Khai mạc Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu - Hà Nội 2017

Thứ Sáu, 10/11/2017, 08:35
Ngày 9-11, tại đền Rừng (quận Long Biên, Hà Nội), Sở Văn hóa – Thông tin (VH-TT) Hà Nội phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức khai mạc Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu - Hà Nội 2017.

Với chủ đề “Thực hành nghi lễ hầu đồng cổ truyền và những nét đổi mới trong xã hội đương đại trên địa bàn Hà Nội”, Liên hoan là hoạt động văn hóa truyền thống nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt”. 

Liên hoan có sự tham gia của 29 thanh đồng đến từ Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn. Đây cũng là các vị Thủ nhang, Đồng đền tiêu biểu, là những người nhang đăng sớm tối tại các cung đài, sở điện.

Phát biểu tại lễ khai mạc, TS Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội cho biết, đây là đợt sinh hoạt chuyên đề nhằm tiếp tục tìm hiểu, làm sáng tỏ về nguồn gốc, đặc điểm và giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. 

Hơn nữa, qua giao lưu diễn xướng hầu đồng - nghi lễ quan trọng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, đã khẳng định hồn cốt của hầu đồng cổ truyền và nhận thức được một số đổi mới cần thiết của nghi lễ này trong đời sống xã hội đương đại. Nhất là trên địa bàn Hà Nội, nơi diễn ra hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu - hầu đồng rất sôi động, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý đúng đắn để giữ gìn, phát huy giá trị của di sản.

Một tiết mục biểu diễn tại Liên hoan.

Ông Lưu Minh Trị cũng cho rằng, qua một năm tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, xác định cũng như định hướng cho những người thực hành tín ngưỡng. 

Đây là thời kỳ quá độ để nhận diện định hướng, tìm ra những nét chung nhất, chuẩn mực nhất để cùng thực hiện nghi lễ này sao cho trang nghiêm, không lãng phí, thể hiện nét đẹp chân, thiện, mỹ trong tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung.

Trong 4 ngày tổ chức diễn xướng hầu đồng (từ ngày 9 đến 12 - 11), các thủ nhang, thanh đồng mang đến Liên hoan gần 90 giá đồng. Sau mỗi buổi hầu, BTC cùng các thanh đồng đều trao đổi, góp ý về chuyên môn, góp ý với đội cung văn về lời ca, âm nhạc nhằm bảo tồn, phát huy nét đẹp trong nghi lễ hầu đồng cổ truyền và những đổi mới phù hợp với xã hội đương đại.

Trong khuôn khổ Liên hoan còn diễn ra hội thảo khoa học “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – Nhận diện, bảo tồn và phát triển” tổ chức tại Di tích đình - đền Hào Nam, quận Đống Đa. Lễ tổng kết Liên hoan sẽ khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho liên hoan.

Vũ Cảnh
.
.
.