9x công bố dự án đương đại hóa tranh Đông Hồ

Thứ Năm, 08/02/2018, 09:54

Dưới sự tư vấn của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - một trong 2 nghệ nhân Đông Hồ duy nhất còn lại của Việt Nam, 3 họa sỹ đời 9x đã có buổi giới thiệu dự án “Đương đại hóa tranh Đông Hồ” tại TP.HCM vào chiều ngày 7-2. 



Trên nền chất liệu cổ điển vốn có của tranh Đông Hồ, các họa sỹ trẻ 9x diễn tả đời sống hiện đại thông qua tác phẩm của mình.

Đó là “Em bé ôm gà trống selfie” (họa sỹ Phạm Quang Phúc) với hình ảnh em bé miền Nam ôm gà Trống ngậm đồng xu “selfie” được lấy cảm hứng từ bức tranh Vinh Hoa “Cậu bé ôm gà” trong tranh Đông Hồ, biểu hiện nguyện ước sinh sôi, mong muốn sinh được cậu bé trai khỏe mạnh; sau này lớn lên sẽ thành người thành đạt và hiện đại, có đầy đủ 5 đức tính đáng quý của như chú gà Trống.

Tác phẩm "Em bé ôm gà trống selfie".

Đó là hình ảnh bà Nguyệt se duyên được gắn liền với các hình ảnh mạng xã hội hiện đại ngày nay như Facebook, Instagram, Twitter,.. mang ý nghĩa về việc mạng xã hội như bà Nguyệt ngày nay gắn kết các đôi trẻ với nhau trong tác phẩm “Bà Nguyệt se duyên” (họa sỹ Phương Trinh).

"Bà Nguyệt se duyên"

Đó còn là “Đấu vật” (họa sỹ Phạm Rồng) với hình ảnh các bạn trẻ tập luyện trong phòng gym, là sự kết hợp giữa bộ môn đấu vật trong truyền thống và không gian hiện đại, tranh thể hiện sự mạnh mẽ của các nhân vật. Từ đó mong muốn một năm mới tràn đầy sức khoẻ và luôn khoẻ mạnh.

"Đấu vật".

Để trình làng bộ tranh đương đại hóa tranh Đông Hồ này, 3 họa sỹ trẻ đã có chuyến ra Bắc thăm quê hương của tranh Đồng Hồ, nói chuyện với nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và tìm hiểu về một trong những dòng tranh truyền thống của nước ta. Dự án thể hiện thông điệp chúc phúc cho một năm mới tràn đầy “Sức khỏe – Thịnh vượng – Hạnh phúc”; đồng thời mong muốn làm phong phú hơn kho tàng tranh dân gian Việt Nam.

Dự án khi công bố nhận được nhiều sự quan tâm trái chiều từ công chúng. Hỏi nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, liệu “đương đại hóa” như vậy, tranh Đồng Hồ có mất chất không? Ông chia sẻ: “Tranh Đông Hồ có những đặc điểm không thể thay thế được. Chẳng hạn như giấy là phải từ cây dó trên rừng, màu thì phải giữ được cái hồn của nó, màu trắng từ con điệp, màu đỏ từ hòn sỏi trên núi, màu vàng từ hoa hòe, màu đen từ lá tre, màu xanh từ cây tràm… Cụ Hoàng Cầm từng nói, màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp là vì thế. Các bạn trẻ dù đổi mới nội dung cho hợp với thời đại nhưng vẫn dựa trên nền tảng chất liệu vốn có của tranh Đồng Hồ. Vì thế, không có chuyện một ngày dòng tranh này sẽ bị biến chất. Nếu mất chất, là biết liền. Người xem tranh Đông Hồ họ tinh lắm”.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và các họa sỹ trẻ.
Hình ảnh tại buổi giới thiệu dự án.

Dự án do một đơn vị tư nhân thực hiện nhằm bảo vệ & phát triển văn hóa Đông Hồ, văn hóa dân tộc, mang những nét đẹp hiện đại kết hợp tinh hoa truyền thống đưa văn hóa dân tộc đến gần giới trẻ Việt Nam. Ngoài việc trưng bày, 3.000 bản tranh trong bộ “Đương đại hóa tranh Đông Hồ” sẽ được sản xuất hoàn toàn theo đúng qui trình, nguyên liệu của tranh Đông Hồ truyền thống do chính gia đình Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế sản xuất.  Toàn bộ số tiền bán được sẽ sử dụng trong việc bảo vệ và phát triển văn hóa dân gian - tranh Đông Hồ vào năm 2018.

Đậu Dung
.
.
.