Hai địa phương Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng ký kết bảo tồn di tích Hải Vân Quan

Thứ Tư, 20/02/2019, 18:59

Chiều 20-2, tại TP Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế và UBND TP Đà Nẵng đã ký kết biên bản thỏa thuận thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.



Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế sẽ là cấp quyết định đầu tư, trực tiếp phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện công tác đầu tư, nghiệm thu quyết toán dự án bảo tồn và phát huy giá trị Hải Vân Quan. Riêng về nguồn vốn đầu tư cho dự án, ngân sách tỉnh Thừa Thiên- Huế 50% và ngân sách TP Đà Nẵng 50%, thời gian thực hiện từ năm 2019 đến 2020. Đồng thời 2 địa phương sẽ xây dựng kế hoạch, cơ chế quản lý, duy tu bảo dưỡng, phát huy giá trị di tích này.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế và TP Đà Nẵng ký kết biên bản thỏa thuận thực hiện công tác bảo tồn di tích Hải Vân Quan vào chiều 20-2.

Trước đó, vào năm 2018, Bộ VHTT&DL đã có quyết định cho phép Trung tâm BTDT Cố đô Huế phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan thuộc thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Di tích Hải Vân Quan.

Từ ngày 5-5-2018, các nhà khảo cổ học đã tiến hành thám sát khảo cổ di tích Hải Vân Quan theo quyết định của Bộ VHTT&DL. Các đơn vị khảo cổ đã đào 2 hố sâu 2m xuống lòng đất trên diện tích 100m2 tại vị trí sát chân móng di tích Hải Vân Quan (phía Nam) làm xuất lộ bậc cấp bằng đá, móng cổng Hải Vân Quan thời Minh Mạng và lối đi lên di tích cùng nhiều vết tích khác. Riêng hố đào ở phía Bắc di tích xuất lộ dấu tích con đường thiên lý Bắc Nam về phía Thừa Thiên- Huế. 

Khảo cổ di tích Hải Vân Quan phát lộ nhiều dấu tích quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn.

Đợt khai quật nhằm mục đích làm phát lộ các dấu vết của tường thành, bậc cấp, đồn phòng thủ của Hải Vân Quan để phục vụ công tác nghiên cứu và xây dựng dự án quy hoạch trùng tu tổng thể công trình kiến trúc di tích lịch sử cấp Quốc gia Hải Vân Quan.

Hải Vân Quan được xây dựng từ đời Trần và được trùng tu vào năm Minh Mạng thứ 7-1826. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Đà Nẵng đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Do vướng tranh chấp địa giới hành chính nên di tích Hải Vân Quan rơi vào cảnh hoang phế, xuống cấp. Đến ngày 14-4-2017, Hải Vân Quan đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di tích Lịch sử cấp Quốc gia.



Anh Khoa
.
.
.