“Chiến trường đặc biệt” của các chiến sĩ cách mạng kiên trung trong kháng chiến
- Nguyễn Bình – Vị tướng huyền thoại: Trui rèn nơi địa ngục trần gian
- Đọc lại những tờ báo ra đời nơi “địa ngục trần gian”
- Chuyện về người thương binh Công an kiên trung từng ở “địa ngục trần gian”
Trưng bày chuyên đề bao gồm 2 nội dung chính. Phần thứ nhất có chủ đề “Trọn một lời thề” là những câu chuyện tại một “chiến trường đặc biệt” – hệ thống ngục tù của thực dân, đế quốc. Những nơi này không rền vang tiếng súng nhưng đã cướp đi một phần thân thể và sinh mạng của biết bao người con ưu tú của dân tộc từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.
Nhà tù Hỏa Lò - ảnh tư liệu |
Tại triển lãm, khách tham quan được hiểu về hệ thống nhà tù nhiều hơn trường học dưới bộ máy cai trị của chính quyền thực dân, đế quốc và những chế độ giam cầm hà khắc mà mỗi chiến sỹ yêu nước, cách mạng đã kiên cường vượt qua. Đó là nhà tù Hỏa Lò - Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội.
Nơi đây, cuộc sống của các chiến sỹ yêu nước, cách mạng là một cuộc đấu tranh sinh tồn chống lại chế độ lao tù hà khắc. Từ gáo nước, khẩu phần ăn hằng ngày, việc phát thêm chiếu, chăn chống rét… đều phải trải qua những cuộc đấu tranh quyết liệt.
Nhà tù Sơn La – nơi khắc vào tâm khảm của bao thế hệ người Việt bởi chế độ lao tù khắc nghiệt giữa chốn “rừng thiêng nước độc” với những căn phòng tối bằng gạch và đá kiên cố, hệ thống xà lim ngầm sâu dưới lòng đất 3m. Khi cánh cửa gỗ đóng lại thì mỗi xà lim cá nhân biến thành một hộp kín, tù nhân phải nằm co và khó phân biệt thời gian ngày và đêm. Khu xà lim biệt giam đã từng giam các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Tô Hiệu…
Hình ảnh các chiến sĩ cách mạng kiên trung sống, chiến đấu trong ngục thất sẽ được tái hiện trong trưng bày "Lời tri ân" |
Khám Lớn Sài Gòn – “vùng đất dữ” với các khu biệt giam, xà lim án chém, phòng để máy chém và khu hành quyết tù nhân. Đây là khám đường lớn nhất Nam Kỳ lục tỉnh, một trong những “biểu tượng” cho bộ máy thống trị của thực dân Pháp ở Nam kỳ. Trưng bày sẽ đưa người xem khám phá hệ thống nhà tù Côn Đảo – chốn “địa ngục trần gian” cách xa đất liền, nơi những chiến sỹ cộng sản phải đương đầu với bộ máy khủng bố tinh vi và tàn bạo, tù nhân bị bỏ đói, bỏ khát trong các Chuồng cọp...
Nhiều “địa chỉ” khét tiếng một thời như nhà tù Phú Quốc, nhà lao Tân Hiệp, Khám Chí Hòa…cũng được giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Dịp này, Ban tổ chức còn trích, trưng bày nhiều câu nói, lời nhắn đầy tâm huyết của các chiến sỹ cách mạng trước khi ra pháp trường như đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Hoàng Văn Thụ, Võ Văn Tần…
Nhà truyền thống tại Côn Đảo là nơi các đoàn khách, đặc biệt là các cựu tù năm xưa ghé thăm khi đặt chân đến Côn Đảo |
Một phần diện tích của trưng bày “kể” về các cuộc vượt ngục nổi tiếng trong lịch sử. Có cuộc thành công, có cuộc thất bại, bị bắt trở lại, bị dông bão, sóng biển nhấn chìm hay làm mồi cho thú dữ nơi rừng sâu nước độc. Nổi bật trong đó có cuộc vượt ngục ngày 12/12/1952 của 198 tù nhân Côn Đảo. Sóng to, gió dữ đã đánh chìm những chiếc thuyền thô sơ do tù nhân tự tạo. Phát hiện tù nhân vượt ngục, kẻ địch truy đuổi gắt gao. 81 chiến sỹ hy sinh, 117 chiến sỹ bị bắt lại…
Trưng bày "Lời tri ân" sẽ giúp du khách hiểu hơn về các "địa ngục trần gian" năm nào |
Phần nội dung trưng bày thứ hai chủ đề “Lời tri ân” là những câu chuyện nhiều day dứt thời hậu chiến. Trong đó, hình ảnh hàng ngàn ngôi mộ không tên ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ… sẽ mãi mãi là những chứng tích lịch sử không thể lãng quên của một thời hoa lửa. Đền, đài, bia tưởng niệm và nghĩa trang liệt sỹ trở thành những địa danh lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ…
Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh được thể hiện trong trưng bày chuyên đề “Lời tri ân” sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về những “địa ngục trần gian”, sự hy sinh cao cả của những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc. Hiểu để trân trọng và tự hào, để ý thức sâu sắc hơn: hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc hôm nay phải đổi bằng thanh xuân, xương máu của bao lớp cha anh đi trước; để thế hệ trẻ hôm nay nỗ lực hơn, nhiệt huyết hơn công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước.