Nhà văn Tô Hoài và những chuyện về Tết

Thứ Bảy, 02/02/2019, 16:09
Mỗi dịp Tết đến xuân về, đối diện với các lễ hội đầu năm, các phong tục lễ Tết, người ta thường nhớ về cố nhà văn Tô Hoài, người đã có hàng trăm trang sách viết về phong tục tập quán, người đã để lại một gia sản văn chương và văn hóa cho các thế hệ mai sau tiếp nối.

Ông đã có nhiều trang viết về phong tục lễ tết cổ truyền và những dư ba của trang viết đã là một dấu mốc của thời đại, để gìn giữ cho muôn đời sau. Như một câu châm ngôn khuyết danh đã nói: "Văn hóa không phải là cái mà chúng ta đã học được, ấy là cái gì còn lại sau khi chúng ta đã quên tất cả những điều đã học: Cái còn lại đó là tư tưởng, là đạo nghĩa, là thị hiếu và quan niệm, nó làm tăng gia và cao nhã cái ý thức của chúng ta về cuộc đời"...

Trong ngôi nhà tại phố Đoàn Nhữ Hài, Hà Nội, anh Phương Vũ, con trai của nhà văn Tô Hoài vẫn để phòng văn của cha anh, nhà văn Tô Hoài, nguyên vẹn như thời ông vẫn còn sống trong ngôi nhà của mình. 

Anh bảo, hồi còn khỏe mạnh, thường mỗi dịp Tết đến Xuân về, bao giờ nhà văn Tô Hoài cũng có rất nhiều bài báo xuân viết về phong tục tập quán hoặc văn hóa ngày Tết, đặc biệt là vùng núi Tây Bắc. Còn trong ngôi nhà anh, thì mọi thứ đến Tết được anh sắm sang đủ đầy cho cha mẹ anh để đón Tết từ cành đào Tây Bắc, mai vàng, cây quất trĩu quả, bánh chưng, cây giò... 

Anh Phương Vũ kể: Nhà văn Tô Hoài từng có những ngày thơ bé chỉ mong đến Tết lắm. Ngày Tết gói bánh chưng, làm bánh gai, giã giò, làm nồi cá kho. Tết chính vì thế mà kéo dài có khi đến cả tháng trời. Trẻ con được nghỉ học, đi chơi, có quà Tết là đôi guốc mộc, cắt tóc mới đón Tết. Hồi xưa còn có bánh pháo Tép thì tí tách cùng các bạn. 

Điều sung sướng nhất, sau đêm giao thừa, vào sáng mồng 1 Tết thì lên chùa hái lộc, đói thì hí hửng ăn miếng bánh chưng hay bát miến nấu với nước luộc gà đêm giao thừa. Sáng sớm sau một giấc ngủ đẫy đà thì cậu bé Tô Hoài hồi ấy hí hửng mắt nhắm mắt mở hồi hộp chờ được mừng tuổi mấy hào rồi chạy đi mở hàng Tết. 

Đó là những ký ức mà theo anh Phương Vũ, nhà văn Tô Hoài bao giờ cũng trân trọng, nuôi dưỡng trong suốt cả cuộc đời vì sự thơ ngây, trong sáng và đầy sự lạc quan tuổi nhỏ ấy đã giúp ông rất nhiều trong chặng đường của tương lai. Sau này, khi Tết đến xuân về, các con cháu tề tụ đông đủ, nhà văn Tô Hoài vẫn giữ được nếp nhà, mừng tuổi, mừng xuân cho các cháu.

Vợ chồng nhà văn Tô Hoài và hai cháu.

Trong cuốn "Truyện cũ Hà Nội" của nhà văn Tô Hoài in lần đầu năm 1980 ( sau này tái bản rất nhiều lần) ông đã viết về những dư vị Tết Hà thành với 9 bài viết về mùa xuân, lễ hội, Tết như "Đón giao thừa", "Những ngày áp Tết", "Đêm giao thừa", "Hội làng", "Pháo", "Giỗ Tết", "Khai bút", "Chơi chùa", "Tảo mộ". 

