Gỡ những nút thắt để phát triển du lịch trực tuyến

Thứ Năm, 27/06/2019, 08:44
10 năm trở lại đây, du lịch trực tuyến từng bước khẳng định là xu thế tất yếu của ngành Du lịch.

Làm thế nào để phát triển du lịch trực tuyến, khai thác tối đa tiềm năng du lịch Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đã được hơn 20 diễn giả nổi tiếng thảo luận, trao đổi cùng 600 đại biểu là nhà quản lý, nghiên cứu, người làm du lịch, công nghệ trong Ngày Du lịch trực tuyến 2019, do Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 26-6.

Du lịch trực tuyến đang bùng nổ. Cụ thể, bán lẻ trực tuyến và du lịch trực tuyến chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ thị trường thương mại điện tử Việt Nam, đạt 3,5 tỷ USD trong tổng số 8 tỷ USD giao dịch thương mại điện tử Việt Nam năm 2018. Dự kiến, con số này sẽ lên đến 9 tỷ USD vào năm 2025...

Có rất nhiều ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp phát triển du lịch trực tuyến.

Kết quả nghiên cứu cuối năm 2018 của Hiệp hội Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA) và Oxford Economic do Google tài trợ cho thấy, tỷ lệ các hộ gia đình tiếp cận Du lịch trực tuyến của 12 nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương thì thấp nhất là Ấn Độ 34%, cao nhất là Nhật Bản 93%, Việt Nam là 66%. Lập kế hoạch đi du lịch và đặt phòng trực tuyến đã phổ biến với 80% các tour du lịch được tổ chức sử dụng các hoạt động trực tuyến.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghiệp 4.0 trong toàn bộ nền kinh tế, trong đó có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch ban hành 2017 đã khẳng định du lịch cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại. Tại Ngày du lịch trực tuyến các diễn giả và đại biểu đã thảo luận chủ đề “Bùng nổ của du lịch trực tuyến”.

Ông Nguyễn Bình Long, Giám đốc Ban công nghệ thông tin Vietravel và ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Gotadi khẳng định sự thay đổi mạnh mẽ từ du lịch truyền thống sang du lịch thời đại số và sự dịch chuyển tất yếu của offline lên online. Bà Nguyễn Thảo Anh, đại diện của Tripi chia sẻ, doanh nghiệp cần phải biết du khách ngày nay trải nghiệm du lịch thế nào. Ông Tuấn Hà, Giám đốc Vinalink thì nhấn mạnh, cần tối ưu hóa tiếp thị số theo hành vi của du khách và đa dạng hóa tiện ích trong trải nghiệm du lịch số…

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù du lịch trực tuyến có vai trò quan trọng trong thương mại điện tử nhưng nguồn nhân lực cho du lịch trực tuyến đang là một trong những nút thắt lớn.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đưa ra nhiều giải pháp cho phát triển du lịch trực tuyến ở Việt Nam. Trong thời gian tới, cần đảm bảo xây dựng được một hệ thống dữ liệu số cho các điểm đến, các sản phẩm du lịch, các dịch vụ và các thông tin cần thiết về Du lịch Việt Nam nhằm cung cấp nền tảng thông tin trực tuyến phong phú nhất cho khách du lịch. Phải đầu tư nâng cao kỹ năng sử dụng nền tảng trực tuyến và quản lý dữ liệu để đảm bảo sự cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, các điểm đến ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đầu tư cho đổi mới dữ liệu du lịch và hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái kỹ thuật số đủ mạnh sẽ tăng cường cơ hội cho các điểm đến và doanh nghiệp, các nhà quản lý trong đó bao gồm phương tiện truyền thông xã hội và nền tảng di động, tạo sự hợp tác giữa bên liên quan để đảm bảo phát triển bền vững.

N.Hoa
.
.
.