Nhận diện về “Giải thưởng tinh thần Trần Văn Bá”

Thứ Hai, 28/12/2020, 11:18
Để cổ xúy cho số chống đối trong nước tích cực hoạt động, ngoài nguồn kinh phí hậu thuẫn thường xuyên, các thế lực thù địch còn thông qua các hình thức trao “giải thưởng” với kinh phí không hề nhỏ, có sự lựa chọn để động viên cho những “con rối” có "thành tích" chống phá Việt Nam.

Nhằm thực hiện mục tiêu chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch luôn có xu hướng móc nối và thông qua số “chân rết” ở trong nước trực tiếp tiến hành các hoạt động gây phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời, để cổ xúy cho số chống đối trong nước tích cực hoạt động, ngoài nguồn kinh phí hậu thuẫn thường xuyên, các thế lực thù địch còn thông qua các hình thức trao “giải thưởng” với kinh phí không hề nhỏ, có sự lựa chọn để động viên cho những “con rối” có "thành tích" chống phá Việt Nam.

Đến hẹn lại lên, trên một số diễn đàn, những thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân kêu gọi bầu chọn chủ nhân cho “giải thưởng tinh thần Trần Văn Bá”. Theo sự rêu rao của các đối tượng, “giải thưởng tinh thần Trần Văn Bá 2020” sẽ được dành trao cho những người tại quốc nội đang "trực diện bất chấp hiểm nguy, đòi hỏi dân chủ, công lý và độc lập thật sự cho Việt Nam". Giải thưởng này được các đối tượng rêu rao là do người Việt vinh danh người Việt.

Bản chất của “giải thưởng tinh thần Trần Văn Bá”

Nghe tên giải thưởng trên, dư luận đặt dấu hỏi rằng Trần Văn Bá là ai, có công trạng gì mà được suy tôn như một "biểu tượng" để đặt tên cho giải thưởng của cái gọi là “cuộc đấu tranh đòi dân chủ, công lý và độc lập cho Việt Nam”?

Qua tìm hiểu được biết: Trần Văn Bá (sinh 14/5/1945 tại Sa Đéc) là một trong những đối tượng thuộc tổ chức phản động của cái gọi là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” được thành lập ngày 17/2/1976 tại Paris do Lê Quốc Túy – Mai Văn Hạnh cầm đầu. Đây là tổ chức phản cách mạng hoạt động dưới sự hậu thuẫn của cơ quan tình báo một số nước.

Trần Văn Bá chính là người đã cùng các đối tượng như Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh tổ chức đưa biệt kích cùng khối lượng lớn vũ khí và tiền giả vào Việt Nam với kế hoạch lật đổ chính quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trần Văn Bá bị lực lượng công an bắt giữ trong Kế hoạch CM-12 khi đang xâm nhập vào Việt Nam bằng đường biển và bị tòa án Việt Nam kết án tử hình năm 1985 vì tội phản quốc.

Với lý lịch như vậy, rõ ràng “giải thưởng tinh thần Trần Văn Bá” hiện rõ bản chất của một thứ giải thưởng chống phá đất nước. Tổ chức khủng bố Việt Tân đã cố tình xây dựng hình tượng một kẻ phản quốc làm hình mẫu để cổ vũ, xúi giục, khích lệ các đối tượng trong nước noi theo. Giải thưởng này được trao hàng năm như một món quà mang tính “ban ơn” khuyến khích dành cho những kẻ có thành tích chống phá đất nước, phục vụ cho toan tính phản quốc của chúng.

Những ai được nhận “giải thưởng tinh thần Trần Văn Bá”?

Theo danh sánh đề cử của tổ chức khủng bố Việt Tân, năm 2020 có 5 ứng viên được xướng danh bao gồm các đối tượng: Huỳnh Thị Tố Nga, Huỳnh Minh Tâm, Lưu Văn Vịnh, Ngô Văn Dũng, Nguyễn Đình Thành, Nguyễn Năng Tĩnh. Tất cả các đối tượng này đều là số “chân rết” của Việt Tân, hoạt động chống phá quyết liệt, hiện nay đều đã bị bắt, xử lý trước pháp luật. Theo thông tin từ fanpage “tinh thần Trần Văn Bá”, đối tượng Nguyễn Năng Tĩnh đã vượt qua 4 ứng viên “nặng ký” và đã trở thành chủ nhân của giải thưởng nêu trên.

