Nghệ sĩ CAND nỗ lực cho “Âm vang chiến công” vì “màu cờ sắc áo”

Thứ Năm, 16/08/2018, 14:54

Bận triền miên với các buổi tập luyện và biểu diễn nghệ thuật chào mừng 73 năm Cách mạng tháng Tám thành công và ngày truyền thống CAND, các nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhạc Công an nhân dân (CAND) vẫn cấp tập chuẩn bị cho đêm nhạc “Âm vang chiến chiến công” do Báo Công an nhân dân tổ chức. 


Tranh thủ trao đổi với chúng tôi khi thời điểm diễn ra đêm nhạc rất gần (20h ngày 18-8 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội), NSƯT Đặng Văn Hà, Trưởng đoàn Ca múa nhạc CAND đã chia sẻ khá nhiều câu chuyện từ hậu trường chuẩn bị cho chương trình của các nghệ sĩ – chiến sĩ mang sắc phục công an này.

Phóng viên: Trong chương trình “Âm vang chiến công” năm 2018 do Báo Công an nhân dân tổ chức, Đoàn Ca múa nhạc CAND chiếm số lượng áp đảo cả về tiết mục và nghệ sĩ biểu diễn. Đoàn đã có sự chuẩn bị như thế nào để góp phần mang đến thành công cho đêm nhạc, thưa Nghệ sĩ ưu tú Đặng Văn Hà?

NSƯT Đặng Văn Hà: Chính xác là chúng tôi tham gia múa phụ họa một số tiết mục và có 3 tiết mục chính gồm: biểu diễn hợp xướng và múa tác phẩm “Mười chín tháng Tám” của cố nhạc sĩ Xuân Oanh, tốp ca nữ và nhóm múa với tác phẩm “Từ một ngã tư đường phố” của nhạc sĩ Phạm Tuyên và tốp ca nam với ca khúc “ Giữ cho cuộc sống bình yên” của tác giả Mai Công Thắng.

Nói thật là dịp này chúng tôi bận khủng khiếp. Cũng may là anh Hưng (Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hưng, tổng đạo diễn chương trình “Âm vang chiến công”) mời tham gia từ sớm nên chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ. Phần nào tập riêng được thì các nghệ sĩ chủ động tự tập, sau đấy mới “ráp” lại, tập chung. 

Chúng tôi cũng xác định, “Âm vang chiến công” là chương trình chào mừng 73 năm Cách mạng tháng Tám thành công. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với đất nước, dân tộc. Với lực lượng CAND thì đây là dấu mốc quan trọng sau 73 năm xây dựng, trưởng thành. Vì vậy, được tham gia biểu diễn trong chương trình chương trình nghệ thuật kỷ niệm 2 sự kiện trọng đại này là vinh dự và niềm tự hào của các nghệ sĩ – chiến sĩ Đoàn Ca múa nhạc CAND. Ngoài trách nhiệm vì công việc, chúng tôi còn biểu diễn vì “màu cờ sắc áo” của lực lượng mà mình đang tham gia công tác nữa.

Nghệ sĩ ưu tú Đặng Văn Hà

Phóng viên: Ca khúc “Mười chín tháng Tám” đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả. Đoàn Ca múa nhạc CAND cũng đã biểu diễn nhiều lần trên sân khấu. Các nghệ sĩ trong Đoàn làm thế nào để tiết mục của mình mới hơn mà vẫn hấp dẫn người xem?

NSƯT Đặng Văn Hà: Ca khúc này chúng tôi đã biểu diễn nhiều lần, nhiều nhất là dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công hàng năm. Nhưng, thường là chúng tôi biểu diễn như một phần của các liên khúc. Trong đêm nhạc lần này, theo yêu cầu của Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hưng, chúng tôi phải dàn dựng thành một tiết mục độc lập. Vì vậy phải đầu tư phối khí lại, dàn dựng mới hoàn toàn. 

“Mười chín tháng Tám” là tiết mục mở màn cho phần biểu diễn chính và cũng là tiết mục tập hợp nhiều nhất các ca sĩ và nghệ sĩ múa của Đoàn Ca múa nhạc CAND. Làm sao để khơi dậy niềm phấn khởi, tự hào của mỗi người, để khán giả cảm nhậc được đầy đủ 2 nội dung là khí thế của Cách mạng tháng Tám và truyền thống của lực CAND thì không dễ.