Ông viết trong "Những ngày áp tết": "Chợ Bưởi có ba phiên chợ Tết vào cuối tháng Chạp: mười chín, hăm bốn, hăm chín. Năm nào hăm chín bắt làm ba mươi, chợ cuối năm càng đông và tất bật. Phiên chợ Tết cũng gọi là phiên chợ trâu bò. Bởi vì, cả năm, chỉ đến chợ Tết, các làng làm ruộng trong vùng mới đem bò ra chợ bán”.

 Rồi lại nghe người ta nói mà biết nhận xét: “Chợ mười chín là chợ của người có tiền. Ai sẵn tiền thì sắm Tết sớm. Phiên hăm bốn, chợ của mọi người ta thường thường. Chợ hai mươi chín là chợ người nghèo. Nhà nghèo chạy cái Tết bở hơi tai, cho đến hôm tất niên mới mò được ra chợ mua miếng thịt lợn, nén hương gọi là cho có Tết nhất. 

Vẫn nhớ những phiên chợ Tết Bưởi như vậy. Và nhớ thể nào tôi cũng có bánh pháo tép dài bằng gang tay. Chốc chốc lại ra thúng hàng cụ Lựu mua miếng khế khô tẩm mật gừng về ngậm. Thế nào u tôi cũng sắm cho tôi đôi guốc mộc mới. Và, cái đầu tôi được cạo trọc lốc, trắng hếu, đầu mới để ăn Tết”. 

Với nhà văn Tô Hoài, tục "Khai bút đầu xuân" cũng được ông duy trì như một truyền lệ của riêng ông, với ý nghĩ “tống cựu nghênh tân”. Ông đã viết về thói quen khai bút đầu xuân của mình: “Không nhớ tôi còn có cái thích khai bút từ năm nào. Nhưng đến bây giờ vẫn giữ cái thói quen hay hay ấy. Và vẫn nhớ tôi khai bút năm mới từ những năm còn xa xôi với nghề văn. 

Khai bút loăng quăng vào nhật ký, làm bài thơ, viết cái thư, viết vẩn vơ… Rõ ràng một điều gì chờ đợi. Đến khi làm nghề văn thì mỗi năm tôi khai bút bằng viết một truyện ngắn. Tôi thường viết cái truyện ngắn trong đêm giao thừa cho đến quá nửa đêm. Đêm giao thừa thức nghe cái nửa đêm cuối cũng là cái nửa đêm mới nhất của hai năm nối nhau... 

Biết bao nhiêu người đã không ngủ đêm giao thừa, từ xưa tới nay. Năm cũ qua, năm mới đến, tiếng chuông chùa văng vẳng ngân ngư xa xa, người thắp nén hương mới, người thay bát nước cúng trên bàn thờ rồi bước ra nhìn vòm không và bóng tối quanh mình, như tìm cho thấy kì được sắc xuân đang sang”.

Theo tục lệ, mỗi sáng sớm giao thừa, người người đi Chùa hái lộc cầu mong một năm mới an lành, may mắn và thắng lợi, theo văn hóa tâm linh của người Việt, thì nhà văn Tô Hoài, cũng có những cảm nhận khác nhau về việc đi chơi chùa: “...Đi chùa, lên chùa, chơi chùa, mặc dầu có lệ tuần rằm, mùng một và hội chùa, nhưng cửa từ bi thì quanh năm khách thập phương với người làng đến lễ bái ngày nào cũng được... Tết nhất chùa chiền càng rộn ràng. Các vãi đã lên nhang đèn sớm tối cả năm, người sắp về cõi càng gần gũi Phật, cả ba ngày Tết hầu như thay nhau túc trực đêm ngày trên chùa. 

Các bác, các cô thì ngày Tết đi chùa xóc thẻ cầu tài, cầu lộc, cầu duyên. Trai thanh, gái lịch chơi chùa làng hay chùa xa suốt mấy ngày Tết. Nhưng thăm thú danh lam thắng cảnh cửa Phật thì lại nhiều nam giới, nhất là các cụ ông... 

