Tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

Cái khó nhất là làm một con đường chung cho tất cả nhà văn

Thứ Sáu, 27/11/2020, 07:02
Ngày 25/11, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chính thức trở thành Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ngay sau lễ ra mắt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X, ông đã dành cho báo chí một cuộc trao đổi thẳng thắn về bản thân cũng như vai trò mới này.


Phóng viên: Xin được chúc mừng ông vì đã được tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã chuẩn bị tâm thế gánh vác vai trò mới này chưa?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Trước đây một năm, tôi chưa nghĩ đến điều đó. 6 tháng trước thì có thể mơ hồ. 3 tháng trở lại đây, tôi bớt mơ hồ đi một chút. Nhưng khi tôi biết phiếu bầu của đại hội, khi tôi biết tinh thần của đại hội muốn gì, muốn chọn lựa cái gì và chọn lựa ai để làm việc đó thì không còn mơ hồ nữa. Nhưng tất nhiên, đó cũng là sự bất ngờ. Tôi nghĩ rằng, mình phải là một nhà thơ, một họa sĩ hay một người chơi nhạc dân tộc đúng hơn là làm một người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam. Được bầu làm Chủ tịch Hội là sự bất ngờ nhưng tôi đã bước đến với sự trân trọng, tin tưởng của các hội viên và không còn một cách nào khác là tiến lên với tất cả những gì mình có thể làm được.

Phóng viên: Phát biểu tại Đại hội, vì sao ông nói rằng kết quả bầu Ban Chấp hành lần này giống như là sự đặt cược nhưng sẽ là một cuộc đặt cược chắc chắn thành công?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vì cái mà họ đặt cược ở đây là đặt cược vào sự đổi mới. Bản chất của tôi là đổi mới. Bản chất của Nguyễn Bình Phương, Phan Hoàng, Lương Ngọc An, Bích Ngân và các thành viên khác trong Ban chấp hành là đổi mới. Khi tất cả cộng lại với nhau, ít nhất tôi tin rằng, chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt và bớt đi những gì chúng tôi đã mắc trong nhiệm kỳ trước về việc kết nạp hội viên, về phát triển văn học thiếu nhi, về văn học dịch và truyền bá tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới... Những đầu việc mà tôi vừa kể ra, chúng tôi đã làm rồi nhưng chưa như mong muốn. Chúng tôi sẽ nỗ lực làm để văn học Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, trẻ trung hơn, đổi mới hơn, có thể chứng tỏ với thế giới...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam 10 năm nên tôi biết, có nhiều khó khăn mà Ban Chấp hành mới phải vượt qua. Nhưng điều tôi đã hứa với Đại hội thì chúng tôi phải cố gắng hết sức để hoàn thành. Thực tế là các Ban Chấp hành trước đã làm được nhiều điều nhưng cũng còn có những thách thức khó khăn và chúng ta phải thay đổi để vượt qua nó. Sắp tới đây, chúng tôi phải tìm cách trao đổi với các hội viên, để họ thấy rằng những thay đổi là cái gì. Khi họ thấu hiểu thì mới chia sẻ được. Tôi nghĩ một trong những thách thức của chúng tôi là phần lớn các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đều lớn tuổi. Hội viên dưới 40 tuổi chỉ chiếm vài phần trăm. Các thế hệ nhà văn trong Hội Nhà văn Việt Nam chắc chắn có sự khác biệt. Nhưng sự khác biệt đó phải được dựa trên một nền tảng vì văn chương, vì con người, vì đức hạnh, vì tiến bộ văn chương, để chống lại bóng tối, kêu gọi mọi người làm điều thiện. Chúng tôi mời nhà thơ Hữu Thỉnh làm cố vấn vì có những điều có thể chúng tôi chưa biết tới, chưa chạm tới, có thể xảy ra, cần giải quyết và sẽ giải quyết bằng cách của chúng tôi, những người của thế hệ mới nhưng có sự đồng hành của ông.