Thời điểm lịch sử -  ngày “Mười chín tháng Tám” đã được nhạc sĩ Xuân Oanh nêu bật trong ca khúc bằng giai điệu, ca từ. Đây là ca khúc “để đời” của cố nhạc sĩ, được đặt tên đúng vào một ngày cụ thể, ngày 19 tháng 8. Vì vậy, nhắc đến Cách mạng tháng Tám và người yêu âm nhạc dễ nghĩ ngay đến ca khúc này của nhạc sĩ Xuân Oanh. 

Tôi còn được biết, nhạc sĩ Xuân Oanh viết ca khúc này ngay khi đang hòa vào dòng người biểu tình trong ngày lịch sử trọng đại của đất nước 73 năm trước. Khi đoàn đến Nhà hát Lớn Hà Nội thì ông cũng viết xong tác phẩm. Giai điệu hào hùng, tươi vui của ca khúc như một chất keo gắn kết các tầng lớp nhân dân taon nên sức mạnh vô song đập tan xiềng xích nô lệ. 

Hình ảnh người chiến sĩ công an được chuyển tải đa dạng trên sân khấu qua diễn xuất của nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhạc CAND

Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tái hiện không khí sục sôi của đất nước trong thời khắc lịch sử trọng đại này của đất nước bằng hai hình thức là ca và múa. Có khoảng 14 đến 15 người trong dàn hợp xướng và 20 diễn viên múa phụ họa. Như vậy, ngoài lời ca, các nghệ sĩ sẽ còn tái hiện sự kiện lịch sử này bằng ngôn ngữ múa. 

Trang phục, đạo cụ cũng rất phong phú. Với lực lượng nghệ sĩ đông đảo, đầy kín sân khấu Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ cùng biểu tượng cờ đỏ, búa liềm, các trang phục của nông dân, công nhân, binh lính thời điểm 73 năm trước và lực lượng công an là một phần không thể thiếu trên sân khấu, tôi tin chương trình sẽ hấp dẫn người xem. 

Người công an trong tiết mục này sẽ rất khác với hình ảnh người công an trong hiện tại, nhất là về sắc phục. Kể cả người công nhân, nông dân cũng như thế. Trang phục của họ phải đúng với thời trước. Vì vậy, phục trang cho nghệ sĩ trong riêng tiết mục này rất kỳ công. Một số cái chúng tôi đi thuê, một số cái không thuê được thì phải tự đi may lấy...

Phóng viên: Hai tiết mục còn lại là “Từ một ngã tư đường phố” và “Giữ cho cuộc sống bình yên”, các nghệ sĩ sẽ chuyển tải hình ảnh người chiến sĩ công an như thế nào trên sân khấu của chương trình?

NSƯT Đặng Văn Hà:  Hai tiết mục này chúng tôi tập trung chuyển tải hình ảnh người chiến sĩ công an trong quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND. Trong đó, người cảnh sát giao thông là điểm nhấn chính của tiết mục “Từ một ngã tư đường phố”. Hình ảnh người cảnh sát giao thông ở một ngã tư đường phố là  “mặt tiền” của lực lượng này vì đây là nơi người dân dễ nhìn thấy họ nhất. Đây cũng là một trong những lực lượng trực tiếp làm việc hàng ngày với dân nhiều nhất nhưng không phải ai cũng hiểu được những cống hiến, hy sinh thầm lặng của họ. 

Khi xây dựng tiết mục, chúng tôi phải cố gắng dàn dựng để khán giả cảm nhận được, từ đó lan tỏa tình cảm với các lực lượng khác trong CAND. Chuyển tải nội dung, ý nghĩa này trên sân khấu bằng ca từ, giai điệu là tốp ca nữ. Chúng tôi còn có đội ngũ diễn viên múa mặc đúng quân phục của cảnh sát giao thông, có cả gậy chỉ đường. Nghệ sĩ múa dùng ngôn ngữ múa để tái hiện việc làm, những động tác cơ bản của lực lượng cảnh sát khi điều tiết giao thông...

Với tiết mục “Giữ cho cuộc sống bình yên”, hình ảnh người CAND được khắc họa qua giọng hát là chủ yếu. Hiện tại, tất cả các tiết mục chúng tôi đã tập luyện, trau chuốt lại rất kỹ, chỉ còn chờ ngày tổng duyệt và “lên sóng”...

Phóng viên: Xin cảm ơn Nghệ sĩ ưu tú Đặng Văn Hà!


N.Hoa
.
.
.