Khi Đức Trí hẹn hò ngày tháng cũ

Thứ Năm, 23/06/2016, 15:19
Đó là một cuộc hẹn của Đức Trí, của Hương Lan, của Thái Châu với một thời đã xa nhưng đôi khi ngoảnh lại, với lấy bàn tay, ta vẫn tưởng như đang rất gần đấy thôi...


Trong trào lưu trở lại của LP vinyl (đĩa than, đĩa nhựa) của thế giới khoảng chục năm nay, sự hợp tác giữa Gia Định Audio và MusicFaces, dưới bàn tay “phù thủy” của nhạc sỹ Đức Trí, đã trở thành một thương hiệu vinyl Việt Nam thực sự. 

Với chuỗi sản phẩm chất lượng, luôn cháy hàng và được săn lùng, sưu tập bao gồm các LP “Lặng lẽ tiếng dương cầm” (tuyển tập Nguyễn Ánh 9); “Ngàn thu áo tím”; “Một thời đã xa”, thương hiệu đó đã khẳng định rằng họ không chỉ là tiên phong mà còn là nhà sản xuất hàng đầu trên thị trường vinyl Việt.

Và như thói quen, cứ mỗi dịp mùa Hè hàng năm, thương hiệu ấy lại cho ra mắt một xuất phẩm tạo hiệu ứng chờ đợi đối với cộng đồng chơi đĩa than đang ngày một mở rộng hơn. Mùa hè 2016 này, xuất phẩm của Music Faces và Gia Định Audio là một tập hợp những tình ca gợi nhớ thực sự, khiến những người hoài cổ sẽ được trở về với quá khứ đúng nghĩa trong một không gian âm nhạc tinh tế, với tên gọi rất đỗi thân quen: “Chuyện hẹn hò”.

Bìa trước album Chuyện Hẹn Hò 

Chúng ta đã từng quá quen với giọng ca của Hương Lan và Thái Châu qua những cuốn băng casette suốt thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Hôm nay, khi những nghệ sỹ ấy đã ở vào độ tuổi “làm ông, làm bà” rồi, Đức Trí đã tái hiện lại sức sống mãnh liệt của dòng nhạc họ theo đuổi cũng như tiếp tục giới thiệu nguồn năng lượng nghệ thuật dồi dào của hai tên tuổi đó trong một hợp tuyển những bản tình ca bolero lừng danh xưa nay. 

Không lựa chọn cách làm mới một cách khiên cưỡng dòng nhạc đã quen thuộc với rất đông người thưởng thức Việt Nam; cũng không lựa chọn lối cách tân bằng thứ âm thanh nịnh tai của thời kỹ thuật số, Đức Trí trở về với không khí thuần chất nhất của bolero ngày xưa, của cái thuở “xập xình” như hơi thở của Sài Gòn những thập niên rất cũ, giai đoạn (1960 – 1970. 

Đó chính là lối hoà âm phối khí đơn giản (nhưng không dễ dãi); sử dụng tiếng guitar clean đúng nghĩa và mộc mạc để chú trọng tối đa vào giọng ca và cảm xúc từ những câu chuyện mà giọng ca ấy truyền tải; điểm xuyết thêm những thang âm sang trọng của dàn kèn (saxophone; trompette…) để các bản ghi âm mang màu sắc thị thành đúng nghĩa. 

8 ca khúc được lựa chọn trong xuất phẩm “Chuyện hẹn hò” là những tác phẩm của 7 nhạc sỹ khác nhau như Lam Phương, Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, Hoàng Thi Thơ (người duy nhất có hai ca khúc được lựa tuyển) và nếu chúng ta dành một khoảng lặng cho riêng mình, thận trọng đặt chiếc vinyl ấy lên mâm đĩa, thận trọng đặt kim lên mặt đĩa và chờ đợi âm thanh cất lên, chúng ta sẽ nhận ra rằng: Có một thời của mình nằm trong đó…

Bìa sau album Chuyện hẹn hò 

Sự khắt khe trong sản xuất luôn được Đức Trí đề cao tối đa và việc kiểm tra nhiều lần các bản ghi âm ở nhiều không gian nghe nhạc khác nhau cũng đã được Trí thực hành như lệ thường mỗi lần anh sản xuất một dự án âm nhạc nào đó. Nhưng riêng với “Chuyện hẹn hò”, dường như sự khắt khe ấy còn tăng lên gấp bội phần bởi Hương Lan và Thái Châu là những nghệ sỹ Đức Trí vô cùng trân trọng, nể phục không chỉ bởi chuyên môn trong nghề mà còn bởi kinh nghiệm dày dạn của họ trên sân khấu, trong phòng thu suốt mấy chục năm nay. 

Trí thực sự muốn “Chuyện hẹn hò” trả lại cho khán giả đúng một Hương Lan, một Thái Châu vàng son mà họ từng mến mộ, đặc biệt là ở trong giai đoạn ngành sản xuất âm nhạc đang quá lạm dụng những kỹ nghệ điện tử như hôm nay. Các bản ghi âm đều được thực hiện kỹ lưỡng, thu cùng ban nhạc để tạo cảm xúc cho Hương Lan và Thái Châu khi bước vào phòng thu chứ không phải dễ dãi theo kiểu “thu nhạc trước rồi ca sỹ thu âm giọng ca sau”. 

Sự đồng hành giữa ca sỹ và các nhạc công trên từng bản ghi đã mang lại hiệu ứng khác hẳn cho “Chuyện hẹn hò” khi nó giữ tròn vẹn được xúc cảm trên sân khấu của người nghệ sỹ đồng thời lại bảo toàn sự chặt chẽ, tinh tế, kỹ lưỡng trong kỹ thuật âm thanh. Với những ca khúc như “Nỗi buồn hoa phượng”; “Thu sầu”; “Sầu lẻ bóng”; “Đà lạt hoàng hôn”; “Không bao giờ quên anh”; “Đường xưa lối cũ”…, LP “Chuyện hẹn hò” đã thực sự mang lại một cuộc hẹn hò với những ngày tháng cũ cho những ai hoài cổ, cầu kỳ trong việc lựa chọn cách thưởng thức âm nhạc. 

Đó chính là những ngày tháng của tuổi thanh xuân mà mỗi khi ngoái lại, có thể ta sẽ vẫn thấy man mác buồn mỗi khi vào hè vì phải chia tay những người bạn học, hoặc có khi ta nhận ra mình đứng một mình giữa một buổi chiều mà không thấy người thương tới nơi hò hẹn… T

ất cả những hoài niệm trân qúy ấy chính là câu chuyện của mỗi cuộc đời, giữa cả cuộc đời, rất chung nhưng cũng rất riêng, câu chuyện mà ngày nay, những dự án âm nhạc dường như không còn quan tâm tới nữa, bởi sự chủ quan của những người sản xuất luôn muốn hướng tới một thế hệ mới “không thích lòng vòng”.

Chút lãng mạn còn sót lại ấy có lẽ không chỉ là cuộc hẹn của những người yêu nhạc xưa với Sài Gòn ngày tháng cũ mà nó cũng là cuộc hẹn của Đức Trí, của Hương Lan, của Thái Châu với một thời đã xa nhưng đôi khi ngoảnh lại, với lấy bàn tay, ta vẫn tưởng như đang rất gần đấy thôi. Có chăng, chỉ là miệt mài với đời sống ngoài kia, nhiều khi chính chúng ta, đi, lạc mất…

Hà Đan Nguyên
.
.
.