Phơi bày bộ mặt thật của “Kiến nghị cải cách chính trị”

Thứ Năm, 05/10/2017, 08:52
Trước mỗi sự kiện chính trị, lịch sử lớn của dân tộc, đất nước, các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính tri, những kẻ tự xưng là “người bất đồng chính kiến”, những người “đấu tranh dân chủ, nhân quyền”, “chống độc tài đảng trị”... lại tìm cách phát tán các quan điểm chính trị xấu, độc, xuyên tạc, bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm chuyển hóa chế độ sang con đường “dân chủ”, “nhân quyền” ngoại nhập.

Trước ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), nhiều sự kiện chính trị-xã hội “nóng”, nhất là trên lĩnh vực chống tham nhũng đã tạo hiệu ứng dư luận tích cực, như: vụ Trịnh Xân Thanh ra đầu thú; vụ đại án OceanBank với bản án Nguyễn Xuân Sơn bị tử hình, Hà Văn Thắm chịu án chung thân (HĐXX còn kiến nghị điều tra tiếp cựu Tổng Giám đốc OceanBank vì cho rằng ông Nguyễn Xuân Sơn bất hợp tác khi trả lời về những người đã nhận “chăm sóc” từ khoản tiền 246 tỷ đồng); vụ cựu lãnh đạo Ngân hàng Sacombank Trầm Bê cùng hàng loạt người bị bắt do gây thất thoát 6.000 tỷ đồng... 

Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận kiểm tra và đề nghị Trung ương xem xét kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 cũng như quyết định thi hành kỷ luật một số cán bộ, cựu lãnh đạo có vi phạm nghiêm trọng khác.

Trước quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc chống tham nhũng, trong khi cán bộ, đảng viên và nhân dân vui mừng, phấn khởi thì một số kẻ xấu cho đây là cơ hội để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. 

Các đối tượng viết bài tán phát trên mạng, luận điệu nham hiểm: “Thực chất cuộc đấu tranh chống tham nhũng chỉ là “thanh trừng phe phái” trong Đảng”... Mới đây, có người vốn là cán bộ đã từng giữ một số cương vị trọng trách, viết bài phát tán trên mạng, gửi cho nhiều hãng thông tấn báo chí phương Tây bản “Kiến nghị cải cách chính trị” với nhiều nội dung sai trái.

Bản “Kiến nghị” ngỏ (!) với Tổng bí thư được BBC rút tít: “đây là bản “kiến nghị tâm huyết”, kêu gọi lãnh đạo Đảng ra quyết định “khép lại quá khứ”, “huy động toàn đảng” và “dựa vào trí tuệ nhân dân cả nước” tiến hành “một cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn”.  Vậy nội dung của những “ kiến nghị” đó ra sao, bản chất tư tưởng chính trị của những kiến nghị đó là gì?

(1) “Giai đoạn một”, bản “kiến nghị” nêu Đảng “tự thay đổi”, “cải cách” “về đường lối, tổ chức và phương thức hoạt động”, trong đó “đảng chuyển sang hoạt động theo phương thức “đảng cầm quyền” trong thể chế chính trị “pháp quyền dân chủ” (nói cách khác là họ muốn xóa bỏ Điều 4, Hiến pháp 2013 về vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam), lấy xã hội dân sự làm “địa bàn hoạt động chủ yếu”... duy trì cải cách nhưng lưu ý không để tạo ra “khoảng trống quyền lực”.

Những ai quan tâm đến những “kiến nghị” trước Đại hội XII của những cá nhân, tổ chức mạng gồm “người bất đồng chính kiến”, trong đó người bị kỷ luật khai trừ hoặc tự bỏ Đảng thì nội dung kiến nghị nói trên hoàn toàn không có gì mới, vẫn là xóa bỏ vai trò lãnh đạo cầm quyền duy nhất của Đảng ta. Sự khác biệt chỉ là câu chữ mềm dẻo kiểu lấy lại tên cũ là Đảng Lao độngViệt Nam - Đảng “tự thay đổi”, không tạo ra “khoảng trống quyền lực” (!). Có thể nói đây thực chất chỉ là thủ đoạn chính trị, hòng lừa mị người dân.

