Để lễ hội truyền thống không lệch lạc, biến tướng

Bài 1: Hưởng thụ giá trị văn hóa trong lo lắng, bất an

Thứ Bảy, 23/02/2019, 07:53
Trong số gần 8.000 lễ hội đã được thống kê trên cả nước, ước tính, có khoảng 80% là lễ hội dân gian, truyền thống. Đặc biệt từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch hàng năm, lễ hội truyền thống mang giá trị văn hóa, tín ngưỡng của từng vùng, miền, địa phương diễn ra liên tục.

Đây là hoạt động nên được khích lệ nếu trong nhiều năm gần đây, lễ hội truyền thống không thường xuyên trở thành tâm điểm của các đợt chỉ trích bởi những hoạt động lệch lạc, biến tướng, phản cảm. Ứng xử như thế nào với hoạt động lễ hội truyền thống đang là bài toán cần lời giải chính xác hơn, không chỉ cho năm 2019 mà còn cho nhiều mùa lễ hội sắp tới.

Năm 2019, về cơ bản các lễ hội đã diễn ra an toàn, lành mạnh, mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, qua theo dõi một số lễ hội đã được tổ chức đầu xuân và di tích ở các tỉnh, thành chúng tôi thấy lễ hội vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Đó là tổng kết sơ bộ của Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Nhưng cũng liên quan đến mùa lễ hội này, chỉ trong ngày 20-2, cả Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phải liên tiếp ra văn bản nhằm chấn chỉnh những biến tướng trong hoạt động tín ngưỡng mùa lễ hội 2019. Thực tế, những ứng xử phản văn hóa, ứng xử xấu xí trong lễ hội vẫn là những vấn đề nhức nhối tại rất nhiều địa phương mà chúng tôi ghi nhận được trong nửa đầu mùa lễ hội này.

Theo dòng người trẩy hội chùa Hương, hơn 4h sáng ngày 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi (tức ngày 10-2-2019), chúng tôi lên đò xuôi dòng Yến để vào bến Thiên Trù, hòa vào hàng nghìn thuyền đò đang tấp nập ngược xuôi. Mỗi con thuyền nhỏ chở khoảng 20 người nhưng chỉ có một số ít cục nổi mà nhà đò gọi là phao.

Có nhà đò còn cẩn thận cho vào lồng sắt, khóa lại với lời giải thích là để chống trộm. Vì ngày khai hội chùa Hương rơi đúng vào ngày nghỉ cuối cùng của đợt nghỉ Tết Nguyên đán nên nơi đây đón tiếp lượng khách kỷ lục (khoảng 120.000 lượt người). Hơn 5h sáng, chúng tôi đã rất vất vả để có thể nhích từng chút một xuống động Hương Tích, một đích đến được cho là quan trọng nhất trong hành trình các điểm đến ở chùa Hương.

Khi vào đến trong động, hàng nghìn người đã nêm chật kín những khoảng trống nhỏ bé cố hữu của nơi thờ Phật. Có người đang thành tâm lễ bái; có người đang ghi tiền vào sổ công đức; có những người lại đang chen chúc hứng những giọt nước được cho là linh thiêng từ trên trần của động nhỏ xuống; có người đang cầm tiền chà vào những vách đá cầu may…

Ở phía hông của động, nhiều người nằm, ngồi vạ vật nghỉ ngơi sau hành trình vất vả lễ Phật từ đêm sớm. Họ trải những chiếc túi nilon, những mảnh bạt nhỏ rồi bày đồ ra tranh thủ ăn uống. Không ít người thiếu ý thức ra về, để tất cả số rác vừa tạo ra trước nơi thờ tự.

Đám đông quá khích phản đối quyết định dừng tranh Phết của cơ quan quản lý năm 2019.

Đi ra khỏi động lúc này là hành trình thực sự “kinh hoàng”. Vì dòng người đi vào đã choán hết đường, nhiều người không đủ kiên nhẫn quyết định trèo qua tường, trong đó có cả những bậc phụ huynh mang theo con nhỏ. Thành tường cao chừng hơn 1m. Khách vượt qua tường có thể rời lối đi chính, ra khỏi động theo lối mòn bên vách, nơi có những hốc đá gộc, sắc nhọn có độ dốc cao nằm chênh vênh, khúc khuỷu, rất nguy hiểm.

Chỉ ít phút sau, “sáng kiến” này được đông đảo du khách khác hưởng ứng, gây nên cảnh hỗn loạn. Rất may sau đó lực lượng Công an đã có mặt để khống chế tình hình và lập lại trật tự.

Bên ngoài động Hương Tích, chúng tôi chứng kiến khá nhiều gian hàng bán các loại đồ chơi mang tính bạo lực như súng bắn đạn nhựa có độ nguy hiểm cao, đốt giấy tiền, vàng mã có đòi thu phí, trả công…

Lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định) đêm 14 tháng Giêng (19-2), địa phương, nhà đền đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước đó. Thời điểm kiệu ấn được rước từ sân đền Cố Trạch sang sân đền Thiên Trường, chỉ đại biểu có giấy mời và thẻ mới được đứng ở trong sân. Tất cả những người còn lại đều phải đứng ở ngoài cổng đền, cách chừng 300m với hàng trăm cán bộ chiến sĩ Công an canh giữ chốt chặn nghiêm ngặt.

Thế nhưng, không ít du khách, trong đó có cả các đại biểu vẫn cố tình vo tiền ném lên kiệu ấn để… cầu may. Nhiều đại biểu còn cố gắng chen lại gần để cố nhét tiền hoặc chà tiền vào kiệu, bất chấp hàng rào an ninh, bỏ ngoài tai mọi lời nhắc nhở của lực lượng này.

Một số người còn tìm mọi cách để “chui” vào phía bên trong đền Thiên Trường trong giờ Tý – thời khắc được cho là thiêng liêng nhất của lễ khai ấn khiến lực lượng an ninh khá vất vả mới ngăn cản, bảo vệ được sự tôn nghiêm của nơi thờ tự.

Khu di tích Yên Tử, Quảng Ninh, từ trước ngày khai hội 14-2 (mùng 10 tháng Giêng),  hàng vạn du khách thập phương đã đổ về trẩy hội. Không quản ngại thời tiết mưa, lạnh, từ nửa đêm về sáng, hàng ngàn người vẫn vượt đường, lên núi, thành kính bái ngưỡng Phật Hoàng.

Yên Tử hấp dẫn khách thập phương còn bởi hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am, tháp, hàng ngàn di vật cổ chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa thời Đại Việt. Thế nhưng, ngay trong những ngày đầu mùa lễ hội 2019, khách du xuân, lễ Phật lại thi nhau dùng tiền xoa vào chuông, chà lên tường ngôi chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử để cầu may.

Bất chấp khuyến cáo của ban tổ chức, chỉ cần người của ban quản lý lơ là một chút, khách hành hương lập tức lặp lại hành vi mê muội.

Phó trưởng ban quản lý quần thể di tích danh thắng Yên Tử, ông Phạm Văn Dược than thở: Không biết từ bao giờ, nhiều người đi lễ chùa lại truyền tai nhau dùng tiền xoa lên chuông, tường chùa thì sẽ “cầu được, ước thấy”. Để chấn chỉnh tình trạng này, ban tổ chức đã chuẩn bị các nội dung tuyên truyền, phát loa liên tục trước các điểm di tích khi có đông khách tập trung.

Khu vực đặt chuông và bên chùa Đồng – một trong số các điểm hay tái diễn tình trạng trên, ban quản lý phải cắt đặt người đứng canh, ngăn chặn, nhắc nhở du khách. Cán bộ nhân viên của ban quản lý không nhiều, phải chia ra nhiều điểm, không thể lúc nào cũng chỉ ở cạnh chuông hay một điểm chùa để canh chừng.

Tuy nhiên, đỉnh điểm của hành vi phản văn hóa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự nhất trong mùa lễ hội năm 2019, tính đến thời điểm hiện tại, có lẽ là lễ hội Phết, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Vĩnh Phúc. Được tổ chức thường niên vào ngày 12 và 13 tháng Giêng hàng năm, trong đó ngày chính hội là ngày 13.  Đây là lễ hội truyền thống của địa phương nhằm thể hiện sự thành kính, tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của Nữ tướng Thiều Hoa và nghĩa quân của bà đã giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán.

Lễ hội cũng là hoạt động nhằm giáo dục lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam. Sau nhiều năm liên tục bị chỉ trích vì những hình ảnh bạo lực, mất an ninh trật tự trong quá trình tổ chức, từ sau mùa lễ hội 2018, cơ quan quản lý đã yêu cầu ban tổ chức xây dựng đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan.

Theo đề án đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể  thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ thẩm định, hội Phết 2019 sẽ không để cho người dự hội tranh Phết tự do. Chỉ có 100 người được ban tổ chức lựa chọn, sắp xếp thành 2 đội mới được tham gia tranh Phết. Phục vụ cho lễ hội và đề phòng người dự hội tự ý tràn vào tranh cướp, ban tổ chức đã chuẩn bị cả một bãi Phết rộng khoảng 1.000m2, được bố trí đến 4 lớp hàng rào, căng dây chằng, có lực lượng an ninh ở quanh các lớp rào. 

Chiều ngày 12 tháng Giêng (16-2), dù chưa diễn ra chính hội nhưng đám đông đã phá vỡ hàng rào bảo vệ, tràn vào cướp Phết. Lễ hội không đảm bảo được an ninh, an toàn trong phần đánh Phết như đề án đã xây dựng nên UBND huyện Tam Nông buộc phải yêu cầu dừng hoạt động hội này. Hội Phết 2019 tiếp tục đối diện nguy cơ mất an ninh trật tự khi ngày chính hội, ban tổ chức hoàn thành các nghi thức tế lễ nhưng không tung Phết như các năm mà thông báo kết thúc lễ hội. Không khí ngột ngạt căng thẳng khi cửa đình chật cứng bởi đám đông quá khích la ó phản đối quyết định của ban tổ chức, đòi thực hiện cướp Phết và yêu cầu lãnh đạo xã ra giải thích.

Đích thân Chủ tịch UBND xã Hiền Quan, ông Bùi Văn Thanh phải trực tiếp phát loa giải thích, kêu gọi người dân ủng hộ quyết định của cơ quan quản lý cấp trên. Sau hơn 2 giờ căng thẳng, không khí mới tạm lắng khi hầu hết đám đông phản đối chịu giải tán. Hội Phết Hiền Quan kết thúc với những dư âm không đẹp với không ít hoài nghi, tranh cãi mà chắc chắn, nếu không giải quyết khéo léo sẽ còn dẫn đến những tình huống khó lường trong mùa lễ hội tiếp theo.

Hoa Nguyễn – Vũ Cảnh
.
.
.