Lưu giữ, bảo tồn nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày

Thứ Hai, 15/02/2016, 23:45
Người Tày ở Bắc Kạn có nghề dệt thủ công truyền thống lâu đời, được lưu truyền từ đời này qua đời khác và tồn tại cho đến ngày nay.


Bà Nguyễn Thị Đề, dân tộc Tày, thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, chia sẻ: Ngày xưa, dệt vải được xem là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh, sự khéo léo, cần mẫn của người phụ nữ. Cho nên phần lớn phụ nữ rất khéo tay trong việc kéo sợi, dệt vải. Trước đây, nhiều gia đình có tới 2-3 khung dệt vải làm quần áo, màn, mặt chăn, mặt địu con trẻ...

Bà Đề cho biết thêm, trước kia dệt thổ cẩm bằng sợi bông nhuộm chàm hoặc sợi tơ tằm đã được nhuộm màu. Để làm ra được một tấm vải phải mất rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn, từ việc trồng bông, xe bông, quay sợi và dệt mới làm ra được sản phẩm. Ngày nay giá tơ tằm đắt nên người dệt thổ cẩm chuyển sang dùng len để dệt với các màu: đen, đỏ, vàng, xanh tạo ấn tượng mạnh mẽ.

Từ những dụng cụ thô sơ, tự tạo, thông qua các thao tác thủ công cùng bàn tay khéo léo, sự chăm chỉ của người phụ nữ đã tạo ra những sản phẩm dệt màu sắc đẹp mắt, hoa văn phong phú, đa dạng, độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, phản ánh phần nào lịch sử phát triển của tộc người Tày.

Một khung dệt truyền thống của người Tày.

Để tạo ra một sản phẩm dệt đẹp mắt phải sử dụng nhiều công cụ và trải qua nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo. Người Tày có hai kiểu dệt: dệt trơn và dệt có hoa văn (dệt thổ cẩm).

Hoa văn trên mỗi tấm vải dệt của ng ười Tày bắt nguồn từ cuộc sống lao động, gắn bó trong cuộc sống hằng ngày như: hoa văn hình lá mía dùng làm li đô (màn queng), tã trẻ em; hoa văn hồ tiêu dùng khi làm khăn quàng; hoa văn lài ăm dùng khi làm mặt địu, mặt chăn...

Từ những dụng cụ thô sơ, thao tác thủ công, qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ đã tạo ra những sản phẩm dệt độc đáo, mang bản sắc của cộng đồng người Tày. Để có được tư duy, kỹ thuật như vậy, người dệt phải trải qua quá trình lao động, sáng tạo và tích lũy lâu dài. Đó là nhân tố quan trọng góp phần quyết định sự tồn tại của nghề thủ công truyền thống này, tạo nên giá trị văn hóa của người Tày.

Bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể nằm bên bờ hồ Ba Bể, là nơi có nhiều người Tày sinh sống và nghề dệt thủ công truyền thống vẫn còn được duy trì. nếu như trước đây, trong mỗi gia đình đều có một khung cửi để dệt vải thì nay do sự phong phú của các mặt hàng vải may mặc trên thị trường nên trong thôn Pác Ngòi chỉ còn có khoảng 10 hộ là duy trì nghề dệt truyền thống này để phục vụ gia đình đồng thời làm sản phẩm để bán cho khách du lịch khi có nhu cầu.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch xã Nam Mẫu cho biết: Để gìn giữ và phát huy vốn văn hóa truyền thống quý báu của nghề dệt thủ công truyền thống, cấp ủy chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể như đầu tư kinh phí, triển khai nhiều dự án nhằm bảo tồn nghề dệt thủ công truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết: Hiện nay, tại nhiều địa phương trong tỉnh, nghề dệt thủ công truyền thống không còn duy trì. Số lượng các nghệ nhân còn rất ít, phần lớn đều đã cao tuổi nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình truyền dạy lại nghề cho con cháu. 

Đa số thế hệ trẻ, con em của đồng bào dân tộc Tày chưa nhận thức rõ được giá trị văn hóa truyền thống quý báu của nghề dệt thủ công truyền thống nên hầu như không biết và không quan tâm đến nghề dệt, số lượng người theo học và thực hành nghề không nhiều. Đồng thời, mẫu mã, hoa văn, màu sắc của các sản phẩm dệt thủ công chưa thực sự phong phú, đa dạng nên chưa đáp ứng được thị hiếu của người sử dụng...

Đức Hiếu
.
.
.