Đưa sách Việt ra “biển lớn”:

Làm thế nào để không dừng ở… giấc mơ

Thứ Hai, 18/09/2017, 09:28
Có thể nói, giấc mơ đưa sách Việt ra thế giới để giới thiệu nền văn học Việt Nam, giới thiệu những nét hay, đẹp của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam chưa bao giờ tắt.

Không dưới chục hội thảo, tọa đàm, hội nghị để tìm hướng đi cho sách Việt được đưa ra nhưng cho đến nay điều ấy vẫn chỉ là… giấc mơ.

Dạo một vòng các nhà sách lớn tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi dễ dàng nhận thấy quầy các tác phẩm nước ngoài được nhập vào khá phong phú và đa dạng ở tất cả các thể loại nhất là văn học và kỹ năng sống. 

Ngược lại, ở nước ta chỉ vài nhà văn, đếm trên đầu ngón tay là có sách được các NXB nước ngoài mua bản quyền như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Tô Hoài, Nguyễn Ngọc Thuần,… “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được NXB Nanmee Books của Thái Lan ký hợp đồng chuyển ngữ sang tiếng Thái, sau đó lại được NXB Dasan Books của Hàn Quốc tiếp tục mua bản quyền dịch sang tiếng Hàn và phát hành tại Hàn Quốc đã trở thành sự kiện đình đám trong làng sách Việt. 

Tiếp đó là sự kiện “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (chuyển ngữ sang tiếng Hàn), được NXB Asia Publishers ấn hành tại Hàn Quốc…

Độc giả lựa chọn sách.

Mong ước đưa sách Việt để quảng bá giới thiệu tới bạn bè khắp năm châu luôn là niềm ấp ủ của các thế hệ viết sách, xuất bản sách và người yêu sách Việt. 

Tuy nhiên cứ lần lượt hết hội sách này đến hội sách khác trên trường quốc tế, sách Việt không thực hiện được giấc mơ của mình. Tại hội chợ sách lớn nhất thế giới được tổ chức tại Frankfurt (Đức) vào cuối năm 2016, gian hàng Việt Nam chỉ dừng lại ở giới thiệu hình ảnh, văn hóa, con người, còn không bán được bản quyền trong khi hàng ngàn đơn vị xuất bản của hàng trăm quốc gia đến để giao dịch bản quyền sách. 

Trước đó, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, một hội sách quốc tế cũng đã diễn ra nhưng kết quả sách Việt cũng không thể bán được bản quyền. Gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam cũng thành lập Trung tâm Dịch thuật văn học Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga, song sức lan tỏa chưa thực mạnh. Vì thế, có thể nói sách Việt “xuất ngoại” vẫn chỉ là giấc mơ… 

Các cá nhân khác cũng nhiệt tình nhập cuộc, nổi bật có Chibooks với việc nhận làm đại diện cho gần 20 nhà văn với trên 100 tác phẩm để chào bán bản quyền. Nhưng dự án của Chibooks cũng nhanh chóng thất bại.

Anh Đỗ Hoàng Minh, một người làm nghề xuất bản sách có tiếng trong làng xuất bản của TP Hồ Chí Minh chia sẻ, xuất khẩu sách Việt, ngoài việc giới thiệu đến bạn bè thế giới những tác phẩm văn học hay, lạ của Việt Nam thì đó còn là cách làm du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam hay nhất, bởi trong mỗi tác phẩm văn học đều in đậm dấu ấn văn hóa của mỗi quốc gia, vùng miền vì vậy anh cũng như rất nhiều người yêu sách khác của Việt Nam, chưa nói đến là những người làm trong công tác xuất bản sách rất mong mỏi sách Việt có được chỗ đứng trên thị trường sách quốc tế. 

Là một người đọc sách lâu năm, anh cho biết thêm, cái khó nhất là thị hiếu của người đọc ở mỗi quốc gia mỗi khác nhau vì nó còn gắn với các yếu tố như về điều kiện tự nhiên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa thế nên chúng ta không thể áp đặt sở thích hay “gu” của người làm sách lên bạn đọc. Nói thì dễ nhưng vô cùng khó để có được một cuốn sách bán được bản quyền. 

Ở một khía cạnh khác anh Minh nhấn mạnh, ngoài việc nội dung tác phẩm thì ở khâu quảng bá, tiếp thị sách ra ngoài thế giới chúng ta cũng vẫn đang còn yếu. Lý giải thêm cho điều này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản cho biết thêm, một trong những nhược điểm là các bản in sách của chúng ta chưa đạt chuẩn quốc tế, chưa đăng ký các chỉ số quốc tế. Tiêu chuẩn về giấy, mực in… chưa được coi trọng và quan trọng hơn cả là sách cần nhận được sự hỗ trợ của nhà nước trong việc quảng bá, giới thiệu, đưa sách ra nước ngoài…

“Để có thể xuất bản được sách ra nước ngoài thì chúng ta phải đầu tư để tìm hiểu xem độc giả ở mỗi nước thích đọc những thể loại gì, mình sẽ tập trung khai thác vào các đề tài được độc giả quan tâm. Bên cạnh đó không ngừng quan tâm tới khâu in ấn, quảng bá tác phẩm. Chỉ có như vậy sách Việt mới có thể vươn được ra biển lớn”, một chuyên gia chia sẻ. 

Hải Âu
.
.
.