Trước đó, tại Nghệ An, TAND cấp cao đã tuyên phạt Nguyễn Năng Tĩnh 11 năm tù; phạt quản chế bị cáo 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù với hành vi phạm tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” quy định tại Khoản 1, Điều 117, Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, Nguyễn Năng Tĩnh thông qua trang Facebook cá nhân đã viết nhiều bài có nội dung xuyên tạc bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc; phỉ báng chính quyền nhân dân, xuyên tạc lịch sử, chế độ XHCN.

Những toan tính đằng sau “giải thưởng tinh thần Trần Văn Bá”

Thực tế cho thấy, những loại giải thưởng dạng trên được số đối tượng trong tổ chức khủng bố Việt Tân lập ra vô số ở hải ngoại, nhằm "truyền lửa" cho số đồng bọn trong nước đã bị bắt, xử lý bằng hình sự và giải thưởng này cũng phần nào để động viên, an ủi thân nhân các đối tượng. Qua đây cho thấy sự "thâm ý" của các thế lực phản động khi thông qua hình thức trao “giải thưởng” để khuếch trương thanh thế, tạo chỗ dựa cho các đối tượng chống đối, đồng thời đây cũng là thủ đoạn để chúng hợp thức hóa việc hỗ trợ về vật chất cho các đối tượng chống đối trong nước qua các phần thưởng có giá trị tài chính lớn.

Qua đây có thể thấy, vì ta đã làm tốt công tác phòng ngừa nên các thế lực thù địch không thể trực tiếp xâm nhập về nước tiến hành chống phá cách mạng Việt Nam mà phải thông qua số cơ sở nội địa ở trong nước và ngược lại, các đối tượng chống đối ở nội địa cũng luôn trông ngóng các nguồn tài trợ từ bên ngoài để duy trì hoạt động. Do vậy, các loại “giải thưởng” này được xem là “nguồn sữa nuôi dưỡng” cho các âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam. 

Hiện nay, không ít hội nhóm chống đối trong và ngoài nước đã được lập ra với mục đích tấn công, chống phá chế độ XHCN cũng như chống Đảng Cộng sản Việt Nam. Muốn tồn tại, muốn có kinh phí tự nuôi sống bản thân và triển khai các hoạt động chống phá, các tổ chức này phải sống “dựa hơi” vào nhiều thế lực khác. Đồng thời, các hội nhóm giả danh “dân chủ” cũng phải cạnh tranh với nhiều tổ chức phản động, chống đối khác để tranh giành địa bàn hoạt động và các lợi ích vật chất. Do đó, Việt Tân tiến hành trao “giải thưởng tinh thần Trần Văn Bá” không chỉ là cách để hỗ trợ cho các đối tượng chống đối trong nước mà đồng thời để đánh bóng bản thân, từ đó tranh thủ các nguồn viện trợ.

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định, việc trao giải thưởng chỉ là một vở kịch để khuếch trương tên tuổi cho các “nhà dân chủ” giả hiệu. Bởi lẽ, các phần tử chống đối Đảng, Nhà nước chỉ là phần thiểu số trong xã hội, nhưng để tăng cường “uy tín”, phục vụ cho việc tập hợp lực lượng, các đối tượng chống đối trong nước luôn tìm cách móc ngoặc, hợp tác với các phần tử phản động lưu vong ở bên ngoài.

Ngược lại, các đối tượng bên ngoài cũng hỗ trợ tích cực về mặt vật chất, tinh thần cho các đối tượng trong nước. Trong đó, việc trao giải thưởng là một cách thức được lựa chọn nhằm khuếch trương hình ảnh và đánh bóng tên tuổi cho các đối tượng.

Chắc chắn, trong thời gian tới, để tiếp tục dung dưỡng, lên dây cót cho các phần tử chống phá Việt Nam, “giải thưởng tinh thần Trần Văn Bá” vẫn là chủ đề luôn thu hút được sự quan tâm, chú ý của những phần tử chống phá đất nước. Do đó, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác để nhận diện bản chất của các giải thưởng quốc tế của một số tổ chức thù địch.

Phạm Duy
.
.
.