NSND Vương Duy Biên: Gửi triết lý nhân sinh sau sự hài hước
NSND Vương Duy Biên sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Hà Nội. Cụ nội của anh là nhà hoạt động văn hóa Vương Duy Trinh, bố là nhà phê bình mỹ thuật Vương Như Chiêm. Ảnh hưởng truyền thống gia đình nên NSND Vương Duy Biên và người anh cả - Vương Học Báo đều theo đuổi nghệ thuật điêu khắc từ rất sớm.
NSND Vương Duy Biên bên 1 tác phẩm của anh trong không gian nghệ thuật tại Sóc Sơn, Hà Nội |
Thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tên tuổi Vương Duy Biên còn khá mới mẻ nhưng anh đã tạo ấn tượng khá đặc biệt với người làm nghề khi trở thành nhà điêu khắc duy nhất có tác phẩm được chọn tại cuộc thi thiết kế tượng đài Trần Hưng Đạo tại thành phố Nam Định. Bằng linh cảm của một người đam mê điêu khắc, anh đã thể hiện chân dung Đức Thánh Trần với hình thế danh tướng Trần Hưng Đạo“tay phải cầm Hịch tướng sĩ, tay trái tì lên đốc kiếm”. Bức tượng đã thể hiện sự trí dũng của bậc danh tướng nhưng cũng thể hiện được tinh thần của dân tộc Việt Nam, một dân tộc không bao giờ muốn chiến tranh, luôn yêu chuộng hòa bình nhưng cũng luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù xâm lược.
Góc trưng bày của triển lãm |
Hội đồng thẩm định của cuộc thi cũng nhận định, Tượng đài Trần Hưng Đạo là một tượng đài thành công về khả năng dùng ngôn ngữ điêu khắc mạch lạc, khỏe khoắn, tập trung chi tiết vào chân dung nhân vật, nhất quán trong cách tạo nhịp điệu vút thẳng từ trang phục hướng lên chân dung, làm toát lên được tinh thần cương nghị, quyết thắng nhưng trí tuệ của bậc vĩ nhân. Tượng đài còn thể hiện khả năng tốt trong tổ chức không gian lớn, tạo được tầm nhìn phù hợp cho không gian quảng trường 3/2 Nam Định và toàn bộ cảnh quan tự nhiên.
Sau gần 2 thập kỷ, đến nay, bức tượng đó đã trở thành “khuôn mẫu” trong sự hình dung của nhiều người về danh tướng Trần Hưng Đạo và đã được nhân bản ra rất nhiều công trình tâm linh – nghệ thuật trên mọi miền tổ quốc.
Hình ảnh con trẻ hiện diện trong nhiều tác phẩm của NSND Vương Duy Biên |
Cũng ngay từ năm 1993, nghệ sỹ Vương Duy Biên đã tổ chức thành công triển lãm tranh lụa cá nhân tại Hà Nội. Triển lãm này được giới chuyên môn và công chúng đánh giá rất cao. Hàng loạt những triển lãm cá nhân được tổ chức sau đó tại Ba Lan, Nhật Bản, Pháp, Đức, Trung Quốc… đã giúp tên tuổi của nghệ sĩ đến với đông đảo người yêu nghệ thuật.
Một trong số các bức tranh của NSND Vương Duy Biên chuẩn bị cho triển lãm |
Mới đây, anh còn tạo bất ngờ khi đạo diễn thành công vở múa rối “Hồn quê” – một tác phẩm được đánh giá là có sự kết hợp tài tình - kỳ lạ giữa rối nước truyền thống với nghệ thuật sắp đặt hiện đại. Hiện nay, vở rối “Hồn quê” và nhiều tác phẩm nghệ thuật múa rối khác do anh đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật đã được trình diễn ở nhiều nơi trong nước và thế giới, đoạt nhiều giải thưởng, Huy chương Vàng, Bạc tại các Liên hoan Sân khấu Múa Rối quốc gia và quốc tế.
Một trong số tác phẩm trong không gian nghệ thuật được NSND Vương Duy Biên dày công gây dựng |
Triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của NSND Vương Duy Biên tại thôn Bốt Tép, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội là một bất ngờ mới mà anh dành tặng người yêu nghệ thuật. Các tác phẩm điêu khắc mang đậm dấu ấn sáng tạo của Vương Duy Biên sẽ được trưng bày trong triển lãm như: Chiếc ghế đang chìm, Kéo cưa lừa xẻ, Chum kinh nghiệm, Mãn nguyện, Ai bảo tôi không làm được?,Hãy mở những ổ khóa (cụm tượng)…
Góc trưng bày khác của triển lãm |
Nhiều tác phẩm trong số này là hình ảnh các cậu bé vô ưu, hồn nhiên, trong sáng được đặt trong sự đối nghịch với thế giới bon chen, vô minh của một bộ phận không nhỏ “người lớn” mà tác phẩm "Cái ghế đang chìm" cùng thông điệp về bản chất phù du, sự vô nghĩa của tham vọng công danh, danh vọng chỉ là một điển hình...
NSND Vương Duy Biên chia sẻ, anh mong muốn thực hiện các tác phẩm tương đối giản dị, dễ gần, dễ chia sẻ, không cầu kỳ về ngôn ngữ thể hiện, hình khối, màu sắc hay chất liệu. Anh không tham vọng đưa vào tranh tính nội dung của hình ảnh nhưng đều cố gắng truyền tải những thông điệp nhiều ý nghĩa, những triết lý nhân sinh sâu sắc một cách dí dỏm, nhẹ nhàng. Nỗ lực ấy, anh hy vọng công chúng và đồng nghiệp sẽ đón nhận, góp ý chân thành khi các tác phẩm được “trình làng” vào ngày 17-11.