“Hamlet” sẽ gây bão sân khấu nước nhà?
Thành công của vở diễn dường như vượt quá sức mong đợi, được các nhà biên kịch, phê bình đánh giá là một tác phẩm hoàn hảo cả về đạo diễn lẫn diễn xuất của diễn viên, một vở diễn khác tất cả các vở “Hamlet” từng có khi rất Việt mà vẫn rất Shakespeare. Đây là dấu hiệu vui trên con đường tìm lại tên tuổi Nhà hát hàng đầu bằng tái dựng các vở kinh điển. Nhân dịp này, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Anh Tú.
NSƯT Anh Tú. |
+ Làm một tác phẩm kinh điển của sân khấu thế giới đã có nhiều đạo diễn lớn dàn dựng, anh có thấy áp lực hay gặp khó khăn gì khi mỗi vở “Hamlet” đều mang thông điệp riêng, gửi gắm riêng của đạo diễn?
NSƯT Anh Tú: Tôi chỉ có áp lực duy nhất là làm sao để vở diễn của tôi phải đúng là của tôi và hấp dẫn. Với vở diễn này, tôi phải làm công tác biên tập, phải cắt, vì diễn theo kịch bản gốc dài 4-5 tiếng, còn ở Việt Nam không dài quá 2 tiếng. Thứ nữa là tôi diễn cho người Việt xem, nên phải đưa những nét văn hóa Việt Nam vào, như tiếng trống, trò diễn xướng dân gian Xuân Phả. Tuy nhiên, có những cái tôi chưa làm được: Diễn viên phải hát thật ca khúc về tình yêu, dù nhạc sĩ Giáng Son đã viết xong 2 ca khúc.
+ Với Hamlet, anh muốn mang đến cho khán giả điều gì?
NSƯT Anh Tú: Một trong những tư tưởng chủ đề của vở diễn mà tôi khai thác là lôi những góc tăm tối của con người để đối diện với nó và tiêu diệt nó. Một Hamlet mà những tăm tối trong mỗi con người được phơi bày một cách chân thực; một Hamlet dũng cảm đối đối diện với cái ác và quyết liệt tiêu diệt đến tận cùng tội ác mặc dù phải trả một giá rất đắt. Mình không tự tiêu diệt thì cũng có luật nhân quả, không thể tránh được. “Tiền có thể mua chuộc được công lý nhưng trên cao xanh kia thì dối lừa sao được?” Làm sao có thể dối trá với lương tâm của mình. Tinh thần nhân văn, tính thời đại của Shakespeare chính là ở đó. Vì thế, tôi khai thác rất sâu phần độc thoại hay phần kết. Con người luôn luôn mới với những góc khuất tăm tối, tội ác, nên đầy ắp cái để khai thác, sáng tạo và đó là cái cơ bản để tôi dàn dựng Hamlet lần này.
Cảnh trong “Hamlet”. |
+ Anh chọn thông điệp trên để chuyển tải có phải vì xã hội hôm nay cần thế, và anh muốn trong vở diễn phải có tính thời sự?
NSƯT Anh Tú: Đương nhiên. Dựng vở cho khán giả Việt Nam của thời hôm nay xem, tôi phải nói được vấn đề thời đại hôm nay, mặc dù bối cảnh cách đây nhiều trăm năm và ở châu Âu.
+ Đây là một vở diễn hoàn hảo hiếm có, đặc biệt là sự sáng tạo của đạo diễn. Phần thiết kế sân khấu chuyển động rất mới mẻ đã mang lại hiệu quả cao, tạo được nhiều bất ngờ cho người xem, như lớp về cái chết của Ôphêlia quá thẩm mỹ, các phần thể hiện tâm lý nhân vật hay chiếc ghế quyền lực mà Clôđiut dùng độc thoại. Đây là ý tưởng của anh hay NSND Doãn Châu?
NSƯT Anh Tú: Ngay từ đầu tôi đã bàn với NSND Doãn Châu phải có sân khấu động, thay vì trang trí bục bệ để minh họa. Khuynh hướng đạo diễn của tôi đã thế, lại gặp sức sáng tạo ở một họa sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm nhưng rất trẻ trung của NSND Doãn Châu nên hợp tác rất tốt. Tôi sẽ cố gắng tối đa để có những sân khấu động như thế.
+ Với sân khấu động này, anh đã giải quyết được những vấn đề gì mà sân khấu tĩnh không làm được?
NSƯT Anh Tú: Rất nhiều điều cần nói, đặc biệt là xử lý về không gian, trong các tuyến quan hệ, trong ý tưởng của vở mà phải sân khấu động mới nói hết được. Trông đơn giản nhưng phải làm khá kỳ công. Tuy nhiên, do sân khấu của mình nhỏ, mà công nghệ sân khấu của ta chưa hiện đại, nên tôi chưa thể thể hiện được điều mình muốn nói. Tôi muốn sân khấu phải chuyển động nhiều hơn nữa.
+ Tuấn Minh đã thể hiện một Hamlet rất … Hamlet, khiến mọi người đều phải trầm trồ vì vai diễn như “lên đồng” ấy. Anh lựa chọn diễn viên theo tiêu chí nào?
NSƯT Anh Tú: Trước hết phải hợp vai, không nhất thiết diễn viên đã từng làm những vai như thế, mà là tôi tưởng tượng ra. Chọn Tuấn Minh cho vai Hamlet vì đây là một trong diễn viên xuất sắc, tham gia vai chính thành công trong nhiều vở kịch.
+ Câu “to be or not to be” vẫn khiến nhiều người tranh cãi. Còn anh hiểu câu đó thế nào để khai thác trong vở diễn này?
NSƯT Anh Tú: “Tồn tại hay không tồn tại?” thực ra là đòi hỏi con người phải quyết liệt đấu tranh với cái xấu. Tôi nghĩ mọi sự đơn giản thế thôi. Tôi không làm phức tạp thêm kịch bản vốn rất phức tạp của Shakespeare, mà chỉ muốn làm một vở diễn mọi người xem và hiểu, đừng có đánh đố nhau, đừng có làm cho ngúc ngoắc khó hiểu thêm. Ví như Hamlet giả điên là chỉ vì sợ chết, vì bản năng sinh tồn, để không bị để ý.
+ Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!