Để hồi sinh điệu hò sông Mã

Thứ Năm, 06/07/2017, 08:46
Hò sông Mã như là biểu tượng, là tâm hồn, kết tinh của quê hương, xứ sở, trải qua hàng mấy trăm năm kể từ khi cái tên Thanh Hóa chính thức ra đời. Nhưng cùng với thời gian, những điệu hò, điệu hát trên sông dần bị lãng quên bởi nhiều nguyên do.

Không ai biết hò sông Mã có tự khi nào, chỉ biết rằng chính con sông quê hương ấy đã ban tặng xứ Thanh một kho báu quý giá, đó là nghệ thuật hò sông Mã. 

Ngày trước, khi chưa có đường giao thông thuận tiện như bây giờ, sông Mã và những con đò gỗ (đò dọc) chính là phương tiện duy nhất để người dân 16 huyện miền xuôi, miền ngược dọc 2 bờ sông Mã giao thương, trao đổi hàng hóa. 

Công việc chèo đò hết sức vất vả, nhất là những chuyến đò ngược, để qua những đoạn thác, những khúc quanh của thượng nguồn sông Mã, các trai đò phải ráng hết sức để chống sào đẩy thuyền đi ngược dòng. 

Chính môi trường lao động, cũng như cuộc sống và nếp sinh hoạt trên những con đò dọc ấy đã trở thành nguồn cảm hứng để những câu hò nảy nở, sinh sôi. Lời ca tiếng hát đã làm vơi đi những mệt nhọc đường trường, cuốn hút mọi người say mê làm việc, tương trợ lẫn nhau, cùng nhau đẩy con thuyền đi nhanh hơn. 

Ví như: "Lênh đênh đôi chiếc thuyền tình/Ngược xuôi xuôi ngược có mình có ta" (Hò cập bến). Hay: "Thuyền anh mắc cạn ở đây/Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền" (Hò mắc cạn); "Trách mình chẳng trách ai đâu/Trách con sào cạn sông sâu khó dò" (Hò mắc cạn)...

Cuộc sống, sinh hoạt trên những con đò dọc là nguồn cảm hứng để những câu hò nảy nở, sinh sôi. 

Theo các nhà nghiên cứu, hò sông Mã có gần hai chục làn điệu, mỗi làn lại có nhiều lời khác nhau, luyến láy vô định, không một nốt nhạc nào theo được. Hầu hết các điệu hò sông Mã được hát theo lối xướng - xô, đối - đáp. 

Sau câu bắt nhịp của người cầm cái, các trai đò sẽ phụ họa theo, chủ yếu là những câu ngắn như: “dô tả, dô tà”, “dô khoan, hò khoan”... Nếu "Hò rời bến" phải vang, nhộn nhịp, khẩn trương mời khách xuống thuyền thì "Hò ngược thác" lại tỏ rõ sự nặng nhọc, vất vả của tốp trai đò khi chống sào đẩy thuyền ngược dòng nước, cả câu xướng và xô trong Hò ngược thác đều gắn gọn. 

Khi qua đền, qua chùa, các trai đò cất lên "Hò niệm phật" êm ái, nhẹ nhàng, cầu mong chuyến đi thuận buồm xuôi gió. Khi thuyền đi sai lạch, vào bãi cát ngầm, trai đò vừa "Hò mắc cạn", vừa lội xuống nước dùng sức vác thuyền hoặc dùng dây kéo thuyền qua chỗ sa lầy. 

Cùng với điệu hò khoan nhặt, lúc nặng nhọc, lúc miên man, tiếng mái chèo khua nước, tiếng chân giậm rộn rã xuống ván thuyền của trai đò đã tạo cho hò sông Mã nét khác biệt, độc nhất vô nhị. Đây chính là nét độc đáo nhất của hò sông Mã bởi tiếng giậm chân rộn rã lên mặt ván thuyền gắn với những giai điệu uyển chuyển nghe như nền đệm của nhạc cụ gõ. 

Có nhà nghiên cứu đã khẳng định: "Âm nhạc Hò sông Mã mang những nét đặc sắc rất riêng và vô cùng “đậm đà bản sắc dân tộc”. Hò sông Mã là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Hình thức diễn xướng dân gian này không chỉ nhằm bộc lộ nỗi lòng mình với quê hương đất nước, mà còn nhằm làm giảm bớt những gánh nặng nhọc nhằn trong cuộc sống.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hò sông Mã đã theo các đoàn dân công đi tiếp lương, tải đạn, các đoàn thuyền nan và được ứng dụng cả trong hành trình kéo pháo vào trận địa, để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Ngoài ra, hò sông Mã còn là nguồn cảm hứng, là chất liệu để các nhạc sỹ sáng tác nhiều ca khúc mang đậm âm hưởng hò sông Mã như tác phẩm: "Thanh Hóa anh hùng" (Hoàng Đạm), "Chào sông Mã anh hùng" (Xuân Giao), "Hát mừng các cụ dân quân" (Đỗ Nhuận), "Yêu người Thanh Hóa" (Đoàn Bổng), "Về làm dâu sông Mã" (Đồng Tâm)…

Hơn nửa thế kỷ trở lại đây, nhiều phương tiện hiện đại ra đời giúp cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách nhanh hơn, đồng nghĩa với việc những con đò ngang, đò dọc sẽ lùi vào quá vãng sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Cùng với sự vắng bóng những con đò dọc, điệu hò sông Mã cũng tắt dần trên sông nước mênh mông. 