(2) “Giai đoạn hai”, ông ta viết: “thực hiện tiếp cải cách… với những thay đổi cần thiết về tổ chức, nhân sự” và đặc biệt là “ban hành dự thảo Hiến pháp mới”, trong đó có “ban hành dự thảo và thông qua luật về các đảng phái chính trị” nhằm làm “cơ sở pháp lý” cho hoạt động của “mọi đảng phái chính trị và đoàn thể xã hội”.

Mới xem qua nội dung của “giai đoạn 2”, người ta có cảm nhận rằng chẳng có gì quan trọng, song đây lại là một mưu đồ chính trị đối lập triệt để và khá căn cơ. Đó là “kiến nghị” thay đổi Hiến pháp, về bản chất là một cuộc đảo chính “mềm”. 

Một khi Hiến pháp hiện hành đã bị xóa bỏ thì không chỉ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng bị xóa bỏ, mà mọi thành tựu, các giá trị Việt Nam hình thành trong lịch sử cách mạng của dân tộc ta trong thế kỷ XX, bao gồm chế độ xã hội, Nhà nước, cơ chế, chính sách và nhân sự trong hệ thống chính trị hiện nay cũng không còn. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến những những đảo lộn chính trị - xã hội khôn lường về tất cả các mặt, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa xã hội.

(3) “Giai đoạn cuối cùng”, theo tác giả bản “Kiến nghị” bao gồm các hoạt động như thông qua Hiến pháp mới, thực hiện tiếp “mọi bước đi của cải cách”, hoàn thiện “những luật pháp và thể chế kinh tế”. Theo tác giả bản “Kiến nghi”, “thước đo nội dung và tiến triển của cải cách ở giai đoạn này là “thành tựu phát triển kinh tế”và “sự ra đời của thể chế chính trị” (!).

Có thể nói, nội dung của “giai đoạn ba” chẳng có gì đáng phân tích, ngoài sự thiếu tự tin của tác giả khi ông ta đưa ra nội dung về “thước đo” cải cách. Tất nhiên có kẻ cùng hội cùng thuyền đã khen rằng: tác giả là một người trung thực và “tâm huyết” với dân tộc (về “thước đo” của mà họ đã đưa ra)!

Trong phần cuối bản “Kiến nghị”, họ còn giở trò nhấn mạnh nhiều điểm, như: chuyển đổi Đảng Cộng sản Việt Nam “thành đảng của dân tộc”; “chuẩn bị sớm” một chiến lược cải cách để thông qua tại một đại hội đảng bất thường; tổ chức nhóm giúp việc tạm thời để chuẩn bị nội dung “cải cách” và dự liệu cuộc “cải cách” này sẽ diễn ra “trong hòa bình theo tinh thần khép lại quá khứ và không hồi tố”! Có thể nói, trong phần trên, người viết cố thuyết phục cán bộ, đảng viên con đường “cải cách”. Tuy nhiên, thực chất, bản “Kiến nghị” đã đưa ra những quan điểm, nội dung hết sức sai trái, bịp bợm. 

Theo tác giả bản “kiến nghị” này thì từ đây (sau khi cải cách như họ đưa ra), Đảng ta mới trở thành đảng của dân tộc. Thật nực cười! Vậy từ trước tới nay, Đảng ta vì ai hay chỉ vì bản thân Đảng? Thành công trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc ngày càng phát triển và có uy tín ngày càng cao trong quan hệ quốc tế đã trả lời câu hỏi đó. Hơn nữa, ông ta viết: “cuộc cải cách sẽ không có “hồi tố”- một từ người ta chỉ dùng trong tố tụng, cho thấy nhận thức rất ấu trĩ, thấp kém. Chỉ cần mấy dòng trên đây đã cho chúng ta thấy: Trí tuệ thấp kém, thủ đoạn chính trị và nhân cách đê tiện của người viết “kiến nghị”.

Không phủ nhận rằng xã hội ta đang đứng trước những vấn đề nảy sinh, như: tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị các cấp là nghiêm trọng, như Nghị quyết TW 4 (khóa XII) đã chỉ ra. Song con đường để vượt qua những thách thức đó chỉ có thể dựa trên khối đại đoàn kết toàn Đảng, toàn dân và niềm tin sắt đá vào con đường XHCN mà Cương lĩnh (Đại hội XI) đã xác định: Đó là xây dựng và phát triển chế độ “Dân chủ XHCN”, “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.

Vọng Đức
.
.
.