Trao giải cuộc thi Kịch bản văn học kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ Năm, 26/12/2019, 15:56

Ngày 26-12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc bình chọn Kịch bản Văn học Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. 



Cuộc bình chọn dành cho các kịch bản văn học đã được dàn dựng, công diễn trên sân khấu trong và ngoài nước ở nhiều thể loại khác nhau như chèo, tuồng, cải lương, ca kịch, kịch nói, kịch thơ... 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Tạ Quang Đông trao giải thưởng cho tác phẩm đạt giải A

Các kịch bản này phải có nội dung tư tưởng nghệ thuật, giá trị chân, thiện, mỹ và mang tính giáo dục cao; phản ánh được hiện thực chiến đấu, những hy sinh, tổn thất cùng những chiến thắng hào hùng của dân tộc trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; khắc hoạ được những hình tượng cao cả, nhân văn, tình đoàn kết quân dân của anh bộ đội cụ Hồ trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy lòng tự hào, ý chí quyết chiến, quyết thắng và truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc.

Cảnh trong vở "Đôi mắt"

Tham gia bình chọn có 91 kịch bản, trong đó có 79 kịch bản hợp lệ. Trên cơ sở kết quả làm việc của Hội đồng thẩm định, Ban tổ chức đã trao Giải A cho các kịch bản: kịch nói "Đôi mắt" của cố tác giả Vũ Dũng Minh; vở chèo "Mối tình Điện Biên" của cố tác giả Lưu Quang Thuận. 

Các tác giả đạt giải B nhận giải thưởng từ Ban tổ chức

Giải B được trao cho các tác phẩm: kịch nói "Cơ sở trắng" của cố tác giả Hoài Giao; kịch nói "Nhiệm vụ hoàn thành" của tác giả Xuân Đức; "Mệnh lệnh thần kỳ" của tác giả Trần Đình Ngôn; "Ký ức lửa" của tác giả Chu Lai. 

Một số tác giả có tác phẩm đạt giải C tại lễ trao giải

Giải C được trao cho các tác phẩm: vở kịch hát dân ca xứ Nghệ "Hoa lửa Truông Bồn" của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; vở kịch nói "Điều còn lại" của tác giả Nguyễn Đăng Chương; vở kịch nói "Những người con Hà Nội" của tác giả Phạm Văn Quý; vở kịch nói "Ánh sáng Hà Nội" của cố tác giả Hoàng Tích Linh; vở kịch nói "Bão tố Trường Sơn" của cố tác giả Trương Minh Phương; vở kịch nói "Sáng trong như ngọc một con người" của tác giả Nguyễn Quang Vinh; vở tuồng "Như những tượng đài" của tác giả Sỹ Chức; vở ca kịch bài chòi "Núi rừng năm ấy" của tác giả Nguyễn Thế Kỷ (Quảng Ngãi); cải lương "Món nợ vùng ven" của tác giả Nguyễn Kháng Chiến; vở tuồng "Chị Ngộ" của cố tác giả Nguyễn Lai. 

Các kịch bản đạt giải sẽ được Cục Nghệ thuật biểu diễn trình kế hoạch báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xuất bản. 


N.Hoa
.
.
.