Điểm đến du lịch trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Thứ Hai, 20/05/2019, 07:56
Trên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh miền Trung có rất nhiều những địa danh là chiến trường ác liệt năm xưa nay đã trở thành các điểm di tích lịch sử, thu hút số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Việc gìn giữ và phát huy những giá trị các điểm di tích đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ đang là vấn đề đặt ra đối với các địa phương trong khu vực.

Hàng ngàn lượt khách tham quan

Dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận huyện vùng cao A Lưới, Thừa Thiên- Huế, hiện có nhiều di tích, địa đạo gắn liền với những trận đánh oanh liệt của bộ đội, du kích một thời chiến tranh bám giữ đường, đánh giặc. Trong đó phải kể đến hệ thống 11 địa đạo, như A Đon (xã Hồng Quảng); A Nor, A Púc (xã Hồng Kim); Còng A Bó (xã Hương Lâm); A Ting (xã A Roàng); hay 4 hệ thống hang động, gồm: Động Koòng, Koonh Óc, Pâr Lếêch và Tiên Công đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2005.

Trong giai đoạn ác liệt, từ năm 1957 đến năm 1965, để thực hiện âm mưu cắt đứt tuyến đường vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực và quân đội ta từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, Mỹ-ngụy đã cho xây dựng các sân bay quân sự và sân bay dã chiến, như sân bay A Lưới giữa trung tâm A Lưới; sân bay A Cuồn thuộc xã Hồng Thái, sân bay A Co ở xã Hồng Thượng và sân bay A So ở xã Đông Sơn.

Tuy nhiên, các sân bay này đã lần lượt bị lực lượng bộ đội chủ lực và du kích A Lưới đánh phá. Sau ngày đất nước thống nhất, năm 2005, 2 sân bay A So và A Co được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia…

Du khách tham quan Bảo tàng Sân bay Tà Cơn (Khe Sanh, Quảng Trị) bên đường Hồ Chí Minh.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới cho biết thêm, ngoài các di tích kể trên, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện còn có 11 di tích quan trọng khác như đồi A Biah ở xã Hồng Bắc; di tích Km0 đường B45A- Hồng Vân nối đường Hồ Chí Minh từ Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn; di tích Dốc Mèo - Hồng Vân cách đường Hồ Chí Minh 1km là một trong những trọng điểm chủ yếu trên tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh…

Theo bà Thêm, hiện những di tích lịch sử cách mạng nêu trên đang thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có hàng ngàn lượt khách đến A Lưới để tham quan các di tích, thắng cảnh.

Cùng với đó, hằng năm UBND huyện A Lưới còn duy trì tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống Ariêu Car ngay tại nhà văn hóa truyền thống của huyện được xây dựng sát bên di tích sân bay A Lưới. Lễ hội luôn có sự tham gia đông đảo cộng đồng người dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy và thu hút đông đảo du khách đến vui chơi, tham quan.

Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, khoảng 3 năm trở lại đây, loại hình du lịch “trekking” rừng núi để khám phá tuyến đường Hồ Chí Minh và dãy Trường Sơn thuộc địa bàn huyện được nhiều du khách các nước Anh, Đức, Hàn Quốc yêu chuộng.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Schneider, một du khách đến từ nước Đức xa xôi, thổ lộ: “Qua tìm hiểu lịch sử Việt Nam, chúng tôi biết được rằng, những khu rừng thuộc dãy Trường Sơn ở A Lưới từng là đường hành quân của bộ đội Việt Nam và là con đường hậu cần, vận lương, tải đạn trong kháng chiến chống Mỹ nên nhóm chúng tôi rất thích thú khi đi “trekking” khám phá rừng. Dọc đường đi chúng tôi có đến tham quan những căn hầm kháng chiến, những chiến hào, địa đạo trong lịch sử, qua đó các hình ảnh về chiến tranh, những câu chuyện về những trận đánh ở đồi A Biah, về thung lũng A Sầu… đã được tái hiện sinh động”.

Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, 60 năm trước, đường mòn Hồ Chí Minh đi qua các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị, nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975. Ngày nay, đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được xây dựng nối liền các địa bàn còn khó khăn, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Đặc biệt, trên những tuyến đường này, nhiều điểm tham quan, du lịch đã được đầu tư xây dựng, thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan mỗi năm, mang về nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho người dân địa phương.

Cần đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ

Cũng trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua tỉnh Quảng Trị, khách du lịch cũng được tham quan cảnh chợ phiên Cam Lộ, một ngôi chợ này nằm sát bên dòng sông Hiếu lịch sử và đường Hồ Chí Minh nhánh Bắc đi Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và các tỉnh phía Bắc. Đây là khu chợ có tuổi đời 5 thế kỉ.

Lịch sử ghi nhận, từ thế kỉ XVI, nơi đây đã trở thành một trong những trung tâm giao thương sầm uất nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Chợ chỉ họp 6 phiên một tháng vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23 và 28 Âm lịch. Ngoài ra, còn có phiên chợ Tết hằng năm, với không khí rất tấp nập, nhộn nhịp và sầm uất.

Khách du lịch nước ngoài tham gia hành trình “trekking” khám phá đường Trường Sơn.

Rồi từ chợ phiên Cam Lộ, du khách đi theo đường Hồ Chí Minh thêm 27km sẽ đến với Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nơi yên nghỉ của bao anh hùng liệt sĩ từng chiến đấu trên đường Trường Sơn năm xưa. Nghĩa trang là nơi quy tập rất nhiều phần mộ của các thanh niên xung phong, chiến sĩ bộ đội, công an, dân công hỏa tuyến, đã chiến đấu và ngã xuống vì huyết mạch Trường Sơn huyền thoại...

Trên đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Quảng Nam, ngoài những di tích lịch sử, điểm đến Thác Nước ở huyện Phước Sơn là một trong những khu du lịch được đánh giá là tiềm năng để góp phần quan trọng phát triển du lịch trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Nhưng không chỉ Thác Nước, theo ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, dọc theo trục đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Phước Sơn, cùng với di tích lịch sử như Tượng đài chiến thắng Khâm Đức, các điểm du lịch được quy hoạch, như Trạm dừng chân và khu du lịch Hồ Mùa Thu, suối nước nóng Đăk Gà và cách đường Hồ Chí Minh khoảng 2km là Khu du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Đăk Mi… đang được huyện Phước Sơn và tỉnh Quảng Nam kêu gọi doanh nghiệp đầu tư để phát triển du lịch, với phương châm là phát triển du lịch sinh thái gắn với quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện; mục tiêu xây dựng điểm tham quan, du lịch sinh thái, dừng chân, nghỉ dưỡng kết nối các tour du lịch giữa đồng bằng duyên hải miền Trung với Tây Nguyên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, cho biết, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch phát triển du lịch ở các địa phương miền núi của tỉnh, trong đó có tuyến đường Hồ Chí Minh. Thời gian tới, công tác xúc tiến đầu tư du lịch và mở các điểm du lịch dọc tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ được chú trọng; trong đó có sự liên kết vùng để phát triển du lịch trên toàn tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại năm xưa…

Anh Khoa – Thanh Bình – Ngọc Thi
.
.
.