Tìm hiểu văn hóa Việt Nam qua 300 "báu vật" cổ

Thứ Sáu, 13/04/2018, 14:29
Mới đây, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã trưng bày 300 báu vật khảo cổ được phát hiện trong vòng 100 năm qua.


Trưng bày nhằm giới thiệu những thành tựu của các nhà khảo cổ học Việt Nam trong 60 năm qua, đặc biệt là những kết quả của sự hợp tác giữa Việt Nam và Đức.

Ban tổ chức bày tỏ mong muốn thông qua các hiện vật trưng bày sẽ giúp công chúng trong và ngoài nước hiểu thêm những giá trị lịch sử văn hoá của các nền văn hóa cổ ở Việt Nam.

Tại triển lãm này, ban tổ chức trưng bày các hiện vật đại diện cho lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại tới thế kỷ 17-18.

Trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, khảo cổ học Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn, từ những phát hiện nhỏ lẻ về các nền văn hóa sơ kỳ đá mới như Hòa Bình, Bắc Sơn… và bước đầu nghiên cứu các nền văn hóa thời kim khí như Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo của các học giả phương Tây.

Một trong những hiện vật thu hút được nhiều sự quan tâm nhất bộ hài cốt được khai quật trong ngôi mộ cổ Châu Can, khai quật tại Hà Nội. Chủ nhân của ngôi mộ này là cư dân văn hóa Đông Sơn.
Phần quan tài được làm từ một nửa thân cây được khoét rỗng. Người đàn ông khoảng 60 tuổi được chôn cất với nhiều đồ tùy táng như vò bằng đất nung, mũi tên, dao đá...
Niên đại của ngôi mộ khoảng 2.000 đến 2.500 năm trước. Việc tìm thấy ngôi mộ cổ này cho thấy thêm một bằng chứng xác thực về sự tồn tại của nền văn hóa Đông Sơn từng một thời rực rỡ trong lịch sử Việt Nam.
Một mũi tên đồng cùng khuôn đúc từ nền văn hóa Đông Sơn. Sự xuất hiện của các khuôn đúc chứng minh cha ông ta đã làm chủ kỹ thuật chế tác các vật dụng bằng đồng từ rất sớm.(từ 2.500 đến 2.000 năm trước).

Ngoài các di vật của nền văn hóa Đông Sơn, còn có các sản phẩm từ nền văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Đồng Nai ở miền Nam. Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba trung tâm văn hoá khảo cổ thời đại kim khí Việt Nam. 

Triển lãm thu hút không chỉ những người yêu thích lịch sử và khảo cổ mà còn rất nhiều đoàn khách du lịch muốn tìm hiểu thêm về nền văn hóa lâu đời của Việt Nam.
Mảnh khuôn đúc trống đồng với hoa văn tinh xảo có niên đại cách ngày nay khoảng 1.800 - 1.600 năm do bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật tại thành cổ Luy Lâu, Bắc Ninh năm 2014.
Phác rìu bằng đá một công cụ của người cổ đại có cách nay khoảng 4.000 đến 5.000. Cổ vật này được phát hiện tại núi Voi, Thanh Hóa.
Trong khi bộ trang sức này được phát hiện ở Đồng Đậu, Vĩnh Phúc có niên đại cách ngày nay khoảng 3.500 năm.
Một khách tham quan chăm chú quan sát cỗ quan tài và di cốt khai quật từ ngôi mộ cổ Châu Can.
Trống đồng minh khí có từ cách đây 3.500 năm là một trong những mẫu vật độc đáo ở triển lãm lần này. Triển lãm sẽ kéo dài đến tháng 7-2018.
Ngọc-Bình
.
.
.