Trước sự dần mai một của hò sông Mã cũng như nhận thấy những giá trị của nghệ thuật hò sông Mã, năm 1999, Viện Âm nhạc Quốc gia bắt tay thực hiện dự án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển văn hóa nghệ thuật truyền thống tiểu vùng sông Mã" và tổ chức nhiều chuyến điền dã, phỏng vấn, ghi lại những làn điệu, cách diễn xướng của chính các nghệ nhân đã từng tham gia hát những điệu hò sông Mã. Những nỗ lực này đã giúp Thanh Hóa khôi phục được 10 điệu hò và khoảng vài chục lời hò trong tổ khúc hò sông Mã. 

Trên cơ sở các tư liệu âm thanh và hình ảnh ghi lại được từ dự án, năm 2002 Viện Âm nhạc đã phát hành một CD các làn điệu hò sông Mã và một VCD có lời bình mang tính khoa học và phổ cập.

Tiếp đó, năm 2007, Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Hà Trung và Chi hội Bảo tồn, phục hồi ca trù và hò Sông Mã tổ chức nhiều lớp dạy và học hát hò sông Mã; tổ chức lớp tập huấn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ven sông Mã. Tuy nhiên, mọi cố gắng, nỗ lực của các cấp chính quyền cũng như những người đam mê hò sông Mã cũng mới chỉ dừng ở đó.

Là một người có nhiều tâm huyết với điệu hò sông Mã quê hương, từ ngày còn là một cô gái trẻ, chị Trần Thị Huệ đã theo học các lớp hò sông Mã do các nghệ nhân truyền dạy, rồi tự mày mò, nghiên cứu, thu thập tư liệu, chép lại lời của các điệu hò qua giọng hát và trí nhớ của các cụ. 

Năm 2007, Chi hội Bảo tồn, phục hồi ca trù và hò Sông Mã ra đời; chị Trần Thị Huệ được bầu làm Chi hội trưởng. Chị Huệ đã cùng các hội viên trong Chi hội tổ chức các chương trình biểu diễn hò sông Mã trong các liên hoan, hội diễn. 

Nhưng điều chị Huệ buồn nhất chính là do thiếu kinh phí hoạt động nên Chi hội Bảo tồn, phục hồi ca trù và hò Sông Mã đã không còn được như ban đầu. Vài năm trở lại đây, những hội viên trong chi hội, vì miếng cơm manh áo đã phải ra Bắc, vào Nam để kiếm sống bằng các nghề khác nhau.

"Ngày nay, muốn khôi phục lại môi trường diễn xướng của hò sông Mã cũng rất khó khăn, bởi môi trường diễn xướng của hò sông Mã là ở trên sông, trên những con đò dọc bằng gỗ, mà ngày nay đò gỗ đã vắng bóng, thay bằng những con đò sắt, đò xi măng chạy bằng sức máy. Những chương trình sân khấu hóa, cái nét độc nhất vô nhị cũng chính là giá trị nghệ thuật của hò sông Mã đã không thể được phục hồi và bảo lưu nguyên vẹn khi hò sông Mã bị tách khỏi môi trường diễn xướng là sông nước" - chị Trần Thị Huệ, Chi hội trưởng Chi hội Bảo tồn, phục hồi ca trù và hò Sông Mã tâm sự.

Tuy không thể khôi phục lại nguyên bản các làn điệu hò sông Mã, nhưng việc đưa hò sông Mã trở về với con đò và dòng sông Mã, trở về với môi trường diễn xướng đích thực của nó là một việc có thể thực hiện được khi mà từ năm 2015, tỉnh Thanh Hóa đã công bố tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” - tuyến du lịch đường thủy đầu tiên tại Thanh Hóa, được kết hợp giữa các tài nguyên tự nhiên với tài nguyên nhân văn. 

Tới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa, huyện Hà Trung cần ban hành cơ chế quản lý, tổ chức và kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ hò sông Mã, sớm đưa các điệu hò mang đậm bản sắc quê hương vào giảng dạy trong chương trình học nhạc của các trường học, hướng tới việc phục hồi, truyền dạy, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu và yêu thích loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Hoa Mai
.
.
.