Ba cựu chiến binh giới thiệu bộ sách tri ân đồng đội

Thứ Năm, 25/07/2019, 15:50

Nhân kỷ niệm 40 năm cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc (1979 -2019),  72 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, bộ sách “Bốn mùa” của ba cựu chiến binh gồm: “Mùa linh cảm”, “Mùa chinh chiến ấy” – nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn; “Mùa xa nhà” – nhà văn Nguyễn Thành Nhân; “Rừng khộp mùa thay lá” – tác giả Nguyễn Vũ Điền ra mắt bạn đọc.


Nhà văn- nhà biên kịch Đoàn Tuấn, nhà văn Nguyễn Thành Nhân và tác giả Nguyễn Vũ Điền đều là cựu binh từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Các tác phẩm phác họa về một thời đạn bom, thời của những người lính đôi mươi ở chiến trường nước bạn để thực hiện nhiệm vụ quốc tế, đẩy lùi nạn diệt chủng Pon Pol.

Bộ sách "Bốn mùa".

Từ cái nhìn của những người trong cuộc, người lính hiện lên với đầy đủ nét đáng yêu, hồn nhiên và cả những gì đời thường, giản dị nhất. Họ đến từ nhiều miền quê, mỗi người một cảnh nhưng sống chân thành, gắn bó chia sẻ những khó khăn, giúp đỡ nhau trên đường hành quân.

Đó còn là suy ngẫm của người lính về chiến tranh, về sự sống – cái chết, về giá trị của hòa bình. Trên chiến trường khốc liệt, đối mặt sự trần trụi và bi thảm của cuộc chiến, họ đi giữa lằn ranh sinh tử. Nhưng ngay khi ngã xuống, những cái chết ấy cũng lấp lánh tình người, mang ý nghĩa cao cả: chiến đấu vì phẩm giá con người, vì độc lập tự do.

(Từ trái qua) Nhà văn Đoàn Tuấn, Nguyễn Thành Nhân và Nguyễn Vũ Điền tại buổi giao lưu ra mắt bộ sách.

Dù đã trải qua 40 năm nhưng cuộc chiến ấy vẫn như ngày hôm qua, sinh động và ngồn ngộn hiện thực trên từng trang văn. Tình quân dân Việt Nam – Campuchia cũng được thể hiện xúc động, đầy thiêng liêng trong các tác phẩm. Thông qua bộ sách, thế hệ hôm nay biết thêm rằng đã có một thời tuổi trẻ cha anh đã sống và chiến đấu như thế.

Lấy tên “Bốn mùa” cho bộ sách, nhóm tác giả muốn nhấn mạnh rằng không phải chờ đến dịp 27-7 hàng năm mới là dịp đền ơn đáp nghĩa mà lòng biết ơn thương binh, liệt sĩ được ý thức từng ngày, xuyên suốt qua bốn mùa. Và viết cũng là cách để ba tác giả tri ân đồng đội, tri ân những người đã nằm lại biên giới.

Bút ký “Mùa linh cảm” và hồi ký “Rừng khộp mùa thay lá” là hai tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng. Riêng tiểu thuyết “Mùa xa nhà” và hồi ký “Mùa chinh chiến ấy” đã được in lần ba nhưng có bổ sung, sửa chữa đầy đủ hơn do độ lùi thời gian khi nhìn về cuộc chiến.

Ngoài bộ sách “Bốn mùa”, Nhà xuất bản Trẻ cũng cho ra mắt các tựa sách khác cùng chủ đề như: “Lính Hà” (Nguyễn Ngọc Tiến), “Những mùa xuân con không về” (nhiều tác giả) và “Mình và Họ” (Nguyễn Bình Phương) viết về chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.


Quỳnh Nga
.
.
.