Phóng viên: Điều hành Hội Nhà văn Việt Nam có hơn 1.000 hội viên với những cá tính khác nhau, đây chắc hẳn là thách thức không nhỏ của một tân Chủ tịch Hội như ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Các nhà văn mỗi người một cá tính. Cái khó nhất là chúng ta phải làm sao để lựa chọn được con đường chung cho tất cả, để mỗi người hướng những cá tính đó đến những điều thiện nhất, chia sẻ với họ, mang cho họ những giấc mơ. Khi chúng ta chọn được con đường đúng, con đường đại lộ, con đường các nhà văn đều muốn làm, thì cá tính của cá nhân chỉ là những phần rất nhỏ và có thể đó lại là điều hay khi họ mang đến những phong cách riêng biệt trong ngôn ngữ và trong sáng tạo nghệ thuật.

Phóng viên: Ông nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng, những năm gần đây việc kết nạp hội viên dường như dễ dàng hơn trước?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi khẳng định là có. Nhưng nếu kết nạp hội viên nào đó mà xã hội lên tiếng thì đó chỉ là những khiếm khuyết đáng yêu, vì những người viết muốn trở thành hội viên Hội Nhà văn. Tất nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng lựa chọn những người viết tốt nhất, đặc biệt là những người trẻ.

Phóng viên: Với cương vị là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trước mắt, ông sẽ làm gì để cố gắng thúc đẩy sáng tác và nâng cao đời sống của hội viên?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Việc sáng tác thuộc quyền của mỗi người. Không có ai, kể cả Ban Chấp hành cũng không “thò tay” được vào “căn phòng” viết của các nhà văn. Như trong diễn văn bế mạc tôi đã nói, thách thức của Ban Chấp hành rất lớn. Nhưng thách thức lớn nhất là đối với mỗi hội viên là thách thức trong “căn phòng” viết của mình. Tuy nhiên, có một điều quan trọng mà chúng tôi sẽ làm, phải làm, là phải công bằng với các tác phẩm, với các hội viên. Chúng tôi phải tìm cách truyền cảm hứng cho họ. Chúng tôi phải làm sao để họ có thể giao tiếp với các nhà văn lớn, tri thức lớn trên thế giới. Hội Nhà văn phải là nơi tôn vinh đúng nhất các tác phẩm, kêu gọi, đánh thức những năng lượng, những khả năng kỳ diệu nhất của nhà văn. Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay có 11 ủy viên nhưng tôi nghĩ, dù Ban Chấp hành có 1.000 ủy viên thì cũng không bao giờ chạm được vào ngòi bút của các nhà văn. Chúng tôi chỉ có thể làm cho họ thấy rằng, cần phải làm như họ thấy, họ cần, thông qua tổ chức các hội thảo, giao lưu, giải thưởng chuyên đề… một cách bài bản, thẳng thắn và sâu sắc hơn nữa.

Phóng viên: Mong muốn thì nhiều nhưng kinh phí hoạt động lại có hạn. Ông dự tính xử lý câu chuyện này như thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Kinh phí của Đảng và Nhà nước đã dành rất tốt cho các hội và tôi biết không thể làm hơn được nữa. Nhưng nếu để hội mở rộng hơn các hoạt động như dịch thuật, truyền bá văn học ra nước ngoài, giao lưu, thúc đẩy văn học trẻ, văn học thiếu nhi... thì việc xã hội hóa rất quan trọng. Tôi có quan hệ và làm bạn với không ít doanh nghiệp. Họ sẵn sàng làm những điều gì đó cho một nền văn hóa, văn học. Nhưng khi chúng ta làm gì, việc làm của chúng ta phải được họ tin tưởng là có lợi cho bạn đọc, cho xã hội thì họ sẽ ủng hộ. Chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục, kêu gọi doanh nhân, những người có khả năng cùng đồng hành, trợ giúp Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện những công việc, mong muốn của chúng tôi.

Phóng viên: Ông có ngại rằng công tác của Hội sẽ gây mất tập trung cho việc sáng tác?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi vẫn chuẩn bị triển lãm tranh vào đầu tháng 1, giới thiệu với công chúng 60 bức tranh lớn, chuẩn bị viết cuốn sách thứ 2 về hai đứa cháu, ra 2 tập thơ mới và khởi công viết kịch bản phim truyện mà tôi muốn nước ngoài làm về thành Cổ Loa. Tôi biết cách phân thân như tôi đã làm. Tất nhiên lần này sẽ khó hơn những lần trước, bởi nhiệm vụ sẽ khó khăn hơn.

Phóng viên: Xin cảm nhà thơ và chúc ông thành công hơn nữa trong vai trò mới và trong sáng tạo văn học nghệ thuật.

Hoa Nguyễn
.
.
.