Cái đình và cái đền, miếu khác hẳn với chùa. Đình miếu tôn nghiêm, chỉ mở cửa khi có sự, các nhà chức việc, các ông từ, ông tự vào ngày sóc vọng thắp hương, ngày hội lễ tế rước xách. Có khi họp hội đồng hay có các quan phủ, quan tổng đốc về. Khách vãng cảnh thì chỉ dạo quanh ngoài”.

Bìa sách Dế mèn phiêu lưu ký.

Nhà văn Tô Hoài là người gắn bó sâu sắc với miền Tây Bắc, gần như suốt cả một thời trai trẻ, ông ở miền đất ấy. Chính vì thế, trong trang văn của ông, con người và đời sống của người dân tộc miền núi được phản ánh một cách chân thật trong văn học Việt Nam, đặc biệt trong tập "Truyện Tây Bắc". 

Anh Phương Vũ kể, với vốn hiểu biết, sự quan sát tinh tế và chi tiết của nhà văn Tô Hoài, lần đầu tiên Tây Bắc hiện lên như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với những phong tục tập quán độc đáo, trở thành một nét đặc điểm nổi bật và đầy sự hiếu kỳ cho độc giả, đặc biệt nhất là những đêm tình mùa xuân, những ngày Tết trên vùng cao. 

Nhà văn Tô Hoài viết: “Ở Hồng Ngài người ta thành lệ cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể ngày, tháng nào... Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho”. 

Điều đặc biệt rõ rệt, trong văn của ông, vùng cao hiện lên đủ đầy nét xuân với âm thanh của tiếng khèn, tiếng sáo như là phương tiện giao tiếp của đồng bào nơi đây “Anh ném pao, em không bắt. Em không yêu, quả pao rơi rồi”. Tiếng sáo là cách thổ lộ tình cảm của các chàng trai miền sơn cước “Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách” hay “Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi”, “Tiếng sáo réo rắt suốt đêm ngời đầu núi tranh”... 

Tết của đồng bào vùng cao trong văn của ông: “Ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm cái sân chơi chung ngày Tết. Trai gái, trẻ con ra sân chơi ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy”, “Trai gái kéo nhau lên núi chơi. Đi chơi trên núi từng đoàn” hay “Các chị Mèo đỏ, váy thêu, áo khoác, khăn hoa chùm rực rỡ. Các chị Mèo trắng chít khăn xếp phẳng lì, tóc mai cạo xanh nhẵn”...

Anh Phương Vũ cũng chia sẻ, bởi là người am hiểu văn hóa các vùng miền, nên với nhà văn Tô Hoài, mùa xuân là mùa của sáng tạo, ông viết nhiều vào dịp Tết đến xuân về. Thời gian chủ yếu của ông là ngồi trên bàn văn để viết, ông viết mọi lúc, mọi thể loại. 

Đặc điểm lớn nhất mà anh Phương Vũ trân trọng ở cha anh, đó là ông ghi chép tỉ mẩn, sổ ghi chép dày cộp nhưng cần đến đâu, ông tìm đúng quyển sổ ấy đến đó. Chính vì vốn tư liệu rất phong phú, nên thường thì ông viết nhanh và chính xác. Có lẽ đó cũng là một trong những điểm mạnh để nhà văn Tô Hoài có được nhiều cuốn sách hay, đầy chi tiết.

Bây giờ, Tết đối với gia đình nhà văn Tô Hoài, đó là sự chăm sóc cho người mẹ yêu quý để bà được vui trong những ngày vắng ông. Với anh Phương Vũ, mỗi dịp Tết đến, anh về thăm mộ nhà văn Tô Hoài, mang theo cút rượu, bình hoa và những thứ ông thích để mời vong linh ông về nhà ăn Tết với gia đình, con cháu, để cầu mong một năm mới an lành, như những gì cả một thời xưa khi còn sống, ông vẫn làm với các bậc tiền nhân trong gia đình, dòng tộc... 

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.