Phòng, chống "Diễn biến hòa bình"

Đằng sau những hành động cản trở việc xây dựng dự án Luật An ninh mạng

Thứ Hai, 04/06/2018, 08:10
Sau khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, dự án Luật An ninh mạng đã được chỉnh sửa, bổ sung trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội và ý kiến đóng góp của nhân dân và các cơ quan chuyên môn, dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội, báo chí nước ngoài xuất hiện nhiều bài viết với lời lẽ có tính “hù dọa” hậu quả nếu dự luật này được thông qua như: “Luật An ninh mạng sẽ siết chặt tự do ngôn luận”; “Việt Nam nhắm đến siết chặt facebook, Google, “đe dọa giới bất đồng”; “Đừng để Việt Nam trở thành kẻ thù của các giá trị tiến bộ”...

Cùng việc đưa ra các lý lẽ có tính bao biện, một số người “đe” rằng, chính phủ Việt Nam “sẽ thất bại nếu để dự luật An ninh mạng thông qua”. Thậm chí, họ tự phân tích theo ý chủ quan rồi phán: “Trong lịch sử hơn 20 năm có Internet (1997-2018) chưa bao giờ lợi ích quốc gia, dân tộc và tự do của người dân bị đe doạ lớn như những gì đang được chuẩn bị trong dự luật An ninh mạng”.

Nhiều bài viết được đăng tải trên một số báo chí nước ngoài như BBC, VOA... với lời lẽ thoá mạ, phê phán Chính phủ Việt Nam “bóp nghẹt” Internet, “chậm tiến”, “kéo lùi lịch sử”...

Cùng với đó, một số tổ chức có thư gửi cơ quan chức năng Việt Nam, trên danh nghĩa “góp ý dự luật” song lại đưa ra những đề nghị có tính áp đặt, bắt bẻ, hù dọa nếu dự luật được thông qua...

Cần thấy rằng, trong soạn thảo một dự án luật, việc có các ý kiến khác nhau là bình thường, thậm chí rất cần thiết để đảm bảo các quy phạm pháp luật thêm chặt chẽ, phù hợp và dễ đi vào cuộc sống khi luật được ban hành. Đây lại là dự luật tác động những vấn đề mới và nhạy cảm như an ninh mạng.

Quá trình soạn thảo, lấy ý kiến, bên cạnh các nhà khoa học, cơ quan chức năng thì mọi người dân đều có quyền tham gia ý kiến dưới các hình thức như bằng văn bản, phát biểu tại hội nghị, hội thảo, thư góp ý...

Tuy nhiên, việc đóng góp ý kiến là theo tinh thần xây dựng, dù tán thành hay không tán thành một nội dung, vấn đề nào đó dự luật nêu ra thì cũng phải thể hiện quan điểm, chính kiến dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn thuyết phục và vì lợi ích chung.

Trong khi đó, những dạng “góp ý” như cách trên đối với dự án Luật An ninh mạng cho thấy rõ động cơ không trong sáng, nhiều người thể hiện ý đồ phá hoại, tạo dư luận nhằm cản trở việc thông qua luật của Quốc hội.

Trong khi đó, những người thường lấy lý do dự luật “đe dọa giới bất đồng” thì thực chất, đây là số có hành vi chống chính quyền hoặc có tư tưởng, quan điểm chống phá Đảng, Nhà nước.

Số này tỏ ra nghiên cứu rất kỹ dự án luật và họ nhận thấy nhiều điều khoản sẽ ràng buộc hoạt động của chính mình nên tìm cách phản ứng, phê phán chứ họ không nhìn nhận những vấn đề mà điều luật đưa ra dưới góc độ khoa học, vì lợi ích quốc gia, cộng đồng.

Đây chính là lý do gây ra “quan điểm khác” mà họ tìm cách đấu tranh, phản ứng với dự luật. Hai trong các nội dung trong dự luật mà nhiều người “đá xoáy” là quy định về dữ liệu lưu trữ và đặt máy chủ. 

Nhiều tổ chức lại lên tiếng phản ứng vì lợi ích cục bộ, lợi ích kinh doanh của họ. Theo dự thảo Luật An ninh mạng, dữ liệu lưu trữ sẽ không bao gồm toàn bộ các doanh nghiệp, cũng không yêu cầu hạn chế, lưu trữ tại Việt Nam toàn bộ dữ liệu, mà chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết, vì lý do quốc phòng, an ninh.

Việc lưu trữ dữ liệu không phải là điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp. Do chỉ lưu dữ liệu người dùng và các dữ liệu quan trọng của quốc gia Việt Nam, không phải là dữ liệu nền tảng - platform nên không ảnh hưởng và cản trở việc lưu thông của “dòng chảy dữ liệu”, không tạo rào cản đối với các doanh nghiệp tham gia nền kinh tế của Việt Nam.

Một số bài viết phê phán, dự luật sẽ “bóp” các nhà đầu tư tại Việt Nam, cản trở cơ hội đầu tư của họ tại Việt Nam. Thực chất, không một điều khoản nào quy định ngăn cản các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, tham gia vào hoạt động của nền kinh tế Việt Nam.

