Thời đoạn mới và tinh thần “an ninh chủ động”

Thứ Sáu, 25/03/2016, 09:17
Để giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ thắng lợi quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, lực lượng CAND hơn lúc nào hết nhận thức sâu sắc về những tác động, ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực đối với lợi ích, an ninh quốc gia với tư duy an ninh chủ động.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chặng đường 30 năm đổi mới có thể đánh giá như giai đoạn chạy đà, chuẩn bị tiềm lực cho giai đoạn “cất cánh”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII dùng từ “cải biến sâu sắc” để đánh giá nội hàm chặng đường 30 năm đổi mới, từ một đất nước đói nghèo, rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đã vượt qua “biến cố 1991” khi thành trì CNXH sụp đổ, tự đứng lên, kiên định theo con đường lịch sử đã lựa chọn, tìm tòi, vận dụng những mô hình phát triển để tạo dựng được tiềm lực, vị thế đất nước như ngày hôm nay. 

Thành tựu 30 năm đổi mới là minh chứng sống động khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta vừa là nguyện vọng của nhân dân, vừa phù hợp thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

5 năm tới là thời đoạn được dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra thời cơ và thách thức đan xen. Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, đây là giai đoạn nước ta sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm, mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. 

Thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn song thách thức và áp lực 4 nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra từ Đại hội VIII vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ tham nhũng…

Trong bối cảnh đó, quan điểm hãy nhìn về phía trước và hãy bước đi bằng chính đôi chân của mình là vấn đề có tính nguyên tắc. Nếu tự tin, thỏa mãn, đó sẽ là rào cản ngăn sự phát triển, ngược lại nếu tự ti, lo lắng thái quá, cho rằng “không đủ lực”, không thể tiến cũng chẳng khác nào mua dây tự xích vào chân mình. 

Sự phát triển xã hội là một chuỗi vận động không ngừng, việc chúng ta chia ra các chặng đường, các mốc 5 năm, 10 năm là để đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ gắn với các dấu mốc của sự phát triển. 

Với tiềm lực và đà tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD là khả năng trong tầm với. Điều quan trọng trong chiến lược phát triển là tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với sự ổn định an ninh, chính trị; ổn định chính là nền tảng để phát triển. 

Ổn định là kết quả của tổng hợp rất nhiều yếu tố bên trong, bên ngoài, chủ yếu, thứ yếu nhưng quan trọng nhất chính là yếu tố nội lực, đó là lòng dân với Đảng.

 Bởi vậy, nhiệm vụ đầu tiên trong sáu nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Đại hội XII là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đó là yêu cầu then chốt để củng cố, nâng cao vị thế, vai trò của Đảng, gắn chặt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. 

Nghị quyết chỉ rõ nhiệm vụ “ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. 

Đây chính là sự tiếp tục những nội dung, nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã vạch ra. Nghị quyết cũng xác định nhiệm vụ kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội… 

Trong công tác Công an, tính chủ động vừa là phương châm, yêu cầu hành động, vừa là vấn đề có tính nguyên tắc. Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 71 xác định rõ, trước tình hình mới, nhiệm vụ công tác Công an đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi lực lượng CAND phải phát huy tinh thần chủ động, trong bất cứ tình huống nào cũng phải bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. 

“Để giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ thắng lợi quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, lực lượng CAND hơn lúc nào hết nhận thức sâu sắc về những tác động, ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực đối với lợi ích, an ninh quốc gia với tư duy an ninh chủ động. 

Xác định rõ mục tiêu công tác Công an là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hội nhập quốc tế; phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế là biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự cơ bản nhất, vững chắc nhất. 

Chủ động nắm chắc tình hình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót để kiến nghị các cấp, các ngành có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục” – Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định trong bài trả lời phỏng vấn Báo CAND về nhiệm vụ công tác Công an thời gian tới. 

Đăng Trường
.
.
.