Đạo diễn Trần Anh Hùng trải lòng sau dự án phim 9 triệu Euro

Thứ Ba, 06/09/2016, 22:11

Bộ phim “Vĩnh cửu” - dự án điện ảnh được đầu tư đến 9 triệu Euro của đạo diễn nổi tiếng người Pháp gốc Việt, Trần Anh Hùng vừa được công chiếu tại Hà Nội. Sau buổi chiếu, anh cũng đã có những trao đổi khá cởi mở về bản thân, bộ phim và hoạt động nghề nghiệp của mình.

Phóng viên: Anh đã thành công với các phim trước đó nhưng phần lớn là về Việt Nam. « Vĩnh cửu » là phim về nước Pháp. Khi chưa xem phim, nhiều người sẽ e ngại đây là phim đặt hàng nên có thể không hay như các phim trước của anh.

Đạo diễn Trần Anh Hùng trải lòng về phim "Vĩnh cửu"

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Hùng bắt đầu làm phim từ năm 1993, đến nay mới làm được 6 phim, như thế rất là ít. Bình quân 6 năm mới có một phim. Nếu mà Hùng được họ đặt hàng thì Hùng đã có nhiều phim hơn. Hùng cũng mong người ta đặt hàng nhưng người ta không có đặt.  Hùng nghĩ nếu mà 2 năm làm được 1 phim thì tốt nhưng những dự án Hùng đưa ra nó hơi khó. Thường là từ khi tìm ý tưởng, viết kịch bản xong cũng mất 2 đến 3 năm. Nó không phải là những cái gì dễ được tiêu thụ trên thị trường nên nhìn vào người ta khó quan tâm đầu tư.

Cảnh phim "Vĩnh cửu"

Phim này chắc chắn không có nhà sản xuất nào bên Pháp dám làm với Hùng vì đây là một phim rất là đặc biệt, rất khó. Chỉ có anh Christophe Rossignon (nhà đầu tư sản xuất phim “Hòn vọng phu”, “Xích lô”, “Mùi đu đủ xanh” do Trần Anh Hùng làm đạo diễn – PV) là dám tin tưởng hợp tác và hợp tác thành công với Hùng để cho ra đời một phim như thế này. Vợ chồng Hùng với Christophe Rossignon coi nhau như những người bạn nên lần hợp tác này thuận lợi hơn.

Phóng viên: Hơn 20 năm chỉ làm có 6 phim. Các phim của anh đều ghi được dấu ấn với công chúng đam mê nghệ thuật điện ảnh và giới chuyên môn nhưng  là những phim khó làm, khó xem với số đông. Điều gì giữ anh trung thành với con đường nghệ thuật mà bản thân đã lựa chọn để không chạy theo nhà sản xuất các dòng phim thương mại?

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Nói một cách đơn giản thì đó là vì trách nhiệm của người nghệ sĩ. Nếu mình thấy cái gì mới thì mình không thể không làm. Khi Hùng đi đến một nơi có hai con đường để chọn, Hùng luôn chọn con đường khó nhất nhưng thú vị nhất. Thường thì không phải Hùng đi tìm đề tài mới, cái mới mà nó thường đến bất ngờ, như tự động nhảy ra giữa sân. Sức hấp dẫn của nó như ma lực bắt Hùng phải làm. Như cái quyển sách này (tiểu thuyết “Nét duyên góa phụ” được đạo diễn Trần Anh Hùng chuyển thể thành phim “Vĩnh cửu” - PV), Hùng tình cờ đọc được. Khi đọc rồi thì có cảm xúc rất mạnh vì bản thân quyển sách gợi ra cái ngôn ngữ rất hay về điện ảnh.

Việc khán giả xem phim có cảm nhận được phim hay không là chuyện riêng của khán giả. Phim dễ hay khó xem với Hùng không quan trọng mà quan trọng là Hùng phải làm vì nó có cảm xúc rất đặc biệt mà mình muốn đưa đến với khán giả. Hơn nữa, ngôn  ngữ điện ảnh trong phim này rất là mới, Hùng chưa thấy ở trong các phim khác. Đây là lý do lớn nhất buộc Hùng phải làm. Vì nếu không làm thì nó sẽ không có.

Phóng viên: Ấn tượng dễ nhận thấy nhất khi xem “Vĩnh cửu” là mỗi hình ảnh trong phim đều hoàn hảo như một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng hình ảnh đẹp trong phim thì không mới. Ngôn ngữ điện ảnh mới mà anh muốn nói đến là gì?

Đạo diễn Trần Anh Hùng: Trên thế giới có rất nhiều phim có hình ảnh đẹp nhưng nhìn rất khó chịu vì nó không thật, không đúng ý của Hùng về cái đẹp. Nếu khán giả  ra khỏi rạp chiếu mà mang theo cảm giác về cái đẹp từ phim là niềm vui đối với Hùng.

“Vĩnh cửu” là câu chuyện xảy ra từ thế kỷ 19 và là câu chuyện có thật của gia đình nhà văn. Cái cốt truyện tạo cho Hùng cảm xúc rất lớn. Để kể câu chuyện kéo dài hơn 1 thế kỷ và chuyển tải cảm xúc đến khán giả, Hùng phải xóa bỏ đi rất nhiều thứ: những cốt truyện, những cảnh không có cảnh, kể cả tâm lý của các nhân vật. Ngay như hai cuộc chiến cũng bị gạt qua một bên. Sự hiện diện của hai cuộc chiến này chỉ là những chi tiết rất nhỏ nhưng vẫn để lại những dấu ấn của nó. 

Âm nhạc trong phim cũng rất đặc biệt. Phim dài 150 phút thì âm nhạc dài 110 phút. Sự kết hợp giữa âm nhạc và hình ảnh giúp phim chuyển tải được nhiều nội dung mà thoại không chuyển tải. Nó biến người khán giả thành nhà văn và người ta sẽ tự tìm lời để người ta kể câu chuyện này bằng cách của họ. Khi trao đổi kỹ với anh dựng phim mình mới thấy cái ý này.

Phóng viên : Cảm ơn anh

Bộ phim “Vĩnh cửu” được Trần Anh Hùng chuyển thể từ tiểu thuyết “Nét duyên góa phụ” – một trong những tác phẩm xuất sắc của nữ nhà văn Pháp Alice Ferney. Phim có sự tham gia của 3 nữ minh tinh tài năng người Pháp: Mélanie Laurent, Audrey Tautou, và Bérénice Bejo. Bộ phim có kinh phí đầu tư lên đến 9 triệu Euro, được chiếu tại Việt Nam trước khi chiếu tại Pháp. 

Phim đã được các nhà phát hành phim mua bản quyền để công chiếu tại nhiều nước Châu Âu, Châu Á và Mỹ. Riêng tại Việt Nam, cùng với việc công chiếu phim, chiều tối ngày 5/9, đạo diễn Trần Anh Hùng, giám đốc nghệ thuật Trần Nữ Yên Khê và nhà sản xuất Christophe Rossignon cũng có buổi giao lưu với công chúng tại Hà Nội. Đạo diễn Trần Anh Hùng sẽ tiếp tục giao lưu, ký tặng sách “Nét duyên góa phụ” với khán giả TP Hồ Chí Minh vào 10h ngày 7/9 tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1.


Ngọc Nguyễn
.
.
.