Có thể phục dựng các kỳ thi thời kỳ phong kiến tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Thứ Sáu, 13/01/2017, 17:58

Tại cuộc gặp gỡ, trao đổi với cơ quan truyền thông, báo chí về công tác hoạt động Xuân Đinh Dậu 2017 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám mới đây, nhiều kế hoạch đặc biệt đã được tiết lộ.


Cụ thể, theo ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết Trung tâm đang có ý tưởng xây dựng bảo tàng giáo dục tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhằm giới thiệu lịch sử học hành, thi cử của các nho sĩ, các bậc tiên thánh, tiên hiền, tiên nho. 

Theo kế hoạch trong điều kiện có thể Trung tâm sẽ phục dựng các kỳ thi trong thời kỳ phong kiến để người dân và du khách hiểu hơn về chế độ thi cử ngày xưa.

Cũng theo ông Lê Xuân Kiêu, hiện nay du khách đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám mới chỉ biết về nền giáo dục thời kỳ phong kiến thông qua các văn bản mà không hình dung được cụ thể. Các hoạt động Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sự trọng đạo, tôn trọng hiền tài. 

Hàng năm, Trung tâm phối hợp với ngành giáo dục Thủ đô tổ chức chương trình giáo dục di sản, tìm hiểu về di sản Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho học sinh các trường trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, tại đây còn tổ chức lễ vinh danh Thủ khoa các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, tổ chức lễ kết nạp đoàn viên, đội viên, lễ ra trường, các cuộc triển lãm về thi cử thời phong kiến, hội thảo về các tiến sỹ được ghi danh tại hệ thống bia đá… 

“Nếu xây dựng được bảo tàng giáo dục, du khách và người dân sẽ hiểu hơn về quá trình học hành, thi cử, khi đỗ đạt, vinh quy bái tổ của các nho sĩ và những đóng góp của họ cho đất nước” ông Kiêu nhấn mạnh.  

Bên cạnh đó, với câu chuyện “ồn ào” tại Hồ Văn trong năm qua, ông Lê Xuân Kiêu cũng cho biết Trung tâm Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám đã làm việc với nhân dân, xét thấy nguyện vọng sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân nơi đây là cần thiết. 

Trung tâm đã đề xuất với UBND TP Hà Nội và Bộ VHTT&DL được phục dựng Phương Đình trên đảo Kim Châu. Trước kia có dự án xây Phương Đình nhằm khôi phục lại các hoạt động trên khu vực gò Kim Châu, Hồ Văn là nơi bình thơ văn của các bậc nho sĩ. Nhưng rất tiếc dự án không thực hiện được.

Hiện nay, Trung tâm đã mời nhóm khảo sát và chuyên gia Pháp sang làm việc, khảo sát toàn bộ hiện trạng di tích, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể cho toàn bộ khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám, trong đó có Hồ Văn. Các chuyên gia Pháp hết sức coi trọng Hồ Văn, và trung tâm đặt ra yêu cầu quy hoạch, phải đưa Hồ Văn thành một chủ thể không tách rời với khu Văn Miếu- Quốc Tử Giám và phát huy giá trị vốn có.

Ngoài ra, trước câu chuyện sơn mới lại các hạng mục ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) như Khuê Văn Các, cổng Tam Quan, Nhà Bái Đường, Nhà Thái Học, ông Lê Xuân Kiêu khẳng định sẽ cho dừng quét vôi, không triển khai theo kế hoạch ban đầu. 

Được biết, sau khi tiến hành sơn lại các hạng mục, đã có nhiều du khách đến tham quan đã gặp trực tiếp lãnh đạo trung tâm và phản ánh về việc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bị bong tróc, xuống cấp ở nhiều hạng mục. Họ không muốn một di tích lịch sử tầm cỡ để cho rêu bám đầy ở các bức tường. Do đó, đơn vị quản lý di tích đã tiến hành quét vôi bảo dưỡng định kỳ. 

Thảo Thảo
.
.
.