NSND Thanh Hoa: Chúng tôi muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng của nghệ sĩ biểu diễn

Thứ Sáu, 09/12/2016, 08:00
"Khi xây nhà thì chúng ta đều mong muốn một ngôi nhà ấm cúng, một nơi đầy sự yêu thương và chia sẻ. Ngôi nhà APPA cũng không là một ngoại lệ. Đây sẽ là nơi để các nghệ sĩ đến chia sẻ với nhau những khó khăn và cả những thăng hoa, hạnh phúc trong hoạt động nghệ thuật. Ngôi nhà này có trên 10.000 người" - NSND Thanh Hoa chia sẻ.

Phóng viên: APPA đã có quyết định thành lập từ cuối năm 2015 nhưng đến thời điểm này Hội mới chính thức ra mắt. Bà có thể chia sẻ lý do tại sao không?

NSND Thanh Hoa: Rất đơn giản là thế này, tháng 11-2015, Bộ Nội vụ đã có quyết định thành lập APPA nhưng tháng 2-2016 chúng tôi mới tổ chức đại hội. Thông thường, sau khi có quyết định, Bộ Nội vụ vẫn cho 3 tháng để chuẩn bị tổ chức đại hội, bầu ban chấp hành, nộp kết quả lại cho Bộ Nội vụ. Sau khi xét lại tất cả mọi vấn đề rồi mới có con dấu. Trước khi ra mắt, chúng tôi phải hoàn thiện tất cả, từ cơ cấu tổ chức đến văn phòng, phân công nhiệm vụ, có cơ chế, phương hướng hoạt động…

Được kỳ vọng sẽ là nơi tập hợp và bảo vệ quyền lợi, kể cả tác quyền cho nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển âm nhạc Việt Nam nhưng sau gần 1 năm kể từ ngày Bộ Nội vụ có quyết định thành lập Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), tháng 11-2016, APPA mới chính thức ra mắt tại TP Hồ Chí Minh và chuẩn bị ra mắt tại Hà Nội vào tháng 12.

Ngày 8-12, NSND Thanh Hoa, Chủ tịch APPA đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở với PV Báo Công an nhân dân quanh vấn đề này.

NSND Thanh Hoa, Chủ tịch APPA


Phóng viên: Đã đủ đầy cả về danh tiếng lẫn vật chất, điều gì khiến bà đầu tư tâm sức cho APPA?

NSND Thanh Hoa: Tôi muốn xây dựng một mái nhà chung cho nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, một nơi để mọi người cùng chia sẻ, để cùng khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển âm nhạc nước nhà, cùng chung tay góp sức để giữ được sự trong sáng, cái tinh hoa của âm nhạc Việt. Mái nhà chung này có sự chia sẻ lẫn nhau của các thành viên của cộng đồng biểu diễn âm nhạc. Các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật khác đều có hội riêng nhưng nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc lại chưa có hội của mình, chưa có mái nhà chung. Một ngôi nhà chung cho các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc là mơ ước của tôi.

Phóng viên: Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về ngôi nhà chung này không?

NSND Thanh Hoa: Mục đích quan trọng nhất của APPA là bảo vệ quyền của những người biểu diễn âm nhạc Việt Nam, trong đó có quyền mà họ bị xâm phạm nhiều nhất là thành quả lao động, là các sản phẩm âm nhạc của họ bị sử dụng mà không ai trả tiền cho họ. Bản quyền của nghệ sĩ trên thế giới gọi là quyền liên quan. Trong tác quyền âm nhạc có 3 loại gồm quyền tác giả, quyền ghi âm và quyền biểu diễn. Người biểu diễn có vai trò rất quan trọng với sự ra đời của một tác phẩm âm nhạc. Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền của họ ở tất cả mọi nơi mọi chốn.

Phóng viên: Bà kỳ vọng ngôi nhà chung của các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc sẽ như thế nào trong tương lai?

NSND Thanh Hoa: Khi xây nhà thì chúng ta đều mong muốn một ngôi nhà ấm cúng, một nơi đầy sự yêu thương và chia sẻ. Ngôi nhà APPA cũng không là một ngoại lệ. Đây sẽ là nơi để các nghệ sĩ đến chia sẻ với nhau những khó khăn và cả những thăng hoa, hạnh phúc trong hoạt động nghệ thuật. Ngôi nhà này  có trên 10.000 người.

Phóng viên: Hiện tại APPA có bao nhiêu hội viên, thưa bà?

NSND Thanh Hoa: Hiện nay APPA mới có hơn 500 hội viên thôi.

Phóng viên: Việc tập hợp được các nghệ sĩ dưới một mái nhà chung lớn đã khó nhưng việc gắn kết được các thành viên trong Hội sẽ không dễ vì câu chuyện về tài chính rất quan trọng trong ngôi nhà APPA này.

NSND Thanh Hoa: Tài chính chỉ là một phần rất nhỏ trong nội dung hoạt động của APPA. Tôi không có ý định thành lập một cái hội chỉ quan tâm đến tài chính. Bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ biểu diễn không phải chỉ là tác quyền ở mấy cái băng đĩa, ở lợi nhuận mà còn bảo vệ về thân nhân, bảo vệ nghệ sĩ trước sự xúc phạm vì hiện nay, có những sự việc rất nhỏ của nghệ sĩ cũng dễ bị thổi phồng ra khiến họ bị tổn thương và nhiều thứ khác có thể ảnh hưởng về mặt nhân quyền của nghệ sĩ biểu diễn.

NSND Thanh Hoa.

Phóng viên: Tuy nhiên, tài chính cũng sẽ là một phần rất quan trọng, nếu không minh bạch, uy tín sẽ khó bảo toàn, thưa bà?

NSND Thanh Hoa: Đối với chúng tôi, APPA là một ngôi nhà chung mà các nghệ sĩ tự nguyện đến và đến thì chưa chắc để tìm lợi nhuận. Mục đích tôi muốn là họ đến với APPA bằng sự yêu thương, trân trọng. Vì tác quyền của họ trong một bài hát không nhiều so với thù lao họ biểu diễn trên sân khấu. Nếu mục đích chỉ để đòi tiền thì APPA sẽ bé nhỏ đi. Chúng tôi mong muốn, APPA phải là nơi để nghệ sĩ chia sẻ yêu thương và giúp họ được bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình.

Phóng viên: Trong khoảng thời gian sắp tới, APPA sẽ làm những gì để biến các mục tiêu này thành hiện thực?

NSND Thanh Hoa: Trong năm 2017, trang web của APPA sẽ ra đời, tập hợp được các nghệ sĩ trong các đoàn nghệ thuật và các nghệ sĩ biểu diễn tự do. Nghệ sĩ biểu diễn tự do là lực lượng mà chúng tôi rất quan tâm. Để bảo vệ các nghệ sĩ, chúng tôi đã có những đối tác rất quan trọng là Hội Luật gia Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an.

Năm 2017, chúng tôi sẽ có lễ tôn vinh cho các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975. Những hội viên của APPA sẽ bỏ phiếu bình bầu các nghệ sĩ trẻ tài năng nhất. Chúng tôi sẽ đòi lại quyền lợi chính đáng của mình là tự bình bầu ra những gương mặt xứng đáng nhất của năm. APPA cũng sẽ là nơi giúp cho các nghệ sĩ hoàn thiện hơn, sẽ mở ra những lớp huấn luyện kỹ năng biểu diễn…

Phóng viên: Nhiều người thường quan niệm rằng nghệ sĩ thực thụ sẽ không phù hợp với công tác quản lý, đặc biệt là quản lý về mặt tài chính. Bà nghĩ sao về điều này?

NSND Thanh Hoa: Công tác quản lý, với tôi, là sự lội ngược dòng. Mình đã quen với việc ra sân khấu là vỗ tay, vào trong sân khấu là vỗ tay. 50 năm qua, tôi là nghệ sĩ chỉ biết đắm mình trong tiếng vỗ tay của khán giả. Khi sang làm công tác quản lý mình gần như phải lột xác. Tôi đã rất lo lắng hình ảnh long lanh của người nghệ sĩ sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng tôi cũng xác định nếu làm công tác quản lý mà chỉ mong nhận được những tiếng vỗ tay như sân khấu thì không có.

Lo lắng nhưng tôi vẫn làm vì mục đích cuối cùng mình mong muốn đều có lợi cho các nghệ sĩ, những người đồng nghiệp, người con, người cháu của mình. Tôn vinh các bậc tiền bối, nâng bước thế hệ con cháu là mục đích cao cả nên nghĩ lại, tôi thấy mình không cần phải sợ gì cả, cứ lao vào làm đã.

Phóng viên: Xin cảm ơn NSND Thanh Hoa!

Ngọc Nguyễn (thực hiện)
.
.
.