Nét đẹp lễ hội truyền thống xứ Huế đầu xuân
“Nhún mình như thể nhún đu. Càng nhún càng dẻo, càng đu càng mềm”. Theo các bậc cao niên ở thôn Thế Chí Tây, câu ca này đã được người làng lưu truyền để nói về hội đu tiên, ước mong một năm mới mạnh khỏe, bình an, mùa màng bội thu.
Theo ông Đặng Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hòa, để phục vụ hội đu tiên, từ trước Tết Nguyên đán, chính quyền đã tổ chức làm giàn đu với 6 cột tre lớn, gióng đu làm bằng hai cây tre giáo. Gióng đu mắc vào thanh xà ngang bằng tre có gắn móc gỗ trên giàn đu, bên dưới là bàn đạp bằng gỗ. Cạnh giàn đu là cây tre cao buộc vải màu để phân định độ cao thấp của các vận động viên khi so tài trong cuộc đu.
“Hội đu tiên nhằm giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, thắt chặt thêm tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm”, ông Quang cho hay.
Tại thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, hội vật làng Thủ Lễ cũng hấp dẫn không kém. Trong tiếng trống khai hội rộn ràng, hàng ngàn người dân và du khách đổ về đình làng Thủ Lễ xem các đấu vật, thi thố trên sới vật. Dịp Tết Kỷ Hợi năm nay, hội vật Thủ Lễ có gần 100 đô vật thi đấu, trong đó chiếm 2/3 số lượng là các đô vật đến từ nhiều địa phương trong địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Hội vật Thủ Lễ đầu xuân Kỷ Hợi thu hút đông đảo người dân và du khách. |
Ông Lê Quế, Trưởng ban điều hành hội vật Thủ Lễ, cho hay, cùng với hội vật làng Sình, hội vật Thủ Lễ ra đời từ thời các chúa Nguyễn nhằm tuyển chọn trai tráng khỏe mạnh để bảo vệ đất nước. Năm nay, hội vật Thủ Lễ được tổ chức quy mô, với sự tham gia của nhiều đô vật, nhằm tuyển chọn tham gia thi đấu các giải trong toàn quốc, đồng thời cũng là ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Tết Kỷ Hợi này, hội bài chòi bên di tích Quốc gia cầu ngói Thanh Toàn cũng được chính quyền địa phương tổ chức quy mô hơn những năm trước, thu hút rất đông người chơi và người xem. Hội bài chòi bắt đầu khi “ông hiệu” hô lên một câu thai, hoặc một câu ca dao, một điệu hò có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để “ông hiệu” mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới”, người chơi sẽ được cắm lá cờ đỏ nhỏ vào chòi kèm một phần thưởng nho nhỏ. Và mỗi hội bài được chia làm 9 ván như thế…
Có thể nói, chính nhờ một phần đóng góp công sức không nhỏ của người dân, đặc biệt là những nghệ nhân thực hành nghệ thuật bài chòi là các “ông hiệu”, “bà hiệu” ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, đã góp phần cho nghệ thuật bài chòi Trung Bộ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2017. Từ đó, người dân Thủy Thanh và khu vực miền Trung nói chung đã ra sức gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật của loại hình này.
“Với những nét độc đáo riêng có, hội bài chòi Thủy Thanh luôn hấp dẫn người chơi, từ trẻ nhỏ cho đến người già, đặc biệt là du khách trong nước và quốc tế. Ngoài mang giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện phong tục tập quán đặc trưng của vùng đất xứ Huế, hội bài chòi còn là dịp để mọi người dân không phân biệt tuổi tác đến chung vui, nhằm cầu mong một năm mới gặp may mắn, gặt hái nhiều thắng lợi”, cụ Nguyễn Văn Mỹ, một người dân Thủy Thanh bày tỏ.
Được biết, tỉnh Thừa Thiên- Huế là một trong những địa phương có số lượng lễ hội nhiều nhất cả nước, với 500 lễ hội lớn, nhỏ khác nhau. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, các lễ hội đầu xuân ở Huế không quá lớn, không phức tạp nên không bị dung tục hóa, thương mại hóa và biến tướng. Và theo đó, nét đẹp lễ hội truyền thống vẫn được gìn giữ, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đặc biệt, nhờ các hoạt động văn hóa, lễ hội được khôi phục trong dịp Tết đã tạo ra điểm nhấn đặc biệt, góp phần xây dựng hình ảnh xứ Huế ấn tượng trong lòng du khách thập phương.
Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá, hiện phần lớn các lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh đã đảm bảo được mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội, tránh được nguy cơ mai một, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa thu hút đông đảo du khách, nhất là trong dịp lễ, Tết. Vì thế, trong nhiều năm qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được Bộ VH,TT&DL xếp hạng A.