Còn nhiều vấn đề cần lý giải về văn hóa và nghệ thuật thời Lý

Thứ Năm, 09/02/2017, 18:36

Trong 3 ngày 9, 10 và 11-2, tại Bắc Ninh, Bộ VHTT&DL, Viện Văn học nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp Đại học London, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nghệ thuật và văn hóa thời Lý ở Việt Nam”.


Trong phần phát biểu khai mạc hội thảo, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Bắc Ninh là nơi phát tích của vương triều Lý, một triều đại thịnh trị kéo dài 216 năm (1009 - 1225). Vùng đất này còn lưu giữ  đậm đặc các di sản văn hóa thời Lý với 133 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt là chùa Dâu, chùa Bút Tháp, Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý. Văn hóa, nghệ thuật thời Lý là chủ đề nghiên cứu được nhiều nhà khoa học Việt Nam và thế giới quan tâm từ nhiều góc độ khác nhau”.

Với sự tham gia của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, qua 27 tham luận nhiều giá trị mới nghệ thuật và văn hóa thời nhà Lý ở Việt Nam đã được làm rõ. Các tham luận tập trung nghiên cứu những vấn đề trọng tâm của văn hóa, nghệ thuật thời Lý, những nền tảng hình thành và phát triển các loại hình nghệ thuật của người Việt mang bản sắc riêng bên cạnh những yếu tố hỗn dung văn hóa.

Giáo sư, TS Trần Ngọc Vương trình bày tham luận tại hội thảo.

Đặc biệt, một số tham luận của các học giả nước ngoài tập trung nghiên cứu từ góc độ liên văn hóa (văn hóa, nghệ thuật thời Lý trong mối tương quan với Trung Quốc, Nhật Bản, Chămpa…); những cách tiếp cận mới trong nghiên cứu văn hóa nghệ thuật thời Lý, giới thiệu những phát hiện mới về khảo cổ, lịch sử, di sản văn hóa thời Lý, phân tích vai trò của Phật giáo đối với sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật thời kỳ này…

Theo GS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, trong kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, các di sản văn hóa nghệ thuật thời Lý có vai trò hết sức quan trọng. Ngoài những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, kho tàng di sản văn hóa vật thể về giai đoạn lịch sử trọng đại này gồm các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu gắn liền với việc định đô tại Thăng Long – Hà Nội ngày nay, các di tích về nơi phát tích của Vương triều Lý tại Bắc Ninh.

Cũng theo GS.TS Trương Quốc Bình, bên cạnh những di tích về sự nghiệp kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, còn có một hệ thống di tích lịch sử về sự phát triển rực rỡ của đạo Phật trong giai đoạn này. Cho đến nay, sau hàng nghin năm, đã có không ít di sản văn hóa phi vật thể bị thất truyền, bị biến dạng, nhiều di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật đã và đang bị hư hỏng, xuống cấp, chính vì vậy, cần có những giải pháp hữu hiệu và đồng bộ để tiếp tục hợp tác nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị những di sản đặc sắc này.

Các đại biểu dự hội thảo.

Về công tác quản lý, bảo tồn các di tích chùa, tháp thời Lý (thế kỷ XI – XIII) theo TS. Tạ Quốc Khánh, Viện Bảo tồn di tích – Bộ VH-TT&DL trăn trở hai bộ quốc sử là Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục đã liệt kê khoảng 20 ngôi tháp và hàng trăm ngôi chùa được triều đình nhà Lý đầu tư xây dựng. Số lượng chùa do dân xây dựng chắc chắn còn hơn nhiều. Tiếc rằng, tới ngày nay, chúng ta chỉ còn sót lại vài ba công trình, lại không cái nào còn nguyên vẹn.

Tính đến nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành khai quật khoảng 10 di tích chùa, tháp có niên đại thời Lý với địa bàn phân bố rộng ở miền Bắc Việt Nam. Sau khi khai quật, nghiên cứu khảo cổ học, có những ngôi chùa đã được đầu tư tu bổ xứng đáng, phát huy tốt vai trò của mình trong đời sống xã hội, nhưng cũng có những ngôi chùa chưa được quan tâm nghiên cứu, bảo vệ đúng mực, dẫn đến tình trạng xuống cấp, hư hại…

Bên cạnh đó, tại hội thảo, các đại biểu, học giả, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã tập trung nhận rõ sức ảnh hưởng, vai trò của nghệ thuật, văn hóa thời Lý; vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật thời Lý trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại cũng như quản bá ra thế giới…

Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, đến nay tỉnh Bắc Ninh còn lưu giữ được 131 di tích có liên quan đến Vương triều Lý, trong đó có 23 dấu tích chùa tháp thời Lý, chủ yếu ở phường Đình Bảng, phường Tân Hồng, xã Tương Giang (Từ Sơn), hệ thống chùa tháp ở Châu Cổ Pháp xưa… Đặc biệt ở thời Lý, các vị vua và hoàng tộc đều sùng đạo Phật, nên chùa tháp được xây cất ở khắp các làng xã, đó còn là chốn tu hành của nhiều bậc cao tăng nổi tiếng đã có công với việc lập dựng vương triều Lý, như thiền sư Lý Khánh Văn, Lý Vạn Hạnh…

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, những nghiên cứu và bài học thiết thực từ hội thảo lần này sẽ góp thêm định hướng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc nói chung, công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật và văn hóa thời Lý nói riêng; đồng thời tạo nền tảng vững chắc để tỉnh Bắc Ninh sớm thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương - thành phố thông minh trong tương lại không xa.

V. Cảnh - N. Hoa
.
.
.