Cảnh báo nguy hiểm từ những trò chơi trên mạng xã hội

Thứ Bảy, 09/03/2019, 09:13
Năm 2015, trò chơi “Thử thách cá voi xanh” khởi phát từ Nga đã dẫn dụ hàng trăm trẻ em ở nhiều quốc gia tự tìm đến cái chết. Năm 2018, xuất hiện thêm “Thử thách Momo” với âm thanh, hình ảnh rùng rợn hướng dẫn người chơi thực hiện những hành động nguy hiểm đến tính mạng.

Và những ngày gần đây, hình ảnh Momo còn len lỏi vào các video hoạt hình cho trẻ em trên YouTube khiến các bậc cha mẹ giật mình sợ hãi. Không chỉ có “Thử thách cá voi xanh”, “Thử thách Momo”, mà còn có nhiều chương trình độc hại khác được phát tán trên mạng Internet đe dọa đến sức khỏe tinh thần và tính mạng của trẻ.

Nhận diện Momo

Momo vốn là tên của một nhân vật trong phim hoạt hình nổi tiếng “Lá thư gửi đến Momo” được yêu thích tại Nhật Bản. Còn hình ảnh người phụ nữ có mái tóc đen, đầu người, chân chim, mắt lồi to, miệng rộng bắt nguồn từ tác phẩm điêu khắc có tên “Mother Bird” (Chim mẹ) do nhà điêu khắc người Nhật Bản Keisuke Aisochế tác vào năm 2016 và trưng bày trong một triển lãm nghệ thuật ở Tokyo, Nhật Bản về những câu chuyện kinh dị.

Thế nhưng, khi gương mặt phụ nữ kinh dị được gắn với cái tên Momo trong trò chơi “Thử thách Momo” (Momo Challenge) thì đã trở thành một công cụ mà chủ trò tung lên mạng xã hội Facebook và WhatsApp để hướng dẫn người chơi thực hiện những hành động nguy hiểm đến tính mạng.

Chưa hết, hình ảnh Momo còn xuất hiện ẩn bên trong các bản sao không chính thức của một số phim hoạt hình dành cho trẻ em như Fortnite, Peppa Pig. Hình ảnh Momo có lúc xuất hiện thoáng qua trong video, nhưng trong một tập phim hoạt hình Peppa Pig, Momo còn tham gia vào nội dung phim: yêu cầu chú heo tự sát, yêu cầu trẻ dùng dao cắt tay mình. Điều này đã làm cho nhiều phụ huynh lo lắng khi thấy hình ảnh liên quan đến Momo xuất hiện trên YouTube có thể gây hại cho con em mình.

Mặc dù cho đến thời điểm này, phía Google vẫn tiếp tục phủ nhận sự hiện diện và tính nguy hại của “Thử thách Momo” trên YouTube Kids, nhưng cần phải nhìn nhận rằng thực tế trên mạng Internet đang có rất nhiều chương trình độc hại tác động tiêu cực tới tinh thần của trẻ em.

Hình ảnh Momo xuất hiện trong video hoạt hình Peppa Pig trên YouTube gây lo lắng cho các bậc cha mẹ.

Trẻ em rất dễ bị tác động

Tại sao một bộ phận trẻ em ở độ tuổi vị thành niên lại bị hấp dẫn bởi những trò chơi độc hại kiểu như “Thử thách Momo”?

Theo Tiến sĩ Tâm lí giáo dục Phạm Văn Tư – Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thì người tạo ra và phát tán trò chơi độc hại đã đánh trúng tâm lí lứa tuổi của trẻ vị thành niên: Đó là sự tò mò, thích khám phá những điều mới lạ, thích được chứng tỏ bản thân, dù là sự khẳng định bản lĩnh ở môi trường ảo như trên mạng Internet. Nhiều đứa trẻ ngoài đời sống thì tính nết trầm, ít bộc lộ bản thân, ít quan tâm đến mọi thứ xung quanh, nhưng khi tham gia các diễn đàn, trò chơi trên mạng Internet thì trở nên xông xáo, cá tính, thậm chí liều lĩnh.

Một lí do nữa cũng cần được đề cập: Chính những ông bố bà mẹ mải mê với công việc và những mối quan hệ ngoài xã hội, ít có thời gian chăm sóc và chia sẻ với con cái đã khiến các em thấy cô đơn, buồn chán, tự đi tìm một thế giới khác và đắm chìm trong đó. Nhiều bố mẹ thấy yên  tâm khi lo cho con được một cuộc sống sung túc về vật chất, nhưng họ không hiểu được rằng, con cái thường xuyên phải chịu áp lực từ chuyện học hành, điểm số cao thấp, mối quan hệ với bạn bè, thầy cô.

Những nỗi niềm đó nếu không được chia sẻ, giải tỏa thì sẽ tích tụ lại, khiến các em trở nên bế tắc, cảm thấy không ai hiểu và giúp đỡ mình được, từ đó thu mình lại và tìm đến những cách giải thoát tiêu cực. Khi ấy, những trò chơi thử thách nguy hiểm trên mạng với âm thanh, hình ảnh ấn tượng rất dễ thu hút các em và tạo nên sự ràng buộc vô hình khó thoát ra được.

Đối với những trẻ nhỏ độ tuổi mầm non, tiểu học, Tiến sĩ Phạm Văn Tư cho rằng: Rất nhiều bố mẹ hiện nay để mặc bọn trẻ xem các video trên YouTube Kids thông qua tivi, máy tính, iPad, điện thoại kết nối mạng. Trẻ có thể mải mê xem hàng giờ, thậm là vài giờ đồng hồ, còn bố mẹ rảnh rang để làm nhiều công việc khác. Ở độ tuổi này, trẻ chưa đủ khả năng tự chủ trong hành vi, chưa nhận thức được mối nguy hiểm xảy đến với mình.

Khi trẻ vô tình truy cập vào những chương trình có lồng ghép nội dung độc hại, trẻ sẽ được dẫn vào một thế giới hoàn toàn khác với những nội dung không thể kiểm soát được. Nhiều trẻ sau khi xem xong những video này có biểu hiện hoảng loạn, sợ hãi, thậm chí còn có những hành động kỳ lạ đe dọa đến tính mạng.

Làm gì để bảo vệ con an toàn trong môi trường mạng?

Những ngày qua, “Thử thách Momo” trở thành chủ đề bàn luận trên các diễn đàn, hội nhóm làm cha mẹ. Họ được dịp vào mạng tìm hiểu về Momo và trước những lời cảnh báo đầy nguy hại từ báo chí thì lo sợ và bất an. Có bố mẹ cấm con tuyệt đối không được vào mạng, tránh xa máy tính, iPad, điện thoại. Nhưng với những đứa trẻ tuổi dậy thì, khi bị cấm cản, chúng thường không những không tuân thủ mà còn tò mò hơn.

Còn với những trẻ em nhỏ thì các em cần phải được vui chơi giải trí, mà phổ biến hiện nay là những trò chơi công nghệ thay vì trò chơi vận động. Việc cấm cản xem ra không khả thi khi mạng Internet ngoài những yếu tố tiêu cực thì vẫn là môi trường lí thú và bổ ích.

Các bố mẹ đừng chỉ biết hoang mang, bàn luận về hiện tượng Momo. Tiến sĩ Phạm Văn Tư đưa ra những biện pháp cụ thể cho cha mẹ để ngăn chặn sự ảnh hưởng tiêu cực của các chương trình độc hại tới con em mình: Đối với trẻ vị thành niên, bố mẹ phải khéo léo giám sát con cái. Hãy dành thời gian để tâm sự để hiểu và chia sẻ với con. Khi xuất hiện những chương trình độc hại trên mạng, thay vì bưng bít thông tin, cha mẹ hãy cùng con nhận diện, tiếp xúc chủ động, cảnh báo kịp thời để các em biết cách né tránh.

Với trẻ nhỏ hơn, cha mẹ cần phải là một màng lọc, kiểm soát chặt chẽ thời gian và nội dung chương trình mà trẻ đang tiếp cận. Hãy chú ý đến những biểu hiện khác thường của trẻ và tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời bảo vệ con trước các tác nhân có hại trong môi trường mạng. Sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường cũng rất cần thiết để có thể cảnh báo kịp thời, tránh sự lây lan việc tham gia các trò chơi nguy hại như một trào lưu.

Ngày 1-3-2019, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã có văn bản yêu cầu Google, đơn vị chủ quản mạng xã hội video YouTube gỡ bỏ và tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt để các clip có nội dung độc hại không tiếp tục xuất hiện trên YouTube.

Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu phía Google có bộ lọc, chặn những nội dung hướng dẫn tự sát xuất hiện trên YouTube thay vì chờ gỡ. Trường hợp người dân phát hiện những đoạn clip có nội dung bạo lực, hướng dẫn tự sát có thể phản ánh đến Cục thông qua đường dây nóng.

Huyền Châm
.
.
.