Đặc sắc lễ hội cầu mưa của dân tộcJrai
- Kỳ bí những ngôi mộ chôn tập thể và lễ hội có một không hai của người Jrai
- Kỳ lạ tục lệ… kiêng tắm của người Jrai
“Hơ Jan” – giọt nước trời ban
Theo quan niệm ngàn đời của người Jrai, khi con người sinh ra thì vạn vật cũng xuất hiện, lúc này có một vị thần ban cho những hạt nước đến mang lại sự sống cho vạn vật đó là “Thần mưa” - vị thần mang lại nhiều may mắn, hạnh phúc cho con người. Trong truyền thuyết của người Jrai cũng nhắc đến các vị Pơtao Apui (Vua Lửa) đã dùng thanh gươm thần để cầu mưa khi vào mùa trồng tỉa hoặc đang giữa chu kỳ canh tác mà gặp hạn hán mất mùa.
Bên cạnh đó, trong tâm niệm của người Jrai, nếu làm phật lòng các vị thần thánh sẽ không ban tặng nước mưa, khiến bệnh tật xuất hiện, đói rét triền miên. Chính vì vậy hàng năm người dân nơi đây vẫn duy trì tổ chức lễ cầu mưa với ước mong cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, cây cối xanh tươi, thóc lúa đầy bồ. Lễ cầu mưa của người Jrai là lễ nghi mang tính cộng đồng và hàm chứa những giá trị văn hóa độc đáo.
Lễ cầu mưa thường được diễn ra ở cộng đồng người Jrai tại một số địa phương ở phía Đông Nam tỉnh Gia Lai như: huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa. Đồng bào Jrai gọi mưa là “Hơ Jan”, giọt nước trời ban “Hơ Jan” giúp cuộc sống người dân được cải thiện, giảm nhiệt trong ngày nắng oi ả, làm cho hoa màu trên nương rẫy trở nên tươi tốt, để dân làng được no cái bụng.
Người dân nối nhau thưởng thức hương vị từ ghè rượu ngây ngất men say. |
Lễ hội cầu mưa của người Jrai
Cứ vào thời điểm giữa mùa khô hàng năm, làng Rbai (xã Iapiar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) thường xảy ra hạn hán, thậm chí rất khốc liệt. Trong thời gian này, lương thực dự trữ của bà con đã gần cạn, do đó cần phải tiến hành gieo trồng vụ nông sản mới. Chính vì lẽ đó, vào trung tuần tháng 4 hàng năm, dân làng lại sốt sắng công tác chuẩn bị lễ vật để tiến hành cầu mưa.
Trước khi diễn ra lễ chính, người dân cử hành 3 nghi lễ nhỏ bao gồm: Cúng xua đuổi tà ma, dịch gia cầm quanh làng; Cúng bến nước tại sông A Dun (Phú Thiện, Gia Lai); Cúng làng. Vào ngày tổ chức lễ chính, người dân từ già trẻ, gái trai… trong làng tụ hội tại nhà của Thầy cúng– nơi tiến hành nghi lễ cầu mưa.
Ngay từ sáng sớm, mọi người đã có mặt tại địa điểm tổ chức buổi lễ để được Già làng giao việc. Những người đàn ông lớn tuổi thì đảm nhận vót tre làm trụ đặt lễ vật cúng tế thần linh. Trai làng được giao nhiệm vụ cột các ghe rượu lễ vật và ghe rượu dân làng đem đến cho chắc chắn.
Theo Già làng Ksor Net (làng Rbai, xã Iapiar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) thì một trong những lễ vật không thể thiếu là 7 ghè rượu được lấy từ nguồn nước sông A Dun để dâng lên thần thánh. 7 ghè rượu này tượng trưng cho 7 người đầu tiên lập ra ngôi làng Rbai. Dưới chân nhà sàn, một số thanh niên khác làm thịt lợn, chia thành nhiều phần nhỏ để xâu lại. Còn phụ nữ thì tập trung làm những món ăn truyền thống. Mọi người rôm rả trò chuyện, cùng vui vẻ hoàn thành tốt phần việc của mình.
Ông Yuarg (68 tuổi – làng Rbai B, xã Ia piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) chia sẻ: “Lễ hội cầu mưa đã có từ rất lâu rồi, năm nào tôi cũng tham dự. Đây là dịp để người dân trong làng có cơ hội quây quần bên nhau nên mọi người rất vui”.
Khi mặt trời lên đỉnh đầu, tiếng cồng chiêng vang lên báo hiệu giờ linh thiêng đã đến, tất cả mọi người của 2 làng (Rbai A và Rbai B – khoảng 330 hộ) tập trung về khu vực làm lễ. Thầy cúng Ksor Lol (67 tuổi - làng Rbai B, xã Iapiar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) bắt đầu các nghi thức của lễ cầu mưa. Thầy cúng đứng trước trụ đặt lễ vật để đọc lời khấn, có đại ý: Mong thần linh chứng giám ban cho mưa xuống để dân làng có mùa màng tốt tươi, có sức khỏe, xua tan bệnh tật…
Tháng 4-2016, huyện Phú Thiện (Gia Lai) đã tổ chức đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia “Lễ hội cầu mưa của Yang Pơ Tao Apui” (tức Vua nước theo truyền thống cổ xưa của người Jrai). Đây là một tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị của những lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Jrai tại Gia Lai nói riêng và đồng bào các dân tộc trên đất nước Việt Nam nói chung.