Việc quy định yêu cầu lưu trữ dữ liệu người dùng và các dữ liệu quan trọng khác tại Việt Nam cũng không ảnh hưởng hoặc cản trở các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Trái lại, việc quản lý tốt dữ liệu sẽ là cơ sở phục vụ tốt mọi hoạt động hợp tác, làm ăn chính đáng của các tổ chức và công dân…

Trong quá trình soạn thảo, Google, Facebook, Amazon đã đề nghị được làm việc với ban soạn thảo, tổ biên tập dự án luật.

Trong nội dung các cuộc gặp, chưa có một công ty nào khẳng định, việc yêu cầu lưu trữ dữ liệu là ngăn cấm các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Facebook đã đồng ý phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam và bày tỏ có ý định đặt văn phòng đại diện nhưng chưa thực hiện được do gặp vướng mắc về thủ tục.

Google đã chia sẻ chính sách quản lý dữ liệu và xử lý thông tin vi phạm pháp luật. Còn Hiệp hội điện toán Đám mây châu Á (ACCA), mà nòng cốt là Amazon đã trao đổi tài liệu về chính sách quản lý dữ liệu người dùng theo cấp độ và dữ liệu quan trọng quốc gia của một số nước...

Rõ ràng, khi các công ty như Google, Facebook đã đồng ý phối hợp cơ quan chức năng Việt Nam, họ không phản ứng mà người ngoài không hiểu rõ sự tình lại mặc nhiên phán, nếu phải đặt máy chủ thì Google, Facebook “bỏ đi”. Rõ ràng đó là sự suy diễn vô căn cứ, lạc điệu so với thực tế đang diễn ra…         

Thực tế cho thấy, xuất phát từ lợi ích kinh doanh, không muốn chịu sự quản lý của pháp luật nước sở tại, không muốn đóng thuế và chịu các nghĩa vụ liên quan, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet nước ngoài đã có ý kiến về một số nội dung liên quan tới việc yêu cầu các doanh nghiệp này phải lưu trữ tại Việt Nam dữ liệu người dùng và dữ liệu quan trọng của Việt Nam nhằm tạo “hiệu ứng ngược” để đẩy mạnh truyền thông, thu hút dư luận và tác động chính sách đối với dự thảo Luật An ninh mạng.

Thậm chí họ còn cho rằng, việc hạn chế dòng chảy dữ liệu gây hậu quả đến phát triển kinh tế, có thể giảm 1,7% GDP và giảm 3,1% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thực chất đây là thông tin được tung ra bởi chính các doanh nghiệp đang có hoạt động kinh doanh nhưng không đóng thuế, không làm tăng GDP cho đất nước trong nhiều năm qua.

Mục đích của những công ty này là cản trở việc ban hành chính sách về an ninh mạng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp này hoạt động không chịu sự ràng buộc của pháp luật, làm chậm nghĩa vụ đóng thuế.

Không chỉ riêng tại Việt Nam, để đối phó với hoạt động quản lý chặt chẽ của các quốc gia trên thế giới đối với mạng xã hội, dịch vụ công nghệ thời gian gần đây, một số công ty tại Mỹ đã lôi kéo, vận động một số công ty khác như ACCA (công ty đào tạo và cấp chứng chỉ kế toán toàn cầu), AIC (Liên minh Internet châu Á), UPS (công ty chuyển phát nhanh chuyên cung cấp các dịch vụ kho bãi và vận chuyển chuyên nghiệp toàn cầu về hàng hóa, tài chính, thông tin đến hơn 200 quốc gia) tổ chức hội thảo để chia sẻ quan điểm và thảo luận về chiến lược đối phó với các nước ASEAN, trọng tâm là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.

Các công ty này đã phối hợp với Đại sứ quán một số quốc gia tại Việt Nam như Mỹ, Canada, Australia, EU, Nhật Bản có công văn góp ý dự thảo luật gửi Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Họ còn phối hợp với một số tổ chức như Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), Liên minh Internet châu Á, Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA), Hiệp hội ngành công nghiệp công nghệ máy tính (CompTIA), Hiệp hội Điện toán đám mây châu Á (ACCA)..., phối hợp cùng một số tổ chức ở Việt Nam để thảo luận, tọa đàm về dự thảo luật.

Tại các cuộc hội thảo này, họ nêu ra những phân tích trái ngược với tình hình thực tế, bất lợi cho chính sách quản lý nhà nước thông qua những lý do dễ được dư luận đồng tình như “quan ngại về tính hiệu quả”, “các nhà lập pháp còn hạn chế về nhận thức an ninh mạng”, “chuyển lời của các doanh nghiệp”, qua đó đề xuất “lùi thời điểm thông qua dự thảo Luật An ninh mạng”.

Đa phần đều là những kết luận mang tính chủ quan cá nhân, không dựa vào các căn cứ cơ sở khoa học.

Những kết luận này mang rõ động cơ, lợi ích, ý đồ cá nhân, hoàn toàn không vì lợi ích quốc gia, cộng đồng của Việt Nam.

Nguyễn Thị Thành
.
.
.