Báo CAND và các ấn phẩm: Bệ đỡ cho nhiều tác phẩm văn chương
Báo Công an nhân dân (CAND) và các ấn phẩm Chuyên đề của Báo CAND xưa nay đã trở thành một trong những địa chỉ quen thuộc của nhiều tác giả và độc giả. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo đã tin tưởng gửi gắm tới Báo CAND những sáng tác, những tâm tư và ý kiến đóng góp cho xã hội, cho chính lực lượng CAND với sự tin cậy tuyệt đối. Nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên, chúng tôi có cuộc trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ từng nhiều năm gắn bó với các ấn phẩm Báo CAND.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: "Tôi có nhiều duyên nợ với Báo CAND"
Tôi trở thành cộng tác viên của Báo CAND khi Báo còn đang phát hành nội bộ, chuyên đăng những chuyện vụ án. Hồi đó tôi vẫn nhớ có anh Tuấn Anh, Thư ký tòa soạn đã rất ủng hộ tôi và các cộng tác viên, trong đó có các nhà văn nhà thơ vì đã mang vào một cách viết khác hoàn toàn với những câu chuyện vụ án khác. Cũng là chiến sĩ cảnh sát, cán bộ an ninh nhưng bên trong hình ảnh tưởng chừng nghiêm nghị, khô khan lại là những tâm hồn bình dị, sâu sắc và nhạy cảm. Tôi từng viết những câu thơ như thế này về các anh: "Có một ngọn đèn trong đêm rất khuya/ Âm thầm sáng âm thầm giữ lửa/ Đi dọc những cuộc đời bình yên như giấc ngủ/ Ngọn đèn đi rất nhẹ có ai hay". Những người chiến sĩ Công an, với tôi, họ là những ngọn đèn. Ngọn đèn chiếu sáng là biểu tượng cho những người canh giữ sự bình yên cho cuộc sống. Những chiến sĩ CAND trong đêm tối họ là ngọn đèn sáng, chiếu những ánh sáng bé nhỏ nhưng bền bỉ. Chúng tôi, những nhà văn viết báo, luôn muốn có cái nhìn nhân văn trên những trang viết của mình.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều. |
Điều khiến tôi đầy sự phấn khích khi nhớ lại kỷ niệm về những ngày đầu làm cộng tác viên Báo CAND, tôi được phát một thẻ thông tin viên. Thẻ là một tấm "bùa hộ mệnh" cho tôi lúc đi đường hay đi mua vé xe khách. Thời kỳ khó khăn ấy, đợi chờ lâu lắm, tôi trình thẻ bao giờ cũng được giải quyết ngay. Bản thân tôi khi cộng tác với Báo CAND cũng đã rút ra được cho mình khá nhiều bài học quý giá. Có một số bài viết về vụ án của tôi được thầy cô trong trường công an sử dụng như một tài liệu của một bài giảng ngoại khóa cho sinh viên. Sau này, khi Báo CAND ra phụ trương Văn hóa - Văn nghệ Công an, An ninh Thế giới Giữa tháng - Cuối tháng, tôi tham gia viết bài, trực tiếp phụ trách chuyên mục chủ yếu là chân dung các văn nghệ sĩ. Tôi cũng may mắn được Nhà văn Hữu Ước ngày ấy tin tưởng cho đồng hành khi ra tờ Chuyên đề Cảnh sát Toàn cầu với số lượng có thời điểm lên tới hơn chục vạn bản. Đặc điểm của các ấn phẩm phụ trương là không chỉ nói đến các vụ án, không chỉ đưa các thông tin nội bộ của ngành mà các ấn phẩm Báo CAND đã truyền tải một trữ lượng tri thức, văn hóa rất lớn, chiếm được cảm tình và lòng tin của người đọc và trở thành những ấn phẩm bán chạy có tiếng, phù hợp với thị hiếu của người đọc. Đó cũng là một trong những tờ báo đã mở ra một khung trời mới, một quan niệm mới về báo chí Công an, không chỉ là dành cho nội bộ lực lượng, mà còn là món ăn tinh thần đặc sắc cho những tầng lớp nhân dân lao động quan tâm đón chờ.
Có một sự thật là những người tác động và gây ấn tượng mạnh cho tôi khi đến với nghề báo đều ở Báo CAND. Anh Trần Kính, một người Nam Bộ là người động viên tôi rất nhiều khi đến với nghề báo. Anh thường xuyên thúc giục tôi, động viên tôi mỗi khi tôi có bài viết. Anh Hữu Ước thì khích lệ và cho tôi toàn quyền với những sáng tạo câu chữ. Anh Nguyễn Như Phong, một trong những phóng viên Báo CAND kỳ cựu thời bấy giờ, thì gây ấn tượng với sự độc đáo, tính tự do phóng khoáng, trữ lượng văn hóa lớn trong mỗi bài báo... Cho đến nay, các ấn phẩm của Báo CAND vẫn là một trong những địa chỉ quen thuộc của các nhà văn, nhà thơ. Đặc biệt Tổng biên tập, Nhà thơ Phạm Khải, anh cũng gắn bó với các chuyên đề của báo ngay từ những năm đầu. Báo CAND đã xóa nhòa ranh giới là một tờ báo ngành và trở thành một trong những tờ báo cần cho độc giả. Bản thân tôi thì vẫn có duyên nợ bền chặt với Báo CAND.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: “những dấu ấn không thể quên!”
Tôi có nhiều năm cộng tác với Báo CAND với tư cách là một nhà văn - biên tập viên truyện ngắn và là một nhà báo viết mảng chân dung văn nghệ. Khi ra mắt tờ Văn hóa - Văn nghệ Công an, tôi đã được bác Phạm Văn Dần, khi đó là Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND - Bộ Công an bảo về làm phóng viên báo. Tôi đã đồng ý với bác, nhưng vì khi đó tôi đang mang bầu con thứ 2 gần đến ngày sinh, không thể đi lại nhiều lo cho công việc nên lại thôi. Khi sinh con xong thì công việc khác lại cuốn tôi đi nên sau đó tôi đã làm công việc khác. Tuy nhiên, với Báo CAND, các ấn phẩm An ninh Thế giới tuần, An ninh Thế giới Giữa tháng - Cuối tháng, Văn nghệ Công an, thì như là ngôi nhà thứ hai của tôi. Nơi đây những truyện ngắn hay nhất của tôi được đăng, và với số lượng phát hành lớn như thời ấy thì đó là một sự khích lệ rất lớn. Nhuận bút thời điểm ấy đối với những nhà văn sống bằng nghề như chúng tôi đã là khá rồi, nên sự hăng say viết và cộng tác cho các ấn phẩm của Báo CAND thực sự là một nhu cầu và một sự trân trọng đối với văn nghệ sĩ. Thời nay cho dù báo giấy không còn phát triển như xưa, nhưng rõ ràng, những kỷ niệm với Báo CAND là một dấu ấn không thể quên trong sự nghiệp viết văn, làm báo của những nhà văn, nhà thơ như chúng tôi.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. |
Nhà văn Phan Đình Minh: “Báo là ngôi nhà chung của những nhà văn Công an”
Một trong những truyện ngắn đầu tiên của tôi được đăng trên Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an (nay là Chuyên đề Văn nghệ Công an) là truyện "Gió lạnh" và được nhà văn Nguyễn Như Phong, khi ấy là Thư ký Tòa soạn, rất tâm đắc. Truyện viết vào khoảng năm 1987. Sau khi đọc bản thảo của tôi, hai anh em sung sướng ôm chầm lấy nhau trên cái ghế chật trong phòng làm việc vì “Đã lâu lắm rồi tớ chưa được bản thảo truyện ngắn nào ứng ý thế này”. Và hai ngày sau, truyện ngắn đã in trên ấn phẩm Văn hóa - Văn nghệ Công an. Tôi nhớ đăng truyện ngắn xong, Nhà văn Nguyễn Như Phong còn xuýt xoa mãi: “Nhuận bút ít quá. Minh thông cảm”. Hôm sau, anh gọi tôi sang phòng làm việc, dúi thưởng cho tôi nửa cân chè Thái Nguyên… “Tặng chú, thêm vào nhuận bút”. Không biết anh “lấy trộm” hay xin chị nhà cho tôi, và chắc chắn là bạn bè văn chương của tôi hồi ấy rất nhiều người đã được uống “nước trà anh Như Phong” “thuổng” của chị nhà. Sau truyện ngắn "Gió lạnh" đó, tôi xuất hiện đều đặn với các truyện ngắn: "Kỷ vật người cha", "Bạn cũ", "Cao Cả Xuề"...
Có những năm, cứ đến ngày 29 tháng Chạp, tôi, nhà văn Sương Nguyệt Minh và Nhà thơ Phạm Khải, khi đó anh Phạm Khải đang phụ trách tờ Văn nghệ Công an, thường rủ nhau đi uống chút gì, ăn chút gì gọi là tất niên, chào năm cũ… những diễn đàn nhỏ chiều 29 Tết của chúng tôi có lẽ là một sân văn “bé nhỏ, thăng hoa” của nhiều nhà văn, nhà thơ, của nhiều cây bút giờ cũng đã ngũ, lục tuần… Cũng tại những cuộc đó, nhiều ý tưởng của các tác phẩm đã nung nấu ra đời.
Nhà văn Phan Đình Minh. |
Tôi nhớ Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an, Báo CAND và Chi hội Nhà văn Công an thường tổ chức nhiều cuộc đi trại viết trải dài từ Bắc vào Nam từ những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, là nền móng bước vào văn chương của tôi trải dài theo tờ báo và được Báo "nhà" nâng đỡ trưởng thành. Tôi nghĩ nền móng khởi đầu là quãng đường dằng dặc gây dựng, nâng đỡ từ tờ Báo "nhà" bao đỗi thân thương với những bài viết nhỏ đến các truyện ngắn, bút ký về lực lượng, về bình yên cuộc sống. Báo CAND với tôi là một niềm nhớ, gần gũi với một nhà văn trưởng thành từ cơ sở hơn 40 năm công tác như tôi... Và đấy là một diễn đàn văn học đầu tiên để tôi trao đổi từ những tháng ngày chập chững bước vào nghề viết.
Có một kỷ niệm đáng nhớ và gắn bó tôi với Báo CAND, đó là vào năm 1999, Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an - Bộ Công an - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trại Cây Bút Vàng tại Nha Trang, tham dự trại viết có nhiều nhà văn nổi tiếng như Ma Văn Kháng, Triệu Huấn, Cao Tiến Lê, Cao Duy Thảo, Giang Nam và rất nhiều các nhà văn thành danh bây giờ như Sương Nguyệt Minh, Huỳnh Thạch Thảo, Như Bình, Nguyễn Minh Ngọc, Bạch Lê Vân Nguyên, Nguyễn Tam Mỹ.... Đó là trại viết Cây Bút Vàng lần 2.
Một tháng trại viên dưới sự “cai quản” của trại trưởng Phan Quế, Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an đã đưa các nhà văn, các cây bút đi thực tế tại nhiều trại giam trên địa bàn và các tỉnh lân cận để chúng tôi khai thác những mảnh đời, những số phận, những tấm gương chiến sĩ CAND chiến đấu vì bình yên cuộc sống. Sau đó truyện ngắn "Kỷ vật người cha" viết trong đợt tham gia trại viết này đã được đăng trên Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an. Trong cuộc đời viết văn của tôi, đây là một truyện ngắn đáng nhớ. Tôi nghĩ chỉ có những trại viết giàu tính học thuật như thế mới tạo nên các tác phẩm tốt, phục vụ cho sự nghiệp viết về Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống.