu, hội nhập và phát triển
- Ngôn ngữ học Việt Nam đã hòa nhập được các trào lưu, lý thuyết hiện đại của thế giới
- Hội thảo khoa học quốc tế “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập”
Hội thảo do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp cùng Đại học Thủ Dầu Một tổ chức.
Tham dự hội thảo có Phó Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; Giáo sư. Tiến sĩ. Nhà giáo nhân dân Lê Quang Thiêm, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; Phó Giáo sư.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một; cùng 200 đại biểu là các diễn giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ học, giảng viên, học viên các trường đại học trong nước.
Hội thảo nhằm khẳng định, đề cao vai trò, vị trí của tiếng Việt – ngôn ngữ chính thức của nước Việt Nam thống nhất, đã có lịch sử hàng ngàn năm trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế; quan tâm sâu hơn việc nghiên cứu ngôn ngữ của các dân tộc, phương ngữ và phương ngữ Nam Bộ.
Hội thảo còn có ý nghĩa đặc biệt hướng tới kỷ niệm 10 năm thành lập Trường Đại học Thủ Dầu Một (24/6/2009 – 24/6/2019) và 25 năm xuất bản tạp chí Ngôn ngữ và đời sống – Cơ quan ngôn luận của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam (1994 – 2019).
Hội thảo đã nhận được 260 bài tham luận của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đến từ nhiều trường đại học trong cả nước.
Ban Tổ chức hội thảo đã chia thành 3 tiểu ban để đại biểu cùng thảo luận về các nội dung: Ngôn ngữ học và Việt ngữ học; bản ngữ và ngoại ngữ; ngôn ngữ và văn hóa; ngôn ngữ với văn chương; ngôn ngữ và các dân tộc thiểu số; phương ngữ học và phương ngữ Đông Nam bộ.
Đặc biệt, trong phiên đối thoại, các nhà nghiên cứu đã bàn luận sâu về hai vấn đề: Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu, hội nhập và giáo dục đại học với phát triển ngôn ngữ học.
Theo Ban tổ chức, hội thảo sẽ giúp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng tiếp cận những nghiên cứu, phát hiện mới; trao đổi kết quả nghiên cứu, những quan điểm, phương pháp nghiên cứu; chia sẻ kinh nghiệm về chủ đề ngôn ngữ và giảng dạy ngôn ngữ.