Ít nơi quan tâm đến giá trị thực của lễ hội

Thứ Sáu, 24/02/2017, 17:45

Ngày 24-2, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Đinh Dậu 2017. Tại đây, những tồn tại của lễ hội đã được thẳng thắn nhìn nhận.


Theo đánh giá chung của Bộ VH-TT&DL, hoạt động lễ hội đầu xuân Đinh Dậu năm 2017 diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa, từ lễ hội có quy mô lớn đến các lễ hội quy mô nhỏ trong phạm vi làng, xã. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, linh thiêng, thành kính, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân, những hạn chế từ những năm trước đến nay cơ bản đã được khắc phục.

Tuy nhiên, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu xuân Đinh Dậu năm 2017, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn; còn biểu hiện thương mại hóa, vi phạm các quy định về quan lý và tổ chức lễ hội như: Hội thi chọi trâu không phép ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang và Hội chọi trâu huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái; việc tổ chức “khai ấn”, “phát ấn” tại lễ hội xuân Đinh Dậu của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh…

Quang cảnh hội nghị.

Ngoài ra, một số di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa kịp thời, hàng quán kinh doanh có nơi còn lộn xộn, tình trạng kinh doanh trò chơi có thưởng có tính cờ bạc còn diễn ra ở nhiều lễ hội.

Tại buổi sơ kết, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định, những tồn tại và hạn chế của lễ hội hiện nay đang mang tính “truyền thống”. Trong đó, thực tế rõ nhất là là khi tổng kết hội, BTC chỉ quan tâm đến số lượng khách tham gia và doanh thu đạt được chứ ít nơi quan tâm đến giá trị thực của các lễ hội. Ngoài ra, hầu hết công tác thanh tra kiểm tra năm nào cũng có, nhưng quá trình làm việc thì thường khen nhiều hơn chê.

Phó GĐ Sở VH-TT&DL Phú Thọ - Nguyễn Đắc Thủy cho rằng phản ánh về việc tranh cướp bạo lực tại Hội Phết xã Hiền Quan (Phú Thọ) là do ý thức của nhân dân chưa cao. Nguyên nhân là do lễ hội chỉ diễn ra trong làng, giờ đã lan sang vùng. Mặc dù có diễn trường, hàng rào, an ninh tốt nhưng việc tranh cướp đã diễn ra không đúng như mong đợi.

Lễ hội cướp phết ở Hiền Quan, Phú Thọ (Ảnh: TTXVN).

Trước đây, phết được tranh cướp bằng gậy, qua biến đổi của thời gian và sự đồng ý của cộng đồng nên chuyển sang cướp phết bằng tay. BTC đã chọn 100 trai làng, chia thành 2 đội xanh, đỏ. Tuy nhiên, màn cuối gay cấn dân phá bỏ hàng rào, không đúng như kịch bản dự kiến.

Trước vấn đề nên hay không nên thương mại hóa trong lễ hội, ông Nguyễn Vũ Phan – Quyền Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tuyên Quang phân tích, nếu chọi trâu cấm thì phải cấm toàn quốc, không thể chỗ này là di sản thì tổ chức, chỗ kia đánh giá là bạo lực, phản cảm thì cấm. Tổ chức chọi trâu bản chất là sinh hoạt văn hóa có sự thắng thua và việc bán thịt trâu chọi sau đó là hết sực bình thường. Ở đây chúng ta cần tính đến cả yếu tố thương mại bởi hiện nay con trâu không còn là đầu cơ nghiệp. Chuyện mua bán thịt trâu tươi giờ vẫn diễn ra hàng ngày.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Khen, thưởng, kỷ luật, kiểm điểm, phải nghiêm minh, rõ ràng, minh bạch. Cần rút ra bài học, có phương án xử lý, nếu không, quản lý lễ hội sẽ luôn luôn ở giải pháp tình thế. Trong đó điều gì phản cảm của năm ngoái năm nay phải khắc phục, còn khắc phục triệt để cần thời gian. Về lâu dài, cần có nghiên cứu để hài hòa các hình thức lễ hội, phù hợp với văn hóa, môi trường hiện đại mà vẫn giữ được giá trị truyền thống.
Thảo Thảo
.
.
.