Lệch chuẩn ở những công trình tín ngưỡng trùng tu, xây mới

Thứ Năm, 31/12/2015, 10:51
Rất nhiều công trình sau khi tu bổ đã không quay trở lại được hình dạng ban đầu, thậm chí, nó còn vượt ra ngoài những quy chuẩn chung trong phong cách kiến trúc của tôn giáo, tín ngưỡng.


Trải qua lớp bụi thời gian, đến nay, nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta đã bị xuống cấp hay hư hỏng nặng. Vì vậy, việc trùng tu hay xây dựng lại là một nhu cầu thiết thực. 

Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau nên dẫn đến tình trạng, rất nhiều công trình trong số đó không quay trở lại được hình dạng ban đầu, thậm chí, nó còn vượt ra ngoài những quy chuẩn chung trong phong cách kiến trúc của tôn giáo, tín ngưỡng đó.

Theo Tiến sĩ Tạ Quốc Khánh, Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL), có thể tạm chia những công trình tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta theo hai nhóm: những công trình chỉ còn là chứng tích lịch sử và những công trình vẫn đang phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân.

Ở nhóm thứ nhất, có thể nhắc đến các phế tích chùa – tháp của người Thái hiện còn rải rác ở các tỉnh như Sơn La, Điện Biên hay hầu hết các phế tích đền tháp Chăm (trừ một vài nhóm đền tháp Chăm như Po Nagar, Po Klaung Garai vẫn được sử dụng cho nhu cầu tín ngưỡng hiện nay của người dân). Đây là những công trình không còn đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống tín ngưỡng hiện nay. Những công trình này chỉ có thể được coi như những chứng tích lịch sử của một thời đã qua nên trong thực tế, tại các chứng tích này, người ta không xây hay phục dựng lại những công trình cũ.

Việc trùng tu, tôn tạo hay thậm chí là xây dựng mới cơ bản là nằm ở nhóm những công trình tín ngưỡng, tôn giáo vẫn đang phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân. Hầu hết các đình, chùa, đền, miếu đều thuộc nhóm này. Đây vừa là di tích, vừa là công trình tín ngưỡng công cộng, hằng ngày vẫn đáp ứng một lượng người nhất định tới hành hương, lễ bái hay du lịch tâm linh. Đặc biệt là trong mỗi dịp lễ hội, nhiều công trình thu hút lượng khách khổng lồ như chùa Hương, khu danh thắng Yên Tử… Vì vậy, bên cạnh những công trình tôn giáo, tín ngưỡng sẵn có, nhu cầu phải xây dựng bổ sung các công trình phụ trợ để phục vụ nhu cầu của nhân dân là hết sức cần thiết.

Sư tử đá ngoại lai tại Thiền viện.

Cũng theo TS Tạ Quốc Khánh, thông thường, việc xây mới trong các công trình tôn giáo, tín ngưỡng có những dạng sau: Xây thêm các hạng mục để bảo vệ công trình gốc như xây nhà che bia, nhà để đồ tế khí (chuông, kiệu rước…); bổ sung những hạng mục còn thiếu nhưng cần thiết để cải thiện, đáp ứng nhu cầu sử dụng như xây lầu Quan Âm, xây bàn thờ Mẫu, ban thờ hậu, tháp Phật…; khôi phục các thành phần đã bị hủy hoại, mất mát…

Bên cạnh đó, còn có việc xây mới cả công trình khi công trình cũ đã bị phá hủy hoàn toàn nhưng nhân dân địa phương vẫn có nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên xây dựng ra sao, kiến trúc như thế nào cho hài hòa, phù hợp thì không phải công trình nào cũng làm được.

Có một thực tế khá phổ biến đó là ở nhiều địa phương, do việc sao chép mẫu mã công trình mà không có sự nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo trong thiết kế khiến nhiều công trình có kiểu dáng na ná nhau như cùng một mẫu cổng chùa, đền thì lại được xây dựng đại trà ở nhiều nơi hoặc đem mẫu cổng chùa xây dựng ở đền.

“Bên cạnh đó, còn xuất hiện hiện tượng không tôn trọng ngôn ngữ kiến trúc vùng, miền khiến tình trạng xuất hiện ngày một nhiều những ngôi chùa, đền có kiểu dáng kiến trúc ở đồng bằng Bắc Bộ tại miền Trung, miền Nam và ngược lại”- TS Khánh cho biết.

Thêm vào đó là việc tô son, đắp vẽ những mẫu hoa văn xa lạ; đưa tượng thờ, linh vật ngoại lai vào trong công trình; lạm dụng vật liệu xây dựng, trang thiết bị hiện đại như sơn tượng bằng sơn công nghiệp, lắp đèn điện tử trên tượng…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có vấn đề hạn chế về hiểu biết văn hóa, tín ngưỡng của những người có trách nhiệm quản lý, bảo vệ các công trình này. Ngoài ra, đội ngũ tư vấn, thi công cũng không có hiểu biết tường tận dẫn đến việc làm sai lệch kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng.

Bên cạnh đó, những quy định liên quan đến lĩnh vực tôn tạo, xây mới các công trình tôn giáo, tín ngưỡng đã có khá nhiều nhưng còn thiếu hệ thống, thiếu đồng bộ, dẫn đến việc thực hiện chức năng quản lý ở nhiều địa phương cũng khác nhau. “Ví dụ như đối với các ngôi chùa, thì sư tăng và hoạt động Phật sự do Giáo hội Phật giáo quản lý nhưng vấn đề sử dụng và bảo vệ công trình lại do ngành văn hóa quản lý. Vì thế mới có những trường hợp, có công trình được xây lên do sự cho phép của ban, ngành này nhưng đối chiếu sang lĩnh vực quản lý của ban, ngành khác thì lại sai phạm” – TS Khánh lý giải.

Trong những năm gần đây, hiện tượng lệch chuẩn, nhận thức sai lệch về vai trò, sức mạnh của thần linh cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều. Bằng chứng là hiện tượng rải tiền công đức khắp nơi, đốt vàng mã tràn lan, tranh cướp ấn, cướp lộc… gây bức xúc cho xã hội. Vì vậy, bên cạnh việc chấn chỉnh những vấn đề nhức nhối này, thì việc xây dựng, tu bổ các công trình tôn giáo, tín ngưỡng cần phải được quản lý chặt chẽ, khoa học để bảo vệ được giá trị tôn nghiêm cho bản chất mỗi công trình tôn giáo, tín ngưỡng.

Vũ Cảnh
